Hiểm họa khó lường từ pháo tự chế

Hiểm họa khó lường từ pháo tự chế
6 giờ trướcBài gốc
Tang vật của một vụ sản xuất pháo tự chế được Công an TP Hải Phòng phát hiện, thu giữ
Tai nạn do pháo tự chế gia tăng
Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp học sinh bị tai nạn do sử dụng pháo tự chế, trong đó có trường hợp bị dập nát bàn tay, không thể cứu chữa được.
Theo bác sĩ Cao Đình Bằng, khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức, vào mỗi dịp cận tết, số ca tai nạn do pháo tự chế gia tăng đáng kể. Những tai nạn này thường gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất, để lại hậu quả nặng nề về tâm lý cho người bệnh. PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, khoảng 1 tháng nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 20 người bệnh bị tai nạn do pháo nổ, pháo tự chế; phần lớn còn nhỏ tuổi, học cách chế tạo pháo từ mạng xã hội.
“Với tai nạn do pháo nổ, có nhiều trường hợp được đưa tới cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, dập nát cả 2 tay, 2 đùi, vỡ hoặc thủng ruột non; gãy xương sườn...”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh thông tin. Đặc biệt, không chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác cũng tiếp nhận cấp cứu, điều trị hàng loạt người bệnh trẻ tuổi bị tai nạn thương tích rất nghiêm trọng do pháo tự chế.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong vòng 1 tháng trở lại đây, trên toàn quốc đã xảy ra 14 vụ tai nạn về pháo, làm 5 người tử vong, 26 người bị thương. Trước đó, nhiều tai nạn thương tâm do tự chế pháo nổ cũng đã diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc và Tây Nguyên.
Hiểm họa rình rập
Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ, pháo tự chế xảy ra gần đây có nguyên nhân chủ yếu từ việc mua bán các nguyên liệu, tiền chất làm pháo và các clip dạy làm pháo đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, nhất là vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tra cứu Google với cụm từ “bán nguyên liệu, hóa chất làm pháo tết”, cho ra hàng chục triệu kết quả trong vài giây. Trong đó, nhiều nhất là trên Facebook, YouTube và TikTok. Các loại dây cháy chậm, bột Kