HHV có tiếp tục khiến nhà đầu tư thất vọng?

HHV có tiếp tục khiến nhà đầu tư thất vọng?
16 giờ trướcBài gốc
2024: Từ kỳ vọng thành thất vọng
CTCP Đầu tư giao thông Đèo Cả (HHV) là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng và vận hành trạm BOT, thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả (DCG). Với năng lực thi công cao và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, HHV được tin tưởng thi công các công trình tiêu biểu như hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 2 và hiện đang tham gia hàng loạt gói thầu của tuyến cao tốc Bắc Nam.
HHV có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ nhờ các yếu tố như: nguồn thu phí BOT ổn định (15 trạm), khối lượng công việc lớn từ ĐTC và hưởng lợi từ vốn ngân sách Nhà nước triển khai trong 2 năm cuối niên độ tài khóa 2021-2025.
Nhờ những lợi thế nêu trên, HHV nhận được rất nhiều sự chú ý của NĐT và được xem là mã ĐTC điển hình trên thị trường. Thời điểm đầu năm 2024, giới phân tích cũng có rất nhiều nhận định hết sức khả quan về HHV. Thậm chí có công ty chứng khoán (CTCK) còn khuyến nghị mua với giá mục tiêu hơn 21.000 đồng/CP, cao hơn 35% so với mức giá thời điểm đó là 15.700 đồng/CP.
Lý do khiến các CTCK đánh giá cao HHV đến từ chính sách giải ngân ĐTC của Chính phủ, sẽ tạo nên “cú hích” tăng trưởng trong năm 2024. Đặc biệt, là thành viên quan trọng của DCG khi sở hữu thương hiệu tốt trong ngành, chuyên thực hiện các công trình hầm và kết cấu phức tạp, giúp cho HHV không chịu nhiều áp lực về cạnh tranh đấu thầu.
Sau thời gian cân nhắc, giữa tháng 4-2024, ông H.T., một NĐT tại TPHCM, quyết định “full margin” HHV giá 15.800 đồng/CP, với kỳ vọng CP này sẽ đạt mục tiêu vượt mốc 20.000 đồng/CP như dự báo của các CTCK.
Tuy nhiên, kể từ khi trở thành cổ đông HHV, giá CP chỉ đi ngang và đi xuống, khiến cho ông H.T. thua lỗ nặng. Cầm cự đến cuối năm 2024, do không chịu nổi áp lực lãi vay, cộng với giá CP xuống sâu, ông H.T. đành cắt lỗ HHV ở mức giá chỉ hơn 11.000 đồng/CP.
Cổ đông của các doanh nghiệp ĐTC khác trên thị trường như VCG, FCN, KSB, C4G, PLC… cũng chịu chung số phận, khi đặt quá nhiều kỳ vọng vào nhóm CP này trong năm 2024. Nguyên nhân xuất phát từ tốc độ giải ngân ĐTC sau giai đoạn tăng trưởng tích cực bất ngờ rơi vào giai đoạn trầm lắng.
Tiến độ giải ngân vốn ĐTC bị chậm được lý giải là do việc triển khai Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và tạm dừng một số dự án để điều chỉnh. Ngoài ra, hiện tượng thiếu hụt vật liệu và cát san lấp cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân ĐTC.
2025: Liệu có còn đến hẹn lại lên?
Sau giai đoạn trầm lắng của năm 2024, ĐTC tiếp tục là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những tháng đầu năm 2025. Theo phân tích của các CTCK, Chính phủ đang tập trung nguồn lực tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, song song với việc đẩy mạnh hoàn thiện các công trình trọng điểm như: tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đặc biệt các hoạt động giải ngân ĐTC đầy tham vọng này được xem là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.
Đến hẹn lại lên, HHV tiếp tục nhận được các khuyến nghị tích cực từ giới phân tích. Theo CTCK ACB (ACBS), giá trị backlog (hợp đồng đã ký) ghi nhận đến cuối 2024 của HHV là hơn 2.500 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với doanh thu mảng xây lắp năm 2024. Đây là cơ sở để công ty tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong giai đoạn 2025-2026 khi các dự án bước vào giai đoạn hoàn thành.
Năm 2025, HHV đặt mục hoàn thành dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào cuối năm, và tập trung đẩy mạnh triển khai dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Trong quý IV-2024, HHV đã thông qua việc gia tăng tỷ lệ sở hữu tại dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từ 15% lên 40%.
ACBS dự phóng kết quả kinh doanh năm 2025 của HHV gần như không đổi, với doanh thu ước đạt gần 3.792 tỷ đồng (tăng 14,6%), và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 420 tỷ đồng (tăng 9,9%). Giá mục tiêu cuối năm 2025 hầu như không đổi ở mức 16.000 đồng/CP và lặp lại khuyến nghị mua HHV.
Tương tự, các chuyên gia CTCK Vietcombank (VCBS) kỳ vọng HHV duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2025-2026 nhờ các yếu tố: hưởng lợi từ xu hướng tăng tốc giải ngân ĐTC; cải thiện hiệu quả kinh doanh tại các dự án BOT; gia tăng tỷ lệ lợi ích tại các dự án PPP mới. VCBS ước tính doanh thu và lợi nhuận thuần của HHV trong năm 2025 đạt lần lượt là 3.832 tỷ đồng (tăng 15,8%) và 511 tỷ đồng (tăng 27,37%).
Từ đó, VCBS khuyến nghị “mua” HHV với mức định giá hợp lý là 15.537 đồng/CP. Với mức độ thận trọng hơn, CTCK Mirae Asset (MAS) khuyến nghị “tăng tỷ trọng” HHV và nâng giá mục tiêu từ 13.000 đồng/CP lên 14.439 đồng/CP.
Dù nhận được nhiều khuyến nghị tích cực, nhưng trên sàn chứng khoán HHV vẫn giao dịch khá “ì ạch”. Nguyên nhân khiến cho dòng tiền còn “ngập ngừng” với ĐTC, xuất phát từ các rủi ro mà các doanh nghiệp như HHV đang phải đối mặt. Đơn cử là các dự án BOT có thể đối mặt với sự bất ổn từ các sự kiện bất khả kháng như: gỡ bỏ trạm thu phí, chậm điều chỉnh giá vé và miễn giảm phí.
Tuy nhiên, gánh nặng lớn nhất mà nhóm ĐTC là chi phí lãi vay. Đây là yếu tố gây áp lực lớn nhất lên lợi nhuận, gia tăng tỷ lệ thuận với doanh thu và ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sinh lời.
Với HHV, NĐT còn đối mặt thêm một rủi ro nữa, đó là hiện tượng pha loãng CP. Mới đây, doanh nghiệp thông qua kế hoạch phát hành CP riêng lẻ cho giai đoạn 2024-2025, dự báo huy động 415 tỷ đồng, nhằm mục đích tài trợ vốn cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (dự án dự kiến khởi công đầu năm 2026).
Nếu theo đuổi mục tiêu này, HHV sẽ quay trở lại chu kỳ tăng vốn như đã từng thực hiện trước đây, từ đó kéo theo rủi ro pha loãng CP trong ngắn hạn.
Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của HHV vẫn đang thuộc nhóm cao trong ngành xây dựng. Trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân ĐTC cho chu kỳ chính sách tài khóa mới, HHV gặp trở ngại khi khó đảm bảo được nguồn lực tài chính tài trợ cho các dự án mới.
KIM GIANG
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/hhv-co-tiep-tuc-khien-nha-dau-tu-that-vong-post120777.html