Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III/2024. Đối với các dự án nhà ở thương mại, cả nước có 16 dự án đã hoàn thành, tương đương khoảng 3.314 căn. Số lượng dự án trên dù giảm gần 24% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn tăng hơn 77,7% so với quý trước.
Với dự án được cấp phép mới, quý III/2024 có 23 dự án với quy mô khoảng 11.669 căn. Lượng dự án trên nhiều hơn 21% so với quý trước và tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo CBRE, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn cung mở bán căn hộ chung cư mới tại Hà Nội đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Thanh Vũ
Đối với các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, quý vừa qua cả nước có 55 dự án với quy mô khoảng 21.374 căn. Số dự án tăng 10% so với quý II/2024 và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Với các dự án đang triển khai, cả nước có tới 939 dự án với quy mô khoảng 426.158 căn. Lượng dự án này dù giảm khoảng 5,9% so với quý trước nhưng lại tăng tới 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả với phân khúc nhà ở xã hội, nguồn cung vẫn giữ “phong độ” tương đối tốt. Trong quý III/2024, trên địa bàn cả nước có 8 dự án được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn, nhiều hơn 569 căn so với quý trước. Tổng kết lại, hiện cả nước có tổng cộng 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, tương đương 565.177 căn.
Dù nguồn cung tăng như vậy nhưng giá nhà ở vẫn neo cao. Theo Bộ Xây dựng, giá chung cư tại một số nơi đã tăng tới 35 - 40% so với quý trước, phân khúc bình dân gần như bị “xóa sổ” khỏi thị trường. Trước thực trạng trên, Bộ đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến giá nhà ở liên tục tăng cao trong thời gian qua.
“Giá bất động sản đi lên một phần do biến động tăng đối với các chi phí liên quan đến đất đai, cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới”, Bộ Xây dựng nêu nguyên nhân đầu tiên.
Đáng chú ý, tại một số địa phương còn có hiện tượng đấu giá đất có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Điều này xuất phát từ khâu quản lý, thực hiện đấu giá tại một số địa phương chưa tốt. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư còn thành lập các hội, nhóm tham gia trả giá cao, sau đó bỏ cọc sau khi đấu trúng, nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời.
Khi giá bất động sản tại địa phương tăng, chi phí triển khai thực hiện dự án của doanh nghiệp cũng sẽ bị đội lên, từ đó đẩy giá đầu ra của sản phẩm.
Nguyên nhân thứ hai khiến giá nhà tăng cao đến từ hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản.
“Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh, dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá”, Bộ Xây dựng nêu.
Lý do thứ ba khiến giá bất động sản “tăng nhiệt" đến từ tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc này xuất phát từ tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất.
“Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó về nguồn vốn vay tín dụng, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, Bộ cho biết thêm.
Cuối cùng, nguyên nhân thứ 4 khiến giá nhà tăng cao là vì các biến động của nền kinh tế. Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư. Điều này dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền sang bất động sản như một kênh trú ẩn an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư.
Thanh Vũ