Tràn lan hội nhóm anti vaccine
Được xem là một trong những tiến bộ vĩ đại nhất của y học hiện đại, thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, vaccine đã cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Nhờ vaccine, các bệnh dịch đã được kiểm soát tốt, số trẻ tử vong sau tiêm do các bệnh hiểm nghèo đã giảm xuống mức thấp nhất.
Bất chấp thực tế đó, vẫn còn một bộ phận người dân phản đối tiêm vaccine. Trên mạng xã hội, nhiều bài viết có nội dung anti vaccine với những thông tin sai lệch, vô căn cứ gây hoang mang trong cộng đồng, khiến nhiều người dao động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tiêm chủng phòng dịch bệnh. Trào lưu này không chỉ tác động đến những người trưởng thành, mà còn ảnh hưởng đến trẻ em và thai phụ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi.
Trào lưu anti vaccine đã xuất hiện từ lâu, một phần xuất phát từ niềm tin rằng cơ thể con người có khả năng tự chữa lành mà không cần đến sự can thiệp y tế. Quan điểm này thường được thúc đẩy bởi các phong trào như “sống thuận tự nhiên” hoặc “thực dưỡng”, cho rằng việc tiêm vaccine là không cần thiết, thậm chí có hại cho cơ thể, làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên, thậm chí gây ra những vấn đề như tự kỷ, vô sinh. Những quan điểm này ngày càng lan rộng, không chỉ từ những nguồn thông tin không chính thống mà còn từ những người có ảnh hưởng trong xã hội.
Quả thực, trong các hội nhóm “tự chữa lành”, rất nhiều người bày tỏ quan điểm anti vaccine một cách phiến diện, phản khoa học nhưng lại luôn nhận được sự ủng hộ của các bà mẹ trẻ. Những bài viết được chia sẻ, bình luận rôm rả, cho thấy một bộ phận có tư tưởng lệch lạc.
Trong một hội nhóm tự chữa lành, một thành viên đăng đàn với thái độ đầy miệt thị: “Rất nhiều cha mẹ vẫn xem vít xăng (vaccine) là tiến bộ y học của nhân loại. Quan sát cá nhân ở 4 đứa trẻ nhà mình: đứa nào bị chích vít xăng nhiều nhất (do sự ngu muội của mình thời đó) thì đau ốm nhiều nhất. Mình chỉ chia sẻ, các bậc cha mẹ tự nghiên cứu và quyết định, nhưng mình sẽ vẫn lặp lại: hãy có trách nhiệm bảo vệ con cái của chúng ta khi chúng chưa có khả năng tự bảo vệ”.
Và, thành viên này khẳng định: trong 6 năm đầu đời, con bạn nhận được rất nhiều chất có hại thông qua vít xăng. Đồng thời, đưa ra cụ thể khối lượng từng loại chất như chất chống đông, chất độc thần kinh, chất gây ung thư, thân động vật nghiền nhỏ, máu người, chất gây béo phì và tiểu đường, số lượng tế bào MRC-5 chưa xác định (từ trẻ sơ sinh bị sẩy thai), kháng sinh, kali clorua (dùng trong tiêm thuốc độc), kali photphat (phân bón dạng lỏng), natri bicarbonate (muối nở), Borax dùng để diệt gián, muối ăn, phụ gia thực phẩm không xác định, chất ăn mòn, natri photphat (độc đối với mọi sinh vật), sorbitol (chất không được tiêm), nấm, chất thải chuyển hóa từ nước tiểu con người và nhiều dư lượng hóa chất khác... Người này còn dẫn nhiều bài viết khẳng định là nghiên cứu khoa học trên thế giới để chứng minh các chất độc từ vaccine. Và cho rằng, vaccine không phải là bảo vệ mà giết chết trẻ em một cách từ từ và làm suy yếu nhân loại một cách có hệ thống.
Ngay lập tức, rất nhiều bà mẹ vào bình luận và cảm thấy hoang mang khi trót tiêm phòng cho con và xin được chia sẻ kinh nghiệm dành cho mẹ bầu và bé sơ sinh.
Một nickname khác khẳng định: “Bill Gates còn không tiêm cho con. Vaccine từ sau năm 2020 độ độc hại gấp 5-6 lần vaccine trước đó. Chứa toàn nhôm và thủy ngân..., chả có gì tốt cho sức khỏe. Thủy ngân ở nhiệt kế vỡ ra thì đeo khẩu trang, mặc áo mưa, thêm 5-6 lớp găng tay để hót. Thủy ngân trong vaccine thì vui vẻ nạp vào người. Bạn hãy lên Google search thành phần thuốc cho tử tù, bạn sẽ thấy vaccine cũng có những thành phần đó”.
Còn một thành viên thì lại đăng status giật gân: “Sốc: Tìm thấy thuốc diệt cỏ trong 5 loại vaccine phổ biến: bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm, viêm gan B, phế cầu, sởi, quai bị, rubella”. Ngay bên dưới comment, nhiều thành viên tỏ ra bình thản, không hề sốc “vì mình biết độ độc hại của vaccine từ rất lâu”.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ
Thời gian qua, bệnh sởi bùng phát Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương được các chuyên gia phân tích do tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Trước đó, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm cũng từng bùng phát. Ghi nhận tại các cơ sở điều trị cho thấy, số trẻ mắc sởi chủ yếu là ở độ tuổi từ 4 tháng đến 8 tuổi. Nhiều trẻ khi vào viện đã bị biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản, chưa ghi nhận trường hợp nặng như viêm não. Nhiều trẻ mắc sởi chưa đến tuổi tiêm vaccine; một số trẻ tiêm không đầy đủ; trẻ bị bỏ sót mũi tiêm.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật.
Mới đây, một em bé 4 tuổi ở Hà Nội tử vong sau khi mắc sởi, dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nỗ lực cứu chữa. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận thấy mặc dù đã 4 tuổi, trẻ mới chỉ được tiêm một liều vaccine viêm gan ngay sau sinh và một mũi vaccine BCG trong vài tuần sau đó.
Tất cả vaccine cần thiết để chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có vaccine sởi, trẻ đều không được tiêm. Không chỉ vậy, tiền sử tiêm chủng của các trẻ khác trong gia đình đều có tình trạng tương tự. Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống đối vaccine.
Ngày 27/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi trong năm 2025. Đây cũng là trường hợp chưa tiêm vaccine có chứa thành phần sởi. Trước đó, vào tháng 1/2025, 1 học sinh lớp 5, trú tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã tử vong do bệnh sởi. Trường hợp này cũng không được tiêm chủng bệnh sởi.
Hiện nay, số ca mắc sởi đang gia tăng. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 42.488 ca nghi sởi, trong đó có 5 ca tử vong. Đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân thuộc nhóm trẻ em từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi, chiếm 72,7% tổng số ca mắc.
Trong số ca mắc sởi, có đến hơn 95% bệnh nhân không được tiêm vaccine phòng sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng. Đáng lưu ý, hiện nay, một số bộ phận người dân do dự, từ chối đưa trẻ đi tiêm vaccine. Đặc biệt, trên mạng xã hội xuất hiện làn sóng chống đối vaccine (anti vaccine) vô tình khiến trẻ gặp biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi.
Theo TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, từ năm 2024 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận gần 2.700 ca mắc sởi, trong đó, năm 2024 là 796 ca, riêng 3 tháng đầu năm 2025 đã có 1.894 ca (tăng gấp hơn 2 lần). Có đến 60% ca mắc sởi vào bệnh viện chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tháng tuổi được khuyến cáo tiêm chủng.
Hiện, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương khám, sàng lọc cho khoảng 70-90 ca mắc sởi, ngày cao điểm lên tới hơn 100 bệnh nhân. Chị T.V (Hà Tĩnh) đưa con gần 2 tuổi nhập Bệnh viện Nhi Trung ương cả 2 tuần nay. Chị cho biết, con chị may mắn thoát khỏi cửa tử nhưng con rất yếu. Chỉ vì tin hội nhóm trên mạng xúi giục không tiêm phòng nên dù UBND xã nhiều lần nhắn tin mời gia đình đưa con đi tiêm sởi, chị từ chối để cuối cùng con chị phải gánh chịu hậu quả.
Chị M.T (Thái Nguyên) cũng lần lữa khi xã báo cho trẻ đi tiêm phòng sởi, vì nghĩ con mắc sởi thì tắm lá cây sẽ khỏi. Nào ngờ, cháu mắc bệnh rồi biến chứng rất nhanh, lá cây cũng không chữa được, rất may chị đưa cháu đến viện kịp thời.
Nhiều hội nhóm đăng bài viết anti vaccine trên mạng xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc trẻ không được tiêm chủng đầy đủ là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. Nguyên nhân phổ biến của việc một số người dân do dự tiêm vaccine là do thiếu thông tin hoặc hiểu sai về vaccine.
Ngoài ra, nhiều người lại có tâm lý chủ quan khi cho rằng bệnh truyền nhiễm hiện nay hiếm gặp hoặc không nguy hiểm. Một số cá nhân ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông và mạng xã hội, từ những thông tin giả, thông tin sai lệch.
Bên cạnh đó, do dự vaccine có thể do những ảnh hưởng từ tôn giáo, văn hóa, niềm tin cá nhân (như quan điểm để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên); hoặc từ một vấn đề cá nhân, riêng biệt nào đó làm họ mất niềm tin vào hệ thống y tế.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi có tỷ lệ lây truyền cao nhất trong tất cả các bệnh lý truyền nhiễm. Hiện nay, công tác điều trị chỉ mới tập trung vào hậu quả do bệnh sởi gây ra chứ chưa thể tiêu diệt được virus gây bệnh. Vì vậy, việc nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong cộng đồng là cách duy nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng hiện nay vẫn chưa đạt được mức như mong đợi. Trong năm 2024, tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt tiến độ kế hoạch của Bộ Y tế và dịch bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng. Điều này cho thấy nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn.
Ở các quốc gia phương Tây, dịch bệnh như viêm não hay thủy đậu cũng đã cướp đi nhiều sinh mạng trẻ em chỉ vì phụ huynh từ chối tiêm chủng cho con mình.
Mặc dù vaccine không thể đảm bảo 100% an toàn nhưng đây vẫn là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, giúp cứu sống hàng triệu người và ngăn ngừa sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng từ 85-95% người được tiêm vaccine sẽ phát triển miễn dịch
đặc hiệu chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, sởi, bạch hầu, ho gà... Không chỉ bảo vệ cá nhân, việc tiêm vaccine còn giúp bảo vệ cộng đồng, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật.
Ngọc Trâm