Năm 2025 đánh dấu nửa thế kỷ đất nước ta thống nhất trong hòa bình - một dấu mốc lịch sử trọng đại. Nửa thế kỷ - một quãng thời gian đủ dài để hai thế hệ trưởng thành, để chứng kiến và trải nghiệm những biến chuyển sâu sắc của lịch sử, của xã hội và của chính con người.
Đó là hành trình từ những ngày đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh đến những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, bị cô lập trở thành một quốc gia năng động, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu hữu hình mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đều là kết quả tất yếu của hành trình kiên trì tìm kiếm và vun đắp những giá trị cốt lõi: hòa bình, độc lập, tự chủ và tự cường.
Niềm vui của bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (phường 14, quận 6, TPHCM) khi được hỗ trợ xây sửa căn nhà bị cháy vào đầu năm 2025. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Trong thời gian gần đây, khi lãnh đạo Đảng ra lời hiệu triệu về một Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, phát triển và thịnh vượng của dân tộc, chúng ta đã nhận thấy những tín hiệu đáng mừng của sự chuyển dịch chính sách theo hướng bền vững, hài hòa hơn. Bên cạnh sự chuyển biến về mô hình phát triển kinh tế, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội toàn diện. Đây không chỉ là sự điều chỉnh về mặt kinh tế mà còn là sự chuyển đổi trong tư duy phát triển - từ tăng trưởng đơn thuần sang phát triển bền vững, bao trùm.
Nổi bật trong số đó là chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước - một bước tiến rất nhân văn, tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho mọi trẻ em. Theo thống kê, cả nước có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên), khi thực hiện chính sách ấm lòng dân này, mỗi năm, ngân sách nhà nước chi thêm 30.000 tỷ đồng.
Cùng với đó là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được triển khai quyết liệt, với tinh thần không để người dân nào phải sống trong căn nhà không đảm bảo an toàn, có an cư mới lạc nghiệp. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2025, nước ta đã thêm tầng trợ cấp cho người cao tuổi - một bước cải cách ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Nhìn tổng thể các chính sách này cho thấy tính nhân văn, hướng về số đông người dân một cách toàn diện. Hàng chục triệu học sinh, hàng trăm ngàn mái ấm, hàng triệu người cao tuổi chính là người trực tiếp được thụ hưởng chính sách. Đây là sự chuyển đổi quan trọng trong nhận thức về phát triển, khi thành quả tăng trưởng được chia sẻ công bằng hơn tới mọi tầng lớp trong xã hội. Cách tiếp cận này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn thúc đẩy sự đồng thuận xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, mô hình nhà nước phúc lợi hiện đại không phải là sự “bao cấp” toàn diện mà là xây dựng một hệ thống an sinh có tính bao phủ rộng, linh hoạt và bền vững. Tại Việt Nam, chúng ta có thể phát triển mô hình này dựa trên nền tảng văn hóa tương thân tương ái, kết hợp với những ưu điểm của hệ thống chính trị tập trung, thống nhất. Khi thấy được sự quan tâm thực chất của Nhà nước qua những chính sách thiết thực, người dân càng thêm tin tưởng và ủng hộ đường lối, chính sách phát triển đất nước.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một ví dụ điển hình cho chiến lược phát triển bao trùm này. Chương trình không đơn thuần là việc xây dựng cơ sở vật chất, mà còn là cơ hội để thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Đây cũng là dịp để người thực thi chính sách gần dân, hiểu dân và phục vụ dân tốt hơn. Những ngôi nhà mới mọc lên không chỉ là minh chứng cho sự quan tâm của Nhà nước, mà còn là biểu tượng của niềm tin, của hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Thông qua việc đảm bảo quyền có chỗ ở an toàn, ổn định, chương trình còn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho người dân phát triển các hoạt động sinh kế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống. Đồng thời, việc xóa nhà tạm còn giúp nâng cao chất lượng môi trường sống, giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe và tai nạn do nhà ở không an toàn gây ra.
Đây chính là cách tiếp cận phát triển toàn diện - khi chúng ta không chỉ quan tâm đến con số tăng trưởng mà còn chú trọng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Với tinh thần “Vì dân”, các chính sách an sinh xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, tạo ra những chuyển biến tích cực trong đời sống người dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một xã hội phát triển, công bằng và văn minh mà chúng ta đang hướng tới.
Nhìn lại chặng đường 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta có quyền tự hào về những gì đã đạt được trong việc xây dựng một quốc gia vừa độc lập về chính trị, vừa phát triển về kinh tế và đảm bảo công bằng về xã hội. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện là minh chứng rõ nét cho cam kết “phát triển vì con người” của Đảng, Nhà nước.
Thịnh vượng chung không chỉ đơn giản là con số GDP tăng trưởng, mà còn là sự bình đẳng trong cơ hội phát triển, là không gian sống đảm bảo phẩm giá con người, là sự chia sẻ thành quả phát triển một cách công bằng. Qua mỗi chính sách an sinh xã hội được ban hành, chúng ta đang từng bước xây đắp một nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng, nơi mỗi người dân đều có thể tự tin góp phần vào sự phát triển chung và cùng thụ hưởng thành quả một cách xứng đáng.
50 năm thống nhất đất nước không chỉ là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua mà còn là cơ hội để khẳng định những giá trị cốt lõi sẽ tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của đất nước trong tương lai: một Việt Nam không chỉ hòa bình, độc lập, tự do mà còn dân chủ, công bằng và văn minh, nơi mọi người dân đều được đảm bảo các quyền an sinh cơ bản và luôn có cơ hội phát triển toàn diện.
PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội