Đồng Nhân dân tệ (trên) và đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng), nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới một hệ thống đa tiền tệ. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực liên quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và những thay đổi về công nghệ làm xói mòn vị thế thống trị của đồng USD.
Tại hội thảo do Viện Milken tổ chức ngày 24/3, Giáo sư Jin Keyu (Trường Kinh tế London) cho biết: “Trong 10 năm qua, tỷ lệ thanh toán thương mại bằng đồng nhân dân tệ đã tăng từ 0% lên 30%, và một nửa dòng vốn của Trung Quốc hiện được thanh toán bằng nội tệ. Cùng lúc, tỷ trọng sử dụng đồng USD trong giao dịch kinh tế giảm nhẹ. Đáng chú ý, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng các đồng tiền phi truyền thống đã tăng từ 2% lên 11%”.
Bà Jin Keyu nhận định có một "sự đồng thuận" giữa các nhà kinh tế rằng thế giới đang tiến tới trạng thái cân bằng đa tiền tệ trong dài hạn. Sự xuất hiện của các giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán của Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) là một “dòng chảy ngầm lớn” đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa tài chính, đồng thời tầm quan trọng của sự phát triển này đã bị đánh giá thấp.
Trong những năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực đưa đồng nhân dân tệ trở thành tiền tệ toàn cầu nhằm tạo môi trường tài chính ổn định cho nền kinh tế trong nước, đồng thời giảm sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế. Một số hệ thống thanh toán mới đã thu hút sự quan tâm, bao gồm mBridge - một nền tảng tiền tệ kỹ thuật số được xây dựng bằng công nghệ blockchain bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) do Trung Quốc thiết kế.
Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tín dụng toàn cầu Christian Stracke tại Pacific Investment Management Company, hệ thống thanh toán SWIFT là một "di tích công nghệ" và cuối cùng sẽ có động thái hướng tới việc phân cấp tài chính. Ông bình luận: “Quá trình chuyển đổi chưa thể diễn ra, nhưng khó có thể tưởng tượng rằng nó sẽ không xảy ra".
Tại Diễn đàn Tài chính Quốc tế năm ngoái, cựu Thị trưởng Trùng Khánh Huang Qifan đã dự đoán rằng tỷ trọng thanh toán toàn cầu của đồng nhân dân tệ sẽ tăng 1 điểm phần trăm mỗi năm trong thập kỷ tới, trước khi đạt khoảng 17% vào năm 2035.
Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế, tính đến tháng 2/2025, Trung Quốc đã phát hành trái phiếu panda bằng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài có giá trị tương đương 45 tỷ USD, vượt quá khối lượng trái phiếu samurai bằng đồng yen của Nhật Bản.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cho biết trong một báo cáo hồi tháng Hai rằng PBoC đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với hơn 40 ngân hàng trung ương hoặc cơ quan tiền tệ nước ngoài.
Chủ tịch Stracke đánh giá: “Có thể có những cuộc thảo luận xoay quanh căng thẳng địa chính trị, nhưng cuối cùng Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ học hỏi lẫn nhau, sử dụng các công cụ và sáng kiến của nhau. Tôi nghĩ đó là điểm sáng về mặt tăng trưởng mà chúng ta có thể mong đợi”.
Giáo sư Jin Keyu nói thêm rằng, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều tài sản an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Bà nói: “Thực tế là không có đủ tài sản an toàn cho các nhà đầu tư. Pháp và Đức không phát hành đủ tài sản an toàn hoặc sẽ thiếu tài sản an toàn thời gian tới. Trung Quốc thực sự có thể giải quyết được vấn đề này”.
Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố việc phát hành trái phiếu xanh sắp tới tại London (Anh), đánh dấu đợt bán trái phiếu đầu tiên ra nước ngoài và là bước đi cụ thể sau các cuộc đàm phán kinh tế và tài chính cấp cao vào đầu năm nay. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết đợt phát hành sẽ có giá trị lên tới 6 tỷ nhân dân tệ (829,75 triệu USD) với các chi tiết cụ thể sẽ được tiết lộ sau, trong một bước đi được coi là củng cố cam kết phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu.
Thành Nam (P/v TTXVN tại Hong Kong)