Hệ thống bảo tàng cấp huyện góp phần giáo dục truyền thống địa phương cho thế hệ trẻ

Hệ thống bảo tàng cấp huyện góp phần giáo dục truyền thống địa phương cho thế hệ trẻ
7 giờ trướcBài gốc
Bảo tàng huyện Hải Hậu trưng bày hơn 3.500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gắn liền với lịch sử quê hương. (Ảnh do cơ sở cung cấp)
Bảo tàng huyện Hải Hậu được xây dựng mới trên nền móng cũ với kinh phí hơn 16 tỷ đồng và đi vào hoạt động năm 2018. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 3.500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gắn liền với lịch sử quê hương Hải Hậu. Các hiện vật, hình ảnh được sắp xếp khoa học theo 5 chủ đề: Công cuộc khai hoang lấn biển thành lập huyện; Truyền thống văn hóa anh hùng; Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế; Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - điển hình của huyện Hải Hậu. Ngoài 5 chủ đề, tại Bảo tàng huyện còn trưng bày bức phù điêu “Hải Hậu văn hóa - anh hùng” với các hình ảnh: tháp 13 tầng đại diện cho “tứ tính cửu tộc” (nếp nhà nhân hậu “phúc - đức - cần - kiệm”; mây sáng, trời trong; con cháu thảo hiền); xã Hải Anh - nơi cụ Trần Vu đặt chân lên khai hoang, lập ấp; các thế hệ lãnh đạo huyện và đại diện các thành phần: công nhân, nông dân, học sinh đang gìn giữ và kế thừa truyền thống tốt đẹp của huyện; hình ảnh đại diện 19 Anh hùng Lực lượng vũ trang, hơn 400 Mẹ Việt Nam Anh hùng quê hương Hải Hậu; các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia như cầu Ngói - chùa Lương...
Cùng với các thiết chế văn hóa: Đền Liệt sĩ, Thư viện, Nhà văn hóa, Bảo tàng huyện là “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học tập và trải nghiệm. Trong năm, Bảo tàng đón trên 100 đoàn khách đến tham quan, trong đó 80% là học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện như: Mầm non Chân Trời Mới, THCS Hải Hưng, THCS Hải Phương, THPT A Hải Hậu, THPT C Hải Hậu... Chị Vũ Thị Thủy, cán bộ phụ trách Bảo tàng Hải Hậu cho biết: Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Hải Hậu có hơn 50 nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 4.707 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn tuổi xuân cho đất nước; 401 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Quân và dân Hải Hậu vinh dự được Đảng, Nhà nước 4 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng. Thông qua các tư liệu, hiện vật được trưng bày giúp khách tham quan hiểu thêm những mốc lịch sử quan trọng, tinh thần chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến cứu nước, quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của huyện Hải Hậu. Em Vũ Thu Phương, Trường THPT A Hải Hậu cho biết: “Thông qua các hiện vật trưng bày tại bảo tàng, chúng em hiểu hơn về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và các dấu mốc lịch sử quan trọng của huyện. Việc tiếp xúc với các hiện vật, hình ảnh sinh động giúp chúng em cảm thấy hứng thú, dễ tiếp thu kiến thức lịch sử hơn”. Vào các dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), nhiều đơn vị, tổ chức, đoàn thể, học viên Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong cả nước, các cựu giáo chức, cựu học sinh, cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng của quê hương cũng đến tham quan, thực tế, nghiên cứu tại bảo tàng. Bảo tàng đã có nhiều đổi mới, đầu tư hoàn thiện hệ thống trưng bày, phương tiện, trang thiết bị, mi-crô, máy chiếu... để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan.
