'Hẹn ước Bắc - Nam': Khát vọng thống nhất, ký ức hào hùng

'Hẹn ước Bắc - Nam': Khát vọng thống nhất, ký ức hào hùng
6 giờ trướcBài gốc
Sân khấu hoành tráng của “Hẹn ước Bắc - Nam”.
Chương trình là dịp tri ân biết bao thế hệ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc; bày tỏ niềm tự hào non sông liền một dải, Bắc - Nam thống nhất một nhà và quyết tâm, nỗ lực hơn nữa của thế hệ hôm nay và tương lai cùng đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những lát cắt thời gian thấm đẫm máu, nước mắt và niềm tự hào dân tộc
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tối 22/4, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã diễn ra chương trình nghệ thuật chính luận “Hẹn ước Bắc - Nam” với chủ đề “Khát vọng thống nhất, ký ức hào hùng”. Đây là chương trình kỷ niệm cấp Quốc gia, do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quân đội thực hiện.
Đại tá Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội cho biết: “Hẹn ước Bắc - Nam” là một hành trình trở về lịch sử, về những lời hẹn ước đã được viết nên bằng máu, nước mắt và lòng kiên trung của hàng triệu người con đất Việt. Chương trình tái hiện những lời hẹn ấy qua ngôn ngữ chính luận - nghệ thuật, kết hợp giữa tư liệu lịch sử, phóng sự chuyên đề, hoạt cảnh, âm nhạc và công nghệ trình diễn hiện đại”.
“Hẹn ước Bắc - Nam” là nơi tái hiện những ký ức không thể phai mờ, nơi những lời hẹn ước mãi mãi còn vang vọng. Đó là hẹn ước thống nhất của cả dân tộc; hẹn ước với hậu phương; hẹn ước nơi tiền tuyến và hẹn ước quốc tế... Cùng với đó, chương trình cũng là một hành trình trở về lịch sử, về những lời hẹn ước đã được viết nên bằng máu, nước mắt và lòng kiên trung của hàng triệu người con đất Việt.
Với sự đầu tư công phu và quy mô ấn tượng, chương trình mang đến một sân khấu thực cảnh rộng tới 2.700m², một không gian nghệ thuật được dàn dựng kỳ công, chia thành hai khối so le biểu trưng cho hai miền Bắc - Nam. Nối liền hai miền là hình ảnh cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải - biểu tượng thiêng liêng của khát vọng thống nhất non sông.
Không chỉ dừng lại ở phần nhìn mãn nhãn, chương trình còn chạm đến cảm xúc khán giả bằng hệ thống âm thanh vòm soundscape sống động như thật, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng laser hiện đại. Tất cả hòa quyện để tái hiện những hình ảnh lịch sử oai hùng: từ những trận đánh vang dội, những đoàn quân hành quân qua sông, đến khung cảnh Trường Sơn huyền thoại; từ những đoàn xe tăng thần tốc tiến vào Dinh Độc Lập, những con thuyền rẽ sóng trên dòng Bến Hải, đến khoảnh khắc vỡ òa trong niềm vui ngày đất nước nối liền một dải. Mỗi phân cảnh không chỉ là hình ảnh, mà là một lát cắt thời gian, thấm đẫm máu, nước mắt và niềm tự hào dân tộc.
Lời tri ân gửi đến quá khứ và niềm tin hướng về tương lai
“Hẹn ước Bắc - Nam” gây ấn tượng bởi độ hoành tráng, từ sân khấu rộng lớn tới biên đạo, số lượng nghệ sĩ tham gia đông đảo, pháo hoa, cùng nhiều “đặc sản” mà chỉ quân đội mới dễ dàng thực hiện như đưa xe tăng và xe chở quân vào sân khấu, giúp khán giả có cơ hội chứng kiến những hình ảnh sống động như bước ra từ trang sử dân tộc. Tất cả đã cùng nhau vẽ nên một bức tranh giàu cảm xúc, tái hiện hành trình 50 năm hào hùng của dân tộc Việt Nam bằng hình ảnh, âm thanh và chiều sâu lịch sử.
Xe tăng xuất hiện trên sân khấu. (Ảnh trong bài: Nguyễn Hải)
Tạo thêm dấu ấn cho chương trình là 2 chiếc xe tăng T-54 số hiệu 822 và 173 được Quân đội ta sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xe vận tải quân sự xuất hiện trên sân khấu, đưa khán giả có thể cảm nhận được thực tế, sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh của ông cha ta để mang lại hòa bình cho đất nước. Khi hai xe tăng T-54 di chuyển, hàng vạn khán giả cùng hò reo cổ vũ.
Ca sĩ Hòa Minzy biểu diễn ca khúc “Việt Nam trong tôi” đến đoạn điệp khúc: “Máu đỏ da vàng tôi là người Việt Nam” hàng nghìn khán giả cùng đồng thanh hát vang tạo ra bầu không khí đầy sôi động nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng, tự hào.
Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là công nghệ trình chiếu 3D mapping được chiếu lên màn nước, điều chưa từng xuất hiện bất kỳ chương trình nào trước đây.
Tại chương trình, khán giả đã được sống lại khí thế hào hùng của dân tộc trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước thông qua các tiết mục ca múa nhạc, tiểu phẩm sân khấu: “Lời ca dâng Bác”, “Những ánh sao đêm”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”… được thể hiện bởi NSND Thanh Hoa, NSND Tự Long, NSND Phương Thảo, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Tố Hoa, ca sĩ Hòa Minzy… cùng hơn 800 nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài Quân đội. Tất cả đã cùng nhau mang đến một không gian nghệ thuật vừa sâu lắng, vừa hào sảng, gợi lại khí thế sục sôi của cả dân tộc trong hành trình đi tới độc lập, thống nhất.
Xen kẽ trong chương trình là những phóng sự với phần chia sẻ của các nhân chứng lịch sử, thể hiện khát vọng thống nhất non sông và chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Qua đó khẳng định sự vững tâm, can trường của cả dân tộc Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa lời thề hẹn non sông, cũng như nỗ lực của những thế hệ hôm nay để giữ cho non sông liền một dải, Bắc - Nam thống nhất một nhà, vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như một lời hẹn ước cho tương lai.
Chương trình khép lại bằng màn pháo hoa nghệ thuật rực rỡ kéo dài 15 phút - một cái kết trọn vẹn, không chỉ “mãn nhãn” mà còn lay động cảm xúc, như lời tri ân gửi đến quá khứ và niềm tin hướng về tương lai.
Lam Hạnh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/hen-uoc-bac-nam-khat-vong-thong-nhat-ky-uc-hao-hung-post546426.html