1. Nguyên nhân gây hẹp ống sống
Cột sống nâng đỡ cơ thể con người được cấu tạo từ nhiều đốt sống đan xen với đĩa đệm giảm sốc. Mỗi đốt sống sẽ có một lỗ sống để tủy sống và các rễ thần kinh đi qua. Khi các đốt sống xếp chồng lên nhau, các lỗ sống sẽ tạo thành một khoang rỗng xuyên suốt cột sống được gọi là ống sống.
Hẹp ống sống xảy ra khi khoang rỗng này bị thu hẹp gây chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống. Tình trạng này gặp nhiều ở những người trên 50 tuổi với các biểu hiện khác nhau như mỏi cổ, tê vai, đau lưng, đau lan từ hông xuống hai chân, bí tiểu, rối loạn cơ tròn, liệt (có thể là liệt nửa người, liệt hoàn toàn hay liệt tứ chi)... Tốc độ diễn tiến của bệnh khá chậm, có thể là nhiều năm hay thậm chí là hàng chục năm. Ngày nay tình trạng này đang có xu hướng xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn.
Hẹp ống sống là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên:
Nội dung
1. Nguyên nhân gây hẹp ống sống
2. Triệu chứng của hẹp ống sống
3. Hẹp ống sống có lây không?
4. Phòng ngừa hẹp ống sống
5. Điều trị hẹp ống sống
Do bẩm sinh đã có ống sống hẹp hơn so với bình thường.
Thoái hóa làm dày dây chằng cột sống khiến chúng chiếm nhiều khoảng trống trong lòng ống sống.
Gai xương phát triển bên trong ống sống.
Tình trạng viêm khiến các khớp cột sống to lên chèn vào ống sống.
Thoát vị đĩa đệm: Tuổi càng cao độ đàn hồi của đĩa đệm sẽ càng giảm sút, đồng thời nó sẽ mòn đi và lún dần vào ống sống.
Nguyên nhân khác: Trong cột sống có khối u, chấn thương cột sống, mắc bệnh về xương (ví dụ bệnh Paget)...
2. Triệu chứng của hẹp ống sống
Tình trạng hẹp ống sống thường tiến triển theo thời gian như là một phần của quá trình lão hóa. Mặc dù hẹp ống sống thường xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên, nó cũng có thể phát triển sớm hơn do chấn thương hoặc bẩm sinh.
Tình trạng hẹp cột sống có thể xấu đi theo thời gian, nhưng tốc độ tiến triển là khác nhau và không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng.
Có một số dấu hiệu và triệu chứng tiềm tàng của hẹp ống sống. Các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể chủ yếu được xác định bởi vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp.
Một số triệu chứng của hẹp ống sống có thể bao gồm:
Đau lan: Có thể lan tỏa từ cột sống xuống cánh tay hoặc chân. Mức độ có thể từ đau âm ỉ đến cảm giác nóng rát.
Dấu hiệu rễ thần kinh: Thiếu hụt chức năng thần kinh do bị chèn ép rễ thần kinh sống, chẳng hạn như: Ngứa, ran, tê hoặc yếu một cánh tay, chân.
Dấu hiệu tủy sống: Thiếu hụt chức năng thần kinh do chèn ép tủy sống, chẳng hạn như ngứa ran, tê hoặc yếu cả cánh tay hoặc chân, các vấn đề về kiểm soát cơ bàng quang/ruột.
Hội chứng đuôi ngựa: Dẫn đến thiếu hụt chức năng thần kinh do chèn ép vùng đuôi ngựa (rễ thần kinh cuối tủy sống). Nhiều dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện ở chi dưới, bao gồm mất cảm giác vùng yên ngựa hoặc đại tiện/bàng quang không tự chủ. Hội chứng đuôi ngựa cần được can thiệp y tế ngay lập tức để tránh tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Mặc dù hẹp cột sống thường liên quan đến cơn đau lan ra chân hoặc cánh tay, đôi khi cơn đau được cảm nhận cục bộ hơn ở cột sống, chẳng hạn như ở tại vùng cổ hoặc thắt lưng.
Hẹp ống sống là tình trạng một hoặc nhiều lỗ sống bị thu hẹp và giảm không gian cho các dây thần kinh.
