Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các y bác sĩ của bệnh viện vừa chào đón một bé gái khỏe mạnh nặng 3,2kg. Điều đặc biệt là em bé chào đời cùng với chiếc vòng tránh thai mà người mẹ đã đặt cách đây 2 năm.
Mặc dù việc mang thai không nằm trong kế hoạch nhưng chị V.T.T.H. (35 tuổi, Vĩnh Phúc) đã có một thai kỳ an toàn và ca sinh diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Bé gái chào đời mang theo vòng tránh thai của mẹ. Ảnh BVCC.
Vòng tránh thai nằm bên ngoài túi ối, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ca phẫu thuật do bác sĩ Trần Ngọc Đính - Trưởng khoa tự nguyện D5 bệnh viện - trực tiếp thực hiện.
Theo các bác sĩ, vòng tránh thai là một phương pháp ngừa thai phổ biến, tuy nhiên không phải là tuyệt đối. Có nhiều yếu tố có thể làm giảm hiệu quả của vòng, như vòng di chuyển, hư hỏng hoặc các vấn đề về sức khỏe của người phụ nữ.
Bác sĩ khuyến cáo các phương pháp tránh thai đều có ưu/nhược điểm riêng. Để lựa chọn phương pháp tránh thai tối ưu và phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe, chị em nên đến bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn.
Đối với vòng tránh thai, sau khi đặt, chị em cần tái khám sau 1 tuần và 1 tháng để xác định lại vị trí đặt vòng. Trường hợp để vòng quá hạn hay vòng đi lạc chỗ sẽ có những nguy hiểm, biến chứng hay viêm nhiễm vùng chậu.
Thống kê cho thấy, việc đặt vòng tránh thai vẫn có con chiếm tỉ lệ khoảng 2-8/10.000 trường hợp trên thế giới. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đi đến kết cục thai kỳ an toàn, một số trường hợp có thể để lại biến chứng.
Trúc Chi (t/h)