Trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar là một trong những trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay tại khu vực này, gây ra thiệt hại to lớn về người và tài sản. Con số thương vong vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Việt Nam tuy nằm xa tâm chấn động đất nhưng cũng đã có những rung lắc cảm nhận rõ rệt ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Việc cần có đánh giá, dự báo về động đất từ sớm hay hệ thống tiêu chuẩn chống động đất của các tòa nhà cao tầng như thế nào đang là điều được nhiều người dân quan tâm.
Việt Nam đang có 30 trạm địa chấn quốc gia để theo dõi hoạt động động đất tại các khu vực có nhiều đường đứt gãy, đa số nằm ở Tây Bắc. Mọi dữ liệu sẽ được truyền ngay về Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đặt tại Hà Nội để phân tích tự động, qua đó xác định được chấn tâm, độ sâu chấn tiêu của động đất để phát ra đi cảnh báo nhanh nhất.
PGS.TS Cao Đình Triều – Viện Trưởng Viện Vật Lý ứng dụng – Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam cho hay: “30 trạm quan ghi nhận động đất sẽ ghi nhận rung chấn sau đó được gửi về Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, qua đó sẽ phân tích dữ liệu tự động và đưa ra cảnh báo chỉ vài phút”.
Theo phân tích nguyên nhân vụ động đất ở Myanmar thì đây là khu vực nằm giữa hai mảng kiến tạo lớn là mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu, có đường đứt gãy kéo dài 1.200 km. Động đất ở đây xảy ra khi hai mảng kiến tạo di chuyển, tích tụ năng lượng. Trong trường hợp của Myanmar, hai mảng kiến tạo đang trượt ngang qua nhau, gây ra động đất kiểu trượt ngang. Nếu nhìn sang Việt Nam khó xảy ra động đất mạnh do nằm trong khu vực lực địa.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết: “Nguyên nhân trận động đất này là do Myanmar có một đường đứt gãy Sagaing, nó ngăn cách giữa hai mảng lục địa và khi va chạm tạo ra năng lượng tạo nên động đất. Ở Việt Nam thì khó xảy ra vì chúng ta nằm trong khu vực lục địa”.
Theo phân vùng động đất Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Vì vậy, các công trình nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội đều phải có thiết kế chống chịu động đất tới cấp 7 và có thể kiểm soát động đất lên tới cấp 8. Tuy nhiên về thiết bị đo rung chấn ở các nhà cao tầng lại chưa hề có.
TS Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần chia sẻ: “Việt Nam chúng ta có hệ thống thiết bị xác định độ lớn của trận động đất còn việc ghi chấn động, cường độ chấn động thì chúng ta phải lắp đặt ở các công trình các nhà cao tầng thì chúng ta mới đánh giá được sự rung lắc là bao nhiêu. Vì vậy hiện chúng ta không có các thiết bị nhà cao tầng nên chỉ có thể nói sự rung lắc qua cảm nhận người dân”.
Với các công trình tại Việt Nam, thiết kế chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc. Thế nhưng, thực tế là khi đã xây dựng xong việc kiểm tra công trình có thực hiện đúng theo quy định hay không gần như rất khó khăn.
Anh Tuấn
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/he-thong-canh-bao-som-dong-dat-o-viet-nam-318734.htm