Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: NHƯ Ý
Không học thêm không xong
Ngay sau khi môn Toán thi xong, một giáo viên của Hà Nội gọi điện cho phóng viên để bày tỏ nỗi băn khoăn. Là giáo viên dạy Toán, được phân công làm giám thị một điểm thi khu vực Cầu Giấy, nữ giáo viên cho biết, điểm thi gồm học sinh các trường THPT top của Hà Nội như THPT chuyên Chu Văn An, THPT Yên Hòa. Nhưng gần hết thời gian làm bài, nhiều thí sinh trong phòng thi vẫn chưa chạm đến phần III (phần trả lời ngắn) của đề thi.
Khi về nhà, có thời gian lên internet đọc đề thi thì cảm giác băn khoăn không thể diễn tả. Bởi theo cô, một số nội dung thi không nằm trong ma trận đề thi đã công bố trước đó, nhiều bài toán thực tế hơn so với đề minh họa. Cô khẳng định, điểm thi môn Toán năm nay sẽ không cao.
Cũng có con năm nay lên lớp 12, cô dự định sẽ tìm lớp học thêm từ bây giờ để thi các chứng chỉ như SAT, đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để con có cơ hội trúng tuyển cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Cô cho biết, hai lứa học sinh sinh năm 2008 và 2009 đều có 9 năm học chương trình giáo dục 2006, chỉ có 3 năm học chương trình 2018. Trong khi đó, đầu năm 2024 Bộ mới công bố cấu trúc đề thi, tháng 10/2024 công bố đề minh họa. Đây là quãng thời gian quá ngắn để học sinh làm quen với các định dạng câu hỏi trắc nghiệm mới, nội dung đề thi yêu cầu năng lực, khác với chương trình 2006 đánh giá kiến thức. Từ phân tích này, cô khẳng định phụ huynh sẽ tìm cách tăng cường cho con học thêm trong năm học mới.
Lợi dụng tâm lí hoang mang, lo lắng của phụ huynh, một số trung tâm luyện thi trực tuyến cũng đã bắt đầu “lùa” thí sinh với các thông điệp “giật gân” như: báo động 2k8 (những học sinh sinh năm 2008, năm học tới bước vào lớp 12), cơ hội đậu ĐH top không chờ người chậm chân… Đề dài, phân hóa cao, nhiều câu hỏi đánh đố cả tư duy và tốc độ. 2k8 còn chần chờ gì nữa? Nếu chưa khởi động từ hè này, bạn đang tự đẩy mình tụt hậu lại phía sau trong cuộc đua ĐH”.
Hoặc “2k8 ơi, đừng đi vào “vết xe đổ” các anh chị 2k7, không tham dự kì thi riêng, chần chừ không xuất phát sớm…”.
Những toppic này “đánh” thẳng vào tâm lí phụ huynh học sinh trong bối cảnh đề thi được nhận định khó khiến một số phụ huynh lung lay, từ chỗ “bình chân” đã vội vã tìm suất học thêm cho con từ bây giờ. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (phường Định Công, Hà Nội) cho hay, nhóm phụ huynh của lớp đang nháo nhác tìm chỗ học thêm Toán, tiếng Anh cho các con năm nay vào lớp 12. Nhiều phụ huynh lo lắng năm học mới không được học bổ trợ tại trường, không có điều kiện cho con học thêm bên ngoài, thi cử năm sau nguy cơ con không có cơ hội cao xét tuyển trường ĐH mong muốn.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, một đến hai tháng đầu tiên khi thông tư dạy thêm học thêm có hiệu lực, các trường phổ thông dừng dạy bổ trợ (một hình thức dạy thêm) trong trường, giáo viên “án binh bất động”. Nhưng sau đó, giáo viên đã “lách luật” bằng cách tập hợp giáo viên trong trường, dạy chéo cánh ở các trung tâm bên ngoài. Vì thế, có nhiều trung tâm dường như mở ra chỉ phục vụ giáo viên 1 trường dạy thêm bên ngoài. Việc này không vi phạm quy định dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT và hoàn toàn vẫn có thể sử dụng quyền lực “mềm” để ép học sinh đi học thêm.
Chị Trần Phương Nhi (Long Biên, Hà Nội) cho biết, sau kì thi, giáo viên chủ nhiệm đã lên “dây cót” tinh thần trong nhóm lớp. Cô cảnh báo đề thi khó, yêu cầu học sinh cần đạt được nhiều năng lực, những kiến thức trong SGK không đủ. Cô khuyên phụ huynh cần có định hướng cho con em.
