Hệ thống ngăn lũ đáng kinh ngạc ở Nhật Bản

Hệ thống ngăn lũ đáng kinh ngạc ở Nhật Bản
5 giờ trướcBài gốc
Bên trong một hệ thống thoát nước ngầm của Nhật Bản. Ảnh: LightRocket via Getty Images
Theo Kyodo, sau khi đi xuống cầu thang quanh co sâu 50m dưới lòng đất, du khách sẽ nhìn thấy cảnh tượng khác thường: một không gian rộng lớn, mờ ảo với những cây cột cao chót vót, gợi nhớ đến một ngôi đền ở Rome cổ đại.
"Ngay khi bước xuống cầu thang và nhìn thấy toàn bộ không gian, tôi đã vô cùng kinh ngạc", Chen, một du khách đã đến thăm địa điểm này ở Kasukabe, một thành phố nằm ngay phía bắc Tokyo, thuộc tỉnh Saitama của Nhật Bản, cho biết.
Hệ thống này là một trong những kênh thoát nước mưa ngầm lớn nhất thế giới, được ví như "đền thờ ngầm". Tính thẩm mỹ của ngôi đền nằm ở 59 cây cột cao chót vót bên trong không gian, mỗi cây dài 7m, rộng 2m và cao 18m.
Được biết đến như hệ thống xả nước ngầm ở khu vực đô thị, điểm đến này cũng khiến du khách gợi nhớ đến hồ chứa nước ngầm Basilica Cistern cổ xưa của Istanbul.
Ngoài ra, không gian độc đáo bên trong ở đây đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà làm phim. Và chính điều đó đã thôi thúc những người như Chen - một du khách đến từ Trung Quốc - có lý do để ghé thăm.
Chen cho biết cô sẽ giới thiệu cho mọi người hệ thống xả nước ngầm đặc biệt này, không chỉ vì hệ thống đáng kinh ngạc, mà còn là cách nhìn nhận về việc Nhật Bản quản lý hệ thống kiểm soát lũ lụt.
Cách Tokyo gần 40km (25 dặm), hệ thống hút nước ngập từ các con sông nhỏ và vừa, thoát nước vào sông Edo của Tokyo thông qua hệ thống đường hầm dài 6,3km, đồng thời sử dụng các trục và máy bơm.
"Cơ sở này đã giúp ngăn chặn thiết hại lên tới 150 tỷ yên [1 tỷ đô la Mỹ] do lũ lụt kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2006", Yoshio Miyazaki, người đứng đầu hoạt động này, cho biết.
Kiểm soát nước hiệu quả
Theo ông Miyazaki, hệ thống này được xây dựng như một "trụ cột chính để kiểm soát nước" cho lưu vực sông Nakagawa-Ayase dễ bị tổn thương.
Với chi phí hơn 230 tỷ yên, cơ sở này phải mất 13 năm để xây dựng và duy trì bể chứa nước điều chỉnh áp suất. Trung bình cơ sở này tiếp nhận nước khoảng 7 lần một năm và chưa bao giờ đầy nước.
Quản lý nước từ lâu đã là điều cần thiết đối với Nhật Bản sau khi nghề trồng lúa phát triển vào thời kỳ Yayoi, cách đây khoảng 2.000 năm.
Trong nhiều năm qua, Tokyo đã trải qua một vài trận lũ lụt, chẳng hạn như trận mưa lớn vào năm 1910 đã cắt giảm 4,3% tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản.
Theo dữ liệu của chính phủ, thiệt hại do bão Kathleen gây ra sẽ lên tới 34 nghìn tỷ yên (234 tỷ đô la Mỹ) khi điều chỉnh theo giá trị hiện tại.
Trong nhiều năm qua, các khu vực công - tư ở Tokyo và những nơi khác trên cả nước đã thực hiện nhiều biện pháp, từ xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến kiểm soát lũ lụt đến giới thiệu nhà ở chống chịu nước và giáo dục người dân về công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tokyo ngày càng phải đối mặt với những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Những trận mưa lớn bất ngờ, còn gọi là "mưa du kích" thường gây ra thách thức lớn ở Nhật Bản.
Dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng cho thấy lượng mưa lớn trung bình hàng năm gần đây ghi nhận 50mm mỗi giờ - gấp 1,5 lần so với thập kỷ bắt đầu từ năm 1976.
Gần đây nhất, cơn bão Hagibis đã tàn phá 7 tỉnh của Nhật Bản và gây ra thiệt hại nặng nề cho nước này.
Thêm hệ thống chứa nước ngầm khác
Một hệ thống kiểm soát lũ lụt quan trọng khác gần trung tâm Tokyo hơn là Hồ chứa nước ngầm điều tiết số 7 ở Đường vành đai sông Kanda.
Đường hầm dài 4,5km đang được mở rộng để nối các kênh thoát nước tràn từ sông Shirako và sông Kanda, sau đó dẫn nước lũ vào Vịnh Tokyo. Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động chính thức vào năm 2027.
Chính quyền thành phố Tokyo đã vạch ra lộ trình để biến thủ đô, nơi sinh sống của khoảng 14 triệu người, trở nên kiên cường trước nhiều rủi ro lớn: bão và lũ lụt, động đất, phun trào núi lửa, đại dịch và tình trạng thiếu điện, cũng như sự cố liên lạc.
Dù cơ sở hạ tầng nước ngầm của Kasukabe vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giữ cho Tokyo và vùng lân cận không bị ngập lụt nhưng các chuyên gia quản lý thảm họa vẫn cảnh báo chỉ riêng cơ sở này là không đủ để quản lý sông bền vững.
Nhu cầu cân bằng giữa quản lý thảm họa với các biện pháp hướng đến tương lai, chẳng hạn như khuyến khích các nhà điều hành bất động sản xây dựng nhà cao tầng, nên được triển khai đồng thời.
Vì vậy, tại Nhật Bản, kiểm soát nước không chỉ đơn giản là tại một thời điểm mà còn phải đảm bảo tương lai thịnh vượng sau 100 năm hoặc lâu hơn nữa.
HỒNG NHUNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/he-thong-ngan-lu-dang-kinh-ngac-o-nhat-ban-135538.html