Hệ thống vũ khí laser DE M-SHORAD mang lại cuộc cách mạng cho Lục quân Mỹ

Hệ thống vũ khí laser DE M-SHORAD mang lại cuộc cách mạng cho Lục quân Mỹ
9 giờ trướcBài gốc
Lục quân Mỹ thông báo đã thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí laser DE M-SHORAD, bài kiểm tra diễn ra hôm 27/6 tại thao trường Fort Sill, Oklahoma cho kết quả rất tích cực.
Cuộc thử nghiệm vũ khí nói trên do Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Pháo binh Phòng không số 60 tiến hành, phối hợp với Văn phòng Công nghệ và Khả năng quan trọng của Lục quân Mỹ (RCCTO).
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tích hợp vũ khí laser vào hệ thống phòng không tiên tiến. Tổ hợp DE M-SHORAD lắp trên xe bọc thép Stryker A1 đã tấn công và phá hủy cả một nhóm máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Bài kiểm tra thành công chứng minh khả năng của vũ khí năng lượng cao trong việc chống lại các mối đe dọa trên không hiện đại, bao gồm cả UAV cỡ nhỏ đang ngày càng phổ biến trên các chiến trường, điển hình như tại Ukraine.
Theo thông báo, cuộc thử nghiệm nói trên được tiến hành trong điều kiện mô phỏng tình huống chiến đấu thực tế, làm nổi bật cách tiếp cận nhiều lớp của Lục quân Mỹ đối với yêu cầu phòng không.
Hệ thống phòng không tầm ngắn điều khiển năng lượng có định hướng DE M-SHORAD, còn được gọi bằng cái tên Guardian, là một tia laser năng lượng cao 50 kW do Tập đoàn Raytheon Technologies phát triển.
Tổ hợp vũ khí năng lượng cao này bao gồm bộ phận lái chùm tia, hệ thống nhắm mục tiêu quang điện/hồng ngoại và radar đa nhiệm Ku 720 do Kord Technologies phát triển, đi kèm thiết bị cung cấp năng lượng và làm mát.
Khung gầm xe bọc thép chở quân Stryker A1 được cung cấp năng lượng bởi động cơ Caterpillar C9 công suất 450 mã lực, hỗ trợ tốt cho hệ thống vũ khí laser trong khi vẫn duy trì khả năng cơ động.
Pin lithium - niken coban - nhôm (Li-NCA), được sạc bằng máy phát điện diesel trên xe, cung cấp khả năng hoạt động liên tục, khiến DE M-SHORAD trở thành giải pháp hiệu quả để bảo vệ các đơn vị khỏi UAV tấn công, trực thăng, tiêm kích, tên lửa, đạn pháo và súng cối.
Cuộc thử nghiệm tại thao trường Fort Sill là một phần của Chương trình laser năng lượng cao đa nhiệm vụ (MMHEL), được thiết kế để tạo ra các hệ thống vũ khí năng lượng định hướng di động.
DE M-SHORAD cho thấy chi phí rất rẻ cho mỗi phát bắn so với tên lửa truyền thống, điều này đặc biệt quan trọng giữa bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng cao từ máy bay không người rẻ tiền được cả quân đội chính quy lẫn các nhóm vũ trang sử dụng.
Đáng chú ý là bài kiểm tra tại Fort Sill diễn ra sau khi Lục quân Mỹ đã triển khai 4 nguyên mẫu vũ khí này tới Iraq vào tháng 10/2024, nơi chúng đã chứng minh tỷ lệ thành công 100% khi dễ dàng tiêu diệt 15 máy bay không người lái mục tiêu trong thời gian ngắn.
Mặc dù vậy cuộc thử nghiệm vẫn để lộ một vài vấn đề bao gồm ứng suất nhiệt và suy giảm điện tử trong môi trường chiến thuật. Thực tế trên nhấn mạnh nhu cầu cải tiến theo kế hoạch vạch ra thuộc chương trình Tia laser năng lượng cao bền bỉ (E-HEL) cho năm 2026.
Nếu việc hoàn thiện được tiến hành trong khoảng thời gian ngắn, hệ thống vũ khí laser DE M-SHORAD sẽ tạo ra cuộc cách mạng thực sự cho Lục quân Mỹ, giúp họ sánh ngang các cường quốc quân sự khác như Nga, Israel và Trung Quốc về lĩnh vực vũ khí năng lượng cao.
Việt Dũng
Theo The War Zone
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/he-thong-vu-khi-laser-de-m-shorad-mang-lai-cuoc-cach-mang-cho-luc-quan-my-post616461.antd