Nhóm tác giả hoàn thiện sản phẩm
Quá trình tắm khiến nhiệt độ cơ thể có sự thay đổi, làm mạch máu giãn nở; tắm lâu khiến da bị mất nước, cơ thể mệt mỏi, tim bị thiếu máu và dưỡng khí, nhịp tim không ổn định, do đó nhà tắm là nơi dễ xảy ra đột quỵ. Với những người tắm hoặc ngâm nước quá lâu nguy cơ sẽ cao hơn, nhất là những người có thói quen tắm đêm, tắm trong thời tiết lạnh, tắm với nước lạnh… rất dễ xảy ra đột quỵ.
Em Trần Bích Phượng, lớp 11A, Trường THPT Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Trường hợp đột quỵ nhẹ, người bệnh có thể sẽ cảm thấy những dấu hiệu bất thường trong cơ thể như: đột nhiên cảm thấy choáng váng, chóng mặt, tê yếu chân tay, mất trí nhớ tạm thời, khó nói… Trường hợp nặng, người bệnh liệt nửa người, méo miệng, mất khả năng nói và hiểu ngôn ngữ, mất ý thức… Đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cần đưa đi cấp cứu để hạn chế di chứng và tử vong. Nhận thấy, thời điểm phát hiện người đột quỵ càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao, chúng em đã có ý tưởng nghiên cứu và chế tạo nhà tắm thông minh cảnh báo, phát hiện nguy cơ xảy ra đột quỵ.
Thực hiện ý tưởng, các thành viên nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu tổng quan về đột quỵ, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ cũng như những vị trí thường xảy ra đột quỵ. Cùng đó, các thành viên cũng nghiên cứu sâu về lập trình, mạch điện tử… Hệ thống nhà tắm thông minh cảnh báo, phát hiện nguy cơ xảy ra đột quỵ gồm các cảm biến, trung tâm điều khiển và hệ thống nguồn. Trong đó, các cảm biến được gắn vào một số vị trí thích hợp trong nhà tắm, có chức năng xác định người sử dụng nhà tắm có mang dép hay không; đứng tắm ở vị trí nào, cửa đóng hay mở; người sử dụng nhà tắm đứng hay ngồi, nằm. Trung tâm điều khiểu gồm vi điều khiển, modul sim kết nối với mạng di động để thực hiện cuộc gọi và gửi tin nhắn văn bản; modul phát âm thanh, ánh sáng cảnh báo. Hệ thống nguồn gồm mạch hạ áp, pin tích điện, pin năng lượng mặt trời… để thiết bị có thể sử dụng nguồn điện 220V và năng lượng mặt trời.
Khi có người sử dụng nhà tắm, các cảm biến sẽ hoạt động nhắc nhở người sử dụng nhà tắm mang dép để tránh trơn trượt. Khi phát hiện người sử dụng nhà tắm lâu quá 20 phút hệ thống sẽ nhắc nhở ngừng tắm. Trong quá trình có người sử dụng nhà tắm các cảm biến sẽ liên tục hoạt động, gửi thông tin về trung tâm điều khiển, nếu nhận thấy các thông tin trùng khớp với dữ liệu được huấn luyện về những trường hợp tương ứng với tình huống đột quỵ như bệnh nhân nằm trên sàn quá 20 giây, ngồi quá lâu… hệ thống sẽ tự động phát ra âm thanh cảnh báo, bật đèn báo đỏ, đồng thời gửi tín hiện bằng tin nhắn đến người thân hoặc số điện thoại cấp cứu. Thử nghiệm mô phỏng cho thấy, các cảm biến của hệ thống nhà tắm thông minh cảnh báo, phát hiện nguy cơ xảy ra đột quỵ hoạt động chính xác, ổn định; trong tình huống giả đột quỵ, khoảng 60 giây sau khi sự cố xảy ra, người thân, bộ phận y tế đã nhận được tin nhắn thông báo qua điện thoại di động, hệ thống báo động tại nhà cũng được kích hoạt nhằm thu hút sự chú ý của những người xung quanh, từ đó, kịp thời triển khai các biện pháp cấp cứu cho người bệnh.
Thầy Hoàng Văn Dương, giáo viên môn Công nghệ, hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Khó khăn trong quá trình nghiên cứu là kinh phí hạn hẹn cũng như việc ứng dụng vào thực tế tương đối phức tạp nên hệ thống mới chỉ dừng lại ở mô hình. Cùng với đó, các thiết bị, linh kiện không có sẵn trên thị trường, kiến thức liên quan đều phải tự học, tự nghiên cứu nên mất rất nhiều thời gian, công sức để lắp ráp, thử nghiệm, điều chỉnh. Tuy nhiên, với niềm say mê khoa học và sự kiên trì, các em học sinh đã nghiên cứu thành công nhà tắm thông minh cảnh báo, phát hiện nguy cơ xảy ra đột quỵ.
Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2024, dự án Nghiên cứu và chế tạo nhà tắm thông minh cảnh báo, phát hiện nguy cơ xảy ra đột quỵ đã đoạt giải ba. Hy vọng rằng ý tưởng sẽ được các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét đầu tư, phát triển để dự án được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, kịp thời phát hiện các tai nạn, sự cố trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
HOÀNG VƯƠNG