Ðề thi bị “nén” quá chặt
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Tiếng Việt - Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”) khẳng định, việc ra đề thi quá khó sẽ khiến phụ huynh, học sinh phải tìm cách học thêm để mong đạt điểm thi cao. Đây là nhu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, PGS Bùi Mạnh Hùng phân tích, trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD&ĐT kết hợp hai mục tiêu trong một đề thi (xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH) là một ý tưởng đáng được cân nhắc. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Hùng, số câu hỏi và thời gian làm bài trong mỗi môn thi cần được tăng lên.
Ông chia sẻ, trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục 2018, Ban phát triển Chương trình đã được trao đổi và tham vấn nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế của Ngân hàng Thế giới, trong đó có GS Eduardo Cascallar, chuyên gia về đánh giá giáo dục (GS Eduardo Cascallar lấy bằng Tiến sĩ tại ĐH Texas tại Austin (Hoa Kỳ), từng là Giáo sư của Đại học KU Leuven, Bỉ và là chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới trong hàng chục năm). GS Eduardo Cascallar cho hay, có bài thi đánh giá dựa vào nội dung đã dạy học (đánh giá chuẩn đầu ra, ví dụ như kì thi tốt nghiệp THPT - PV), có bài thi đánh giá để dự báo khả năng học tập trong tương lai (đánh giá chuẩn đầu vào như tuyển sinh ĐH - PV). Tuy có mối tương quan giữa hai kết quả, nhưng mối tương quan này không đủ để gộp thành một kì thi. Nên thiết kế các bài thi theo những mục tiêu cụ thể. Mặc dù vậy, GS Eduardo Cascallar khẳng định có thể gộp 2 kì thi này nếu thiết kế một đề thi có khoảng 200 câu hỏi/môn thi.
Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo và Dân vận T.Ư, Bộ GD&ÐT khẳng định với lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông như sau: đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi Toán và môn thi Tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được.
Theo ông Hùng, có lẽ GS Eduardo đưa ra con số 200 câu hỏi với hàm ý thiết kế một đề thi nhằm hai mục tiêu là kém khả thi, nhưng chắc hẳn không phải chỉ 40 câu thực hiện trong vòng 50 phút như đề thi tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay. “Dung lượng của cái được coi là “câu hỏi” trong diễn giải của GS Eduardo Cascallar và trong đề thi Tiếng Anh có thể có sự khác biệt, nhưng thời gian làm bài 50 phút là thước đo khách quan để đánh giá độ dài của một đề thi, qua đó có thể thấy đề thi tiếng Anh vừa qua đã bị “nén” quá chặt”, PGS Mạnh Hùng đánh giá.
Ông cho rằng, nếu tiếp tục chủ trương kì thi 2 trong 1 và giảm thời gian làm bài để tiết kiệm nhiều thứ, ban đề thi Tiếng Anh (và nhiều môn khác) trong kì thi tốt nghiệp THPT những năm sau chắc khó hoàn thành nhiệm vụ. Vì trong trường hợp này, giảm thời gian làm bài thi thực ra là tăng áp lực cho các ban đề thi và cho thí sinh.
Ðề thi năm nay quyết định việc dạy và học năm sau
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội khẳng định, đề thi năm nay quyết định việc dạy và học năm sau. Đề thi phân hóa là đúng nhưng phân hóa ở mức độ nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm
Đề thi không tốt sẽ ảnh hưởng đến thí sinh, nhất là những môn thi có số lượng lớn thí sinh lựa chọn. Không phải ngẫu nhiên dư luận phản ứng về đề thi. Trong số 11 môn thi, tại sao dư luận chỉ tập trung kêu đề khó 2 môn là Toán và tiếng Anh. Bộ GD&ĐT cũng cần lắng nghe, xem xét, đánh giá. Và chỉ đạo điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và cố gắng không để học sinh bị thiệt thòi.
Ðể học sinh không phải “khóc” khi thi xong
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, Hà Nội đề xuất, ban ra đề thi tốt nghiệp THPT của một môn học chia làm 2 nhóm độc lập, nhóm 1 ra đề, nhóm 2 phản biện đề. Sau khi nhóm 1 làm xong đề, từng thành viên trong nhóm 2 làm thử đề thi như một thí sinh trong phòng thi (không tài liệu, không được trao đổi với người khác, đúng thời gian làm bài…). Sau đó chuyển bài làm cho nhóm 1 chấm (theo thang điểm dự kiến). 2 nhóm thảo luận kết quả bài làm của nhóm 2 để từ đó điều chỉnh lại đề thi cho phù hợp. Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, kì thi tốt nghiệp THPT năm nay nếu làm như đề xuất trên, khi nhóm 2 thực hiện làm đề môn Toán, tiếng Anh chắc chắn phát hiện những bất cập và sẽ có những điều chỉnh phù hợp, không xảy ra tình trạng thí sinh “khóc” từ khi thi xong đến nay.
Hoa Ban
NGHIÊM HUÊ