Tại huyện Nam Trực, nhiều nhà trường, cơ sở giáo dục trong huyện tổ chức cho học sinh tham quan, học tập và thực tế tại Bảo tàng huyện để giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Bảo tàng huyện Nam Trực khánh thành tháng 1/2009, có diện tích hơn 200m2 hiện trưng bày khoảng 700 tài liệu, hiện vật sắp xếp theo 9 chủ đề: Mảnh đất, con người huyện; Đời sống văn hóa xã hội huyện; Các làng nghề truyền thống; Truyền thống hiếu học, khoa bảng; Sự hình thành Đảng bộ Nam Trực và lãnh đạo nhân dân giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám 1945; Nam Trực trong kháng chiến chống Pháp; Nam Trực trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội; Những thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới, hội nhập hiện nay; Nam Trực trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật là những nét đặc trưng, mang giá trị lịch sử, văn hóa của các làng nghề truyền thống như: biểu diễn múa rối nước tại thủy đình làng Rạch (xã Hồng Quang); những hiện vật tái hiện tích trò Dệt vải: chú tễu, người anh đang bế em, mẹ đang dệt vải, bộ khung cửi...; nghề rèn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang), đúc đồng Đồng Quỹ, nghề trồng hoa, cây cảnh Vị Khê (xã Nam Tiến)... Những tư liệu, hiện vật được trưng bày khoa học, theo trình tự thời gian logic, gây ấn tượng cảm xúc, đạt hiệu quả nhận thức và giáo dục cao. Trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới đến tham quan Bảo tàng; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện tổ chức cho đoàn viên trên địa bàn huyện tham quan bảo tàng vào các dịp kỷ niệm của đất nước; Phối hợp với Trường THPT Nam Trực tổ chức các lớp học tập ngoại khóa tại Bảo tàng cho học sinh...
Công tác giáo dục truyền thống tại Bảo tàng huyện Ý Yên được các nhà trường trong huyện xây dựng kế hoạch thực hiện tùy theo điều kiện thực tế, yêu cầu của môn học. Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005, Bảo tàng huyện có diện tích 500m2 với trên 200 hiện vật được trưng bày. Đến Bảo tàng huyện, các em học sinh được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng quê hương như: các tài liệu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của huyện qua các triều đại Đinh - Lê, Lý - Trần; hình ảnh, tư liệu về các bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa cùng các sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương như: nghề đúc đồng Tống Xá, nghề mộc La Xuyên... Một trong những hiện vật cổ quý giá tại Bảo tàng huyện có thể kể đến là cỗ Kiệu Bát Cống được làm từ thời hậu Lê thế kỷ XVII. Kiệu có chiều ngang là 2,4m và chiều dài 3,5m. Đây là một trong những cỗ kiệu cổ có đường nét chạm khắc điêu luyện, hài hòa, thể hiện nét đặc trưng của chạm khắc gỗ dưới đôi bàn tay tài hoa của người Ý Yên xưa. Hay Mũi tên đồng thời nhà Lê được khai quật ở quần thể di tích làng Ngô Xá, xã Tân Minh; tượng Phật A Di Đà thời Lý được phục chế, bệ sen thời Trần... Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân, Bảo tàng huyện Ý Yên thường xuyên quan tâm, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, chỉnh lý phòng trưng bày, huy động các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
Các bảo tàng cấp huyện đã góp phần làm sâu sắc thêm, khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của lịch sử mảnh đất, con người các địa phương; giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý thức cho thế hệ trẻ về việc không ngừng phấn đấu, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian tới, các bảo tàng cấp huyện đã được xây dựng tiếp tục quan tâm, đầu tư mua sắm các trang thiết bị, đặc biệt là sắp xếp, bố trí bộ phận hướng dẫn, thuyết minh, kết hợp tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa trong không gian bảo tàng để hấp dẫn khách tham quan, thu hút người dân đến bảo tàng nhiều hơn để tìm hiểu kỹ hơn về truyền thống lịch sử hình thành, phát triển quê hương.
Diệu Linh
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/he-thong-bao-tang-cap-huyen-gop-phan-giao-duc-truyen-thong-dia-phuong-chothe-he-tre-ed73bad/