3. Hẹp ống sống có lây không?
Nguyên nhân gây ra chứng hẹp ống sống có liên quan đến yếu tố tuổi tác, không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa hẹp ống sống
Hầu hết các nguyên nhân gây ra chứng hẹp ống sống có liên quan đến yếu tố tuổi tác, nên bạn sẽ không thể ngừa bệnh triệt để. Tuy nhiên chúng ta có thể thực hiện các biện pháp nhất định sau đây để giảm nguy cơ hoặc làm chậm sự tiến triển bệnh:
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, cụ thể:
Thực phẩm giàu dinh dưỡng nuôi dưỡng xương khớp như vitamin D, canxi có trong trứng, sữa, các loại hạt...
Thực phẩm nhiều Omega - 3, chondroitin, glucosamine... có trong sụn động vật, cá biển, gân... để ngăn ngừa yếu tố phá hủy sụn khớp.
Tăng cường các loại rau củ quả, trái cây giàu vitamin C để cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể, chống viêm, tăng sức đề kháng.
Hạn chế ăn quá nhiều các loại thịt đỏ, thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ uống có ga, có cồn...
Tập luyện các bài tập phù hợp vì rèn luyện thể thao thường xuyên giúp tăng sức khỏe, tăng độ bền chắc cho hệ xương khớp nên cần duy trì. Bạn có thể chọn cho mình một số môn thể thao yêu thích và duy trì đều đặn hàng tuần như bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga, dưỡng sinh...
Tập luyện đều đặn là thói quen tốt giúp các cơ săn chắc, giảm bớt áp lực tác động trực tiếp lên các khớp, hỗ trợ trao đổi chất tốt hơn. Từ đó xương khớp được nuôi dưỡng tốt sẽ có sự dẻo dai, bền chắc hơn, quá trình lão hóa chậm hơn.
Ngoài ra, cần duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng tránh béo phì, hạn chế hút thuốc, giữ tư thế đúng trong quá trình sinh hoạt, làm việc… cũng giảm nguy cơ mắc hẹp ống sống.
5. Điều trị hẹp ống sống
Để lựa chọn phương pháp điều trị hẹp ống sống phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí hẹp và mức độ nghiêm trọng...
Các biện pháp tự hỗ trợ có thể giảm đau bao gồm:
Chườm nóng: Chườm nóng làm tăng lưu lượng máu, thư giãn cơ và giảm tình trạng đau nhức, nên lưu ý nguy cơ bị bỏng.
Chườm lạnh: Chườm lạnh với túi đá, gel đông lạnh 20 phút/lần, nghỉ trong 20 phút và tiến hành thực hiện lại cũng giúp giảm sưng, đau và viêm.
Tập thể dục: Việc tập luyện thường xuyên rất hữu ích cho căn bệnh hẹp ống sống, tuy nhiên người bệnh nên tham khảo kĩ ý kiến chuyên gia trước khi tập luyện.
Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc bao gồm:
Thuốc: Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) có thể giúp bạn giảm tình trạng bị viêm và giảm đau do tình trạng hẹp ống sống. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng các loại thuốc theo đơn khác.
Vật lý trị liệu: Đây cũng là phương pháp được nhiều người tin tưởng và áo dụng. Tăng cường cơ lưng và cơ bụng bằng vật lý trị liệu sẽ giúp cột sống của bạn khỏe mạnh hơn.
Tiêm Steroid: Việc tiêm corticosteroid vào trong các khoảng trống của cột sống, nơi các rễ thần kinh đang bị chèn ép hoặc nơi các vùng xương bị mòn cọ xát với nhau, có thể giúp giảm viêm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên thực hiện với số lượng hạn chế.
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp có chèn ép thần kinh nặng (yếu liệt tay chân, đại tiểu tiện không tự chủ…), các triệu chứng không cải thiện dù đã điều trị tích cực bằng các phương pháp khác trong ít nhất 2 - 3 tháng, cột sống mất vững.
Nguyên tắc của điều trị phẫu thuật là giải nén đủ các cấu trúc thần kinh. Sau khi giải nén, nếu cột sống mất vững do loại bỏ cấu trúc xương quá mức, các phẫu thuật viên sẽ cố định xương sống. Sau phẫu thuật thì người bệnh cần đeo đai cột sống, tập phục hồi chức năng để giảm đau sau mổ và sớm lấy lại chức năng cột sống.
BS. Nguyễn Văn Thắng