Hệ quả tiềm tàng với Nga khi phương Tây bỏ hạn chế 'tầm bắn' tên lửa cho Ukraine

Hệ quả tiềm tàng với Nga khi phương Tây bỏ hạn chế 'tầm bắn' tên lửa cho Ukraine
2 ngày trướcBài gốc
Tên lửa hành trình không đối đất Taurus. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyết định của các đồng minh phương Tây dỡ bỏ hạn chế tầm bắn đối với vũ khí cung cấp cho Ukraine có thể tạo ra những tác động sâu rộng đối với Nga, từ thách thức quân sự thực tế đến áp lực đàm phán chính trị.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã chính thức xác nhận vào đầu tuần này rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine đã dỡ bỏ các hạn chế về tầm bắn đối với vũ khí họ cung cấp. "Không còn bất kỳ hạn chế nào về tầm bắn đối với vũ khí cung cấp cho Ukraine - cả từ phía Anh, phía Pháp, phía chúng tôi và phía Mỹ", ông Merz tuyên bố tại sự kiện do đài WDR tổ chức.
Điều này có nghĩa Ukraine hiện có thể sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ (tầm bắn 300km), tên lửa Storm Shadow của Anh (tầm bắn 250km) và có khả năng sắp tới là tên lửa Taurus của Đức (tầm bắn 500km) để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Theo kênh CNN ngày 27/5, Nga đã có phản ứng mạnh mẽ trước thông báo này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo đây là "quyết định nguy hiểm" và "hoàn toàn trái ngược" với bất kỳ giải pháp hòa bình nào trong tương lai.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa rằng việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa có nghĩa là NATO sẽ "ở trong tình trạng chiến tranh" với Moskva. Ông cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa thông thường được các cường quốc hạt nhân hỗ trợ. Tuy nhiên, các cảnh báo này cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở lời nói khi Ukraine đã bắt đầu sử dụng tên lửa do Anh và Mỹ sản xuất để tấn công vào lãnh thổ Nga từ tháng 11/2024.
Tác động quân sự thực tế
Theo Forbes, Ukraine đã đạt được một số thành công đáng kể khi sử dụng tên lửa tầm xa. Các cuộc tấn công ATACMS đã phá hủy ít nhất 20 máy bay trực thăng của Nga tại các căn cứ tiền tuyến và một hệ thống phòng không S-400 quan trọng. Tuy nhiên, Nga đã thích nghi bằng cách kéo các tài sản dễ bị tấn công ra khỏi phạm vi tấn công dễ dàng và phân tán rộng rãi hơn các hệ thống phòng không. Do đó, các mục tiêu trên lãnh thổ Nga hiện có thể ít bị tổn thương hơn so với 2-3 năm trước.
Dù vậy, việc các căn cứ không quân và kho đạn dược trên lãnh thổ Nga bị tấn công bằng tên lửa khó đánh chặn, nhanh và có sức hủy diệt lớn hơn nhiều so với thiết bị bay không người lái, vẫn có khả năng gây ra nhiều "sự đau đầu" cho Moskva.
Ngoài ra, hiệu quả thực tế của quyết định trên phụ thuộc lớn vào việc Ukraine có đủ đạn dược hay không. Nghị sĩ Ukraine Oleksandr Merezkho cảnh báo rằng sự ủng hộ từ các đồng minh "không có ý nghĩa gì nếu nguồn cung cấp vũ khí như vậy của Ukraine đang cạn kiệt".
Cựu sĩ quan an ninh Ukraine Ivan Stupak nhấn mạnh: "Việc 'bật đèn xanh' cho phép bắn tên lửa tầm xa vào Nga chẳng có ý nghĩa gì nếu tủ đựng đồ (ám chỉ kho dự trữ tên lửa tầm xa) của chúng ta hoàn toàn trống rỗng".
Bình luận với tờ Newsweek về vấn đề trên, chuyên gia William Freer, nghiên cứu viên về an ninh quốc gia tại Hội đồng Địa chiến lược (Council on Geostrategy), tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, cũng chỉ ra mối lo ngại nghiêm trọng về "số lượng vũ khí tấn công tầm xa thấp trong kho vũ khí của các nước châu Âu".
Áp lực đàm phán
Theo nhà nghiên cứu Timothy Ash trong chương trình Nga và Âu Á thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, thông báo của Thủ tướng Merz là "phản ứng trước sự chậm trễ của Nga" và "châu Âu hy vọng điều này sẽ gây áp lực buộc Moskva phải nghiêm túc đàm phán".
Áp lực này đang gia tăng từ nhiều phía, đặc biệt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau các cuộc tấn công dữ dội của Nga vào cuối tuần với 298 thiết bị bay không người lái và 69 tên lửa, Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng một cách bất thường và gay gắt.
Mặc dù Tổng thống Trump cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, các nỗ lực đàm phán cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể. Ukraine muốn ngừng bắn vô điều kiện, trong khi Moskva đặt điều kiện Kiev không được gia nhập NATO và phải rút khỏi các khu vực do Nga kiểm soát một phần.
Có thể thấy việc dỡ bỏ hạn chế tầm bắn tên lửa đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của phương Tây, phản ánh "quan điểm diều hâu hơn nhiều về Nga" như chuyên gia Timothy Ash nhận xét. Tuy nhiên, tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có thể duy trì nguồn cung đạn dược tầm xa hay không.
Trong bối cảnh "cả hai bên đều đã sẵn sàng cho cuộc chiến tiêu hao" quyết định trên có thể "chỉ giúp nghiêng một chút về phía Ukraine", nhưng chưa đủ để tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm này, chuyên gia Ash kết luận.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/he-qua-tiem-tang-voi-nga-khi-phuong-tay-bo-han-che-tam-ban-ten-lua-cho-ukraine-20250528105810303.htm