Nụ cười hồn hậu, ân cần và nhẹ nhàng với học sinh là cảm nhận ban đầu của chúng tôi khi gặp cô giáo Đỗ Thị Huệ tại lớp ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi môn hóa học tại trường. Qua câu chuyện, cô Huệ cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên tại vùng quê đất mỏ Quảng Ninh. Năm 2000, khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã lên Lai Châu và vào công tác tại Trường cấp II, III Phong Thổ. Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn, xa gia đình có những lúc cô cảm thấy chạnh lòng. Song, với lòng yêu nghề, cô Huệ miệt mài với những trang giáo án, tích cực nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy.
Những năm học qua, cô Huệ luôn chấp hành các quy định của ngành và địa phương về giáo dục THPT; không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác. Góp một phần công sức vào sự nghiệp “trồng người”, “Nâng cao dân trí - đào tạo nhân lực - bồi dưỡng nhân tài” cho địa phương, cô chú trọng việc tự học, tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức. Với cô, là người “dẫn đường” và phải khơi dậy đam mê học tập của học sinh, nên thường xuyên đổi mới, đa dạng phương pháp giảng dạy để tìm ra phương pháp hay, phù hợp, giúp học sinh nhớ kiến thức lâu nhất. Tăng cường phối hợp với đồng nghiệp và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy.
Cô giáo Đỗ Thị Huệ hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi môn hóa học thực hành trong phòng thí nghiệm.
Xác định những kiến thức trang bị cho học sinh hôm nay sẽ là hành trang để các em viết lên trang sách suốt cuộc đời. Cô Huệ trăn trở và tự tìm tòi, học hỏi, chắt lọc, đúc kết những phương pháp giảng dạy dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng và phù hợp với từng đối tượng học sinh. Nhất là nhiều năm liền là giáo viên ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi môn hóa học, cô Huệ chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, linh hoạt sử dụng các phương pháp giảng dạy kết hợp lý thuyết với thực hành.
Cô Huệ chia sẻ: “Tôi tăng cường các tiết học thực hành, thí nghiệm mang tính ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống để vừa truyền đạt kiến thức, giúp học sinh tự nghiên cứu những điều thú vị, hứng thú trong môn học; áp dụng phương thức lồng ghép hỏi đáp, kể chuyện, liên hệ thực tiễn vào bài học. Qua đó, kích thích học sinh yêu thích bộ môn hóa học. Đặc biệt, trực tiếp tham gia phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp môn hóa học, nhiệm vụ này đòi hỏi sự chuyên sâu về kiến thức, sự bền bỉ về thời gian và cả bản lĩnh, đam mê. Tăng cường trao đổi, học hỏi từ đồng nghiệp, internet và đồng nghiệp, chuyên gia có chuyên môn sâu từ các trường đại học, các tài liệu từ các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Qua đó, truyền đạt, trang bị cho các em kiến thức, tâm lý, trạng thái tốt nhất bước vào kỳ thi”.
Thông qua giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm, cô Huệ kịp thời phát hiện học sinh có năng lực chuyên biệt để bồi dưỡng. Phối hợp với phụ huynh động viên, hỗ trợ các em để đạt kết quả cao trong học tập nói chung, các kỳ thi học sinh giỏi nói riêng.
Chia sẻ về cô giáo Đỗ Thị Huệ, em Hà Tuấn Anh - lớp 10 chuyên hóa nói: Em được lựa chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn hóa học và được cô Huệ tận tình hướng dẫn ôn luyện. Cô điềm tĩnh và luôn có những cách truyền đạt kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ và tạo cho học sinh hứng thú với môn học.
Đổi mới theo hướng khoa học, sáng tạo, hơn 20 năm công tác, cô giáo Đỗ Thị Huệ đã “chèo lái” con thuyền tri thức nhiều thế hệ học sinh. Luôn thực hiện vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm học; học sinh do cô phụ trách ôn luyện đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Tiêu biểu năm học 2023 - 2024, 1 học sinh đoạt giải nhì học sinh giỏi môn hóa học cấp quốc gia; 9 học sinh đạt giải môn hóa học cấp tỉnh. Rất nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, đi du học nước ngoài, trở thành cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ghi nhận đóng góp, từ năm 2015 đến nay, cô Đỗ Thị Huệ được nhận nhiều danh hiệu thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục, Hội Khuyến học thành phố Lai Châu.
Vương Trang