Ngày 14/11, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp về kế hoạch cung cấp điện năm 2025.
Về kế hoạch cung ứng điện năm 2025, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã xây dựng 3 kịch bản với mức tăng trưởng điện sản xuất và nhập khẩu. Cụ thể kịch bản 1 tăng trưởng 10,5%, đạt 342.3 tỷ kWh.
Kịch bản 2: Trên cơ sở thực tế 6 tháng đầu năm 2024, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đã đạt mức tăng trưởng 12% so với năm 2023.
Do đó, căn cứ trên tốc độ tăng trưởng thực tế và có xét đến dự phòng, NSMO tính toán kịch bản với điện sản xuất và nhập khẩu năm 2025 tăng trưởng 13,3% so với năm 2024, đạt 351.0 tỷ kWh.
Bộ Công Thương vừa đưa ra 3 kịch bản cung cấp điện trong năm 2025. Về cơ bản, nguồn điện tiếp tục đủ cung cấp trong năm 2025. (Ảnh: Moit)
Kịch bản 3: Nhằm dự phòng cho trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan, NSMO kiểm tra với kịch bản phụ tải tăng trưởng cao cực đoan để kiểm tra. Do đó NSMO tính toán kịch bản cực đoan với điện sản xuất và nhập khẩu năm 2025 tăng trưởng 14,3% so với năm 2024, đạt 354 tỷ kWh.
Theo đánh giá của NSMO, với phương án phụ tải tăng trưởng 10,5%, hệ thống điện quốc gia cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trong cả năm 2025.
Tuy nhiên, do phụ tải tăng cao, hệ thống điện (HTĐ) có nhu cầu huy động các nguồn nhiệt điện than, nguồn LNG và nhiệt điện dầu ở mức cao.
Với phương án phụ tải tăng trưởng 13,3%, tổng sản lượng nguồn điện toàn quốc cả năm khoảng 351.0 tỷ kWh, về cơ bản HTĐ quốc gia đáp ứng cung ứng điện trong phần lớn thời gian trong năm.
Tuy nhiên, HTĐ có nhu cầu huy động gần như tối đa các nguồn nhiệt điện than, nguồn khí nội địa gần như được huy động tối đa theo khả năng cấp và các nguồn LNG, dầu được huy động rất cao.
Với phương án phụ tải tăng trưởng đột biến cực đoan 14,3%, tổng sản lượng nguồn điện toàn quốc cả năm khoảng 354.0 tỷ kWh.
Trong trường hợp xảy ra các yếu tố xếp chồng như thủy văn kém, phụ tải tăng cao cực đoan, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc sự cố trong giai đoạn cao điểm mùa khô, HTĐ Quốc gia có khả năng phải thực hiện điều chỉnh phụ tải cũng như huy động nguồn Diesel khách hàng trong giai đoạn tháng 4 – tháng 6.
Ngoài ra, HTĐ cần huy động gần như tối đa các nguồn nhiệt điện than, nguồn khí nội địa gần như được huy động tối đa theo khả năng cấp và các nguồn LNG, dầu được huy động rất cao.
Để vận hành HTĐ, đảm bảo cấp điện năm 2025, các đơn vị chức năng cũng đã đề xuất các giải pháp thực hiện tối ưu, đồng thời kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan xem xét giải quyết những vướng mắc trong cơ chế, thủ tục…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2024 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội. Có được kết quả đó, chúng ta rút ra bài học là dự báo đúng trúng, chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo kiên quyết, điều hành linh hoạt.
Theo Bộ trưởng, năm 2025, việc xây dựng kế hoạch cần nhìn nhận cái gì tác động đến sản xuất cung ứng điện. Cụ thể, cần xét đến yếu tố như tăng trưởng kinh tế dự kiến hơn 7 % thì tăng trưởng điện phải đạt từ 11% trở lên (kịch bản cơ sở), các tháng cao điểm mùa khô còn phải tăng cao hơn.
Ngoài ra còn cần xem xét đến tăng trưởng nhu cầu điện năm 2025 và các yếu tố tác động như: Năm 2024, giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 40 tỷ USD điều này sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng nhanh, tăng cao năm 2025.
Ngoài ra tăng trưởng điện còn có tác động từ chuyển dịch đầu tư rất mạnh trên thế giới; Năm 2025 cũng sẽ có nhiều dự án trọng điểm quốc gia được hoàn thành, nhiều dự án được triển khai; Tác động từ Luật Điện lực sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này; Tác động từ nhiều chính sách đã ban hành (cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điện mặt trời áp mái...).
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã xây dựng 3 kịch bản, nhưng lấy kịch bản cơ sở để điều hành với tăng trưởng phụ tải khoảng 11%, mùa khô tăng khoảng 12%.
Kế hoạch vận hành hệ thống và cung cấp điện năm 2025 cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh hàng quý dựa trên sự điều hành hàng tháng theo hướng linh hoạt. Đi kèm kế hoạch cung cấp điện, sẽ có biểu đồ kế hoạch cung cấp than, khí.
Định Trần