Hệ thống Iron Dome của Israel sắp có mặt tại Đông Âu

Hệ thống Iron Dome của Israel sắp có mặt tại Đông Âu
6 giờ trướcBài gốc
Theo National Interest, Bộ trưởng Quốc phòng Romania, ông Ionut Mosteanu, đã xác nhận kế hoạch mua hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) từ Israel.
Iron Dome: “Lá chắn” tầm thấp công nghệ cao
Iron Dome là hệ thống phòng không di động, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, do Rafael Advanced Defense Systems phối hợp với Israel Aerospace Industries phát triển. Được đưa vào biên chế từ năm 2011, Iron Dome là trụ cột trong chiến lược phòng thủ đa tầng của Israel.
Hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa tầm ngắn, rocket, pháo cối và máy bay không người lái (UAV) trong phạm vi từ 4 - 150km. Điểm nổi bật của Iron Dome nằm ở hiệu suất đánh chặn trên 90%, khả năng phân tích và ưu tiên mục tiêu đe dọa, qua đó tối ưu chi phí vận hành.
Bệ phóng tên lửa đánh chặn Iron Dome, gần thành phố Ashkelon, miền nam Israel - Ảnh: Reuters
Cấu trúc hệ thống gồm ba thành phần chính: radar trinh sát EL/M-2084 để phát hiện và theo dõi mục tiêu; trung tâm điều khiển và chỉ huy (BMC) do mPrest phát triển; và các bệ phóng chứa tên lửa đánh chặn Tamir. Mỗi tên lửa Tamir được trang bị hệ thống dẫn đường bằng radar và đầu nổ cận đích, cho phép tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao, kể cả trong môi trường bị nhiễu sóng mạnh.
Vì sao Romania chọn Iron Dome?
Quyết định của Romania xuất phát từ mối đe dọa an ninh trong khu vực giữa lúc chiến sự Ukraine chưa hạ nhiệt. Là quốc gia có đường biên giới kéo dài hơn 600km với Ukraine, Romania không tránh khỏi ảnh hưởng từ các đợt tập kích tên lửa và UAV nhắm vào lãnh thổ Ukraine. Năm 2023, nhiều mảnh vỡ tên lửa và UAV từ các cuộc tấn công của Nga đã rơi xuống lãnh thổ Romania, làm dấy lên lo ngại về an ninh không gian chiến lược.
Cơ chế hoạt động của Iron Dome (1. Tên lửa địch được bắn, 2. Hệ thống radar phát hiện và theo dõi tên lửa, 3. Hệ thống điều khiển ước tính điểm rơi. 4. Bệ phóng bắn hỏa tiễn để ngăn chặn) - Ảnh: BBC
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Romania Mosteanu, nước này hiện thiếu hệ thống SHORAD/VSHORAD (phòng không tầm ngắn và rất ngắn) đủ năng lực bảo vệ các mục tiêu trọng yếu như sân bay, căn cứ quân sự và khu dân cư. Iron Dome được kỳ vọng sẽ khắc phục lỗ hổng này.
“Khi thấy hình ảnh Tel Aviv bị tấn công nhưng vẫn được Iron Dome bảo vệ hiệu quả, chúng tôi biết rằng hệ thống này cũng có thể làm điều tương tự cho Romania”, ông Mosteanu nói trên sóng truyền hình quốc gia.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, việc lựa chọn Iron Dome còn phản ánh năng lực phòng thủ của Romania trong xu hướng hội nhập chuẩn NATO. Hệ thống này đã được thử nghiệm thực tế và chứng minh tính hiệu quả trong nhiều tình huống chiến đấu khốc liệt, đặc biệt là trong các cuộc xung đột tại Dải Gaza. Khả năng vận hành cơ động, phản ứng nhanh và giao tiếp tốt với hệ thống radar, chỉ huy tác chiến hiện đại là những ưu điểm khiến Iron Dome là lựa chọn hấp dẫn.
Tác động công nghệ
Không chỉ Romania, nhiều quốc gia NATO khác cũng đang tìm cách tiếp cận hoặc mô phỏng nguyên lý hoạt động của Iron Dome. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất phát triển hệ thống "Golden Dome" (Vòm Vàng), phiên bản nội địa hóa để bảo vệ lãnh thổ lục địa Mỹ khỏi các mối đe dọa tầm thấp. Dự án đang được Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai, với sự tham gia của chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng nội địa.
Trong bối cảnh tác chiến hiện đại đang chuyển dần về phía các vũ khí tấn công phi đối xứng như UAV cảm tử, rocket tự chế và tên lửa hành trình giá rẻ, các hệ thống phòng thủ như Iron Dome với khả năng phát hiện nhanh, đánh chặn chính xác, vận hành chi phí thấp ngày càng đóng vai trò trọng yếu. Hệ thống còn có thể được nâng cấp và tích hợp vào các kiến trúc phòng không đa lớp, kết nối với radar từ vệ tinh, máy bay cảnh báo sớm và cảm biến mặt đất.
Đối với Romania, bước đi này không chỉ là nâng cấp năng lực phòng thủ mà còn là thông điệp rằng Bucharest đang chủ động thích ứng với môi trường an ninh khu vực và xây dựng liên kết chiến lược, với các đối tác công nghệ quốc phòng tiên tiến như Israel và Mỹ.
Trong tương lai, Romania có thể cân nhắc tích hợp Iron Dome vào hệ thống phòng không tổng thể, phối hợp cùng các nền tảng khác như NASAMS, Patriot hay thậm chí là các hệ thống UAV phản ứng nhanh.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/he-thong-iron-dome-cua-israel-sap-co-mat-tai-dong-au-235086.html