Việc thầy cô giáo cung cấp bài văn mẫu cho học sinh để làm theo là một phương pháp phổ biến trong giảng dạy môn Ngữ văn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại nhiều hạn chế và hệ lụy không nhỏ đối với sự phát triển năng lực sáng tạo và tư duy của học sinh.
Một trong những hệ quả rõ ràng của việc cho học sinh làm theo bài văn mẫu là làm giảm tính sáng tạo và cá tính trong cách viết. Khi học sinh chỉ học theo những bài văn có sẵn sẽ dễ dàng mắc phải tư duy học thuộc lòng và không tự tạo ra được những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo. Học sinh có thể bị ràng buộc bởi cấu trúc, cách diễn đạt, và các ý tưởng có sẵn trong bài mẫu, dẫn đến việc viết văn một cách máy móc, thiếu sự độc đáo và phong phú trong cách diễn đạt.
Việc làm theo bài văn mẫu khiến học sinh không có nhiều cơ hội để phát triển khả năng tư duy phản biện. Khi học sinh chỉ học cách sao chép hay chỉnh sửa những gì đã có, sẽ không thực sự được khuyến khích suy nghĩ độc lập, phân tích vấn đề một cách sâu sắc hay phát triển quan điểm cá nhân.
Bài văn mẫu thường có một cấu trúc nhất định, đi từ mở bài, thân bài, kết bài theo một khuôn mẫu cứng nhắc. Học sinh có thể trở nên quá phụ thuộc vào cấu trúc này và thiếu sự linh hoạt khi viết văn, làm hạn chế khả năng sáng tạo trong việc phát triển ý tưởng, tổ chức bài viết mà chỉ cố gắng lặp lại những gì đã có.
Khi học sinh quá phụ thuộc vào bài văn mẫu có thể sẽ chỉ tập trung vào việc làm sao cho bài viết của mình giống nhất với mẫu bài để đạt điểm cao, thay vì tập trung vào quá trình rèn luyện kỹ năng viết văn và phát triển tư duy. Điều này làm cho việc học văn trở thành một cuộc "chạy đua" với điểm số, thay vì một quá trình phát triển năng lực ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc.
Nếu học sinh chỉ làm theo bài văn mẫu, việc đánh giá năng lực viết văn trở nên khó khăn hơn. Các bài viết có thể giống nhau về cấu trúc, nội dung, nhưng không phản ánh được sự khác biệt về năng lực và sự sáng tạo của từng học sinh, làm giảm hiệu quả của việc đánh giá, và có thể khiến thầy cô giáo không nhận ra được những yếu điểm hay điểm mạnh thật sự của từng học sinh trong quá trình học tập.
Mạo muội đưa ra mấy lời, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh hiểu rõ hơn về cách xây dựng một bài văn hay, khuyến khích các em phát triển ý tưởng riêng, tự do bày tỏ cảm xúc và quan điểm cá nhân. Thay vì chỉ đưa ra bài văn mẫu, giáo viên có thể cho học sinh đọc nhiều bài viết khác nhau, phân tích cách các tác giả tổ chức và triển khai ý tưởng. Đồng thời, cũng nên tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào các hoạt động viết sáng tạo, trao đổi và phản biện ý tưởng của nhau để phát triển kỹ năng viết và tư duy phản biện.
Mặc dù bài văn mẫu có thể là một công cụ hữu ích để hỗ trợ học sinh nắm vững cấu trúc và các yếu tố cơ bản trong việc viết văn, nhưng nếu sử dụng một cách quá mức, nó có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Cần phải giúp học sinh phát triển khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của chính mình trong các bài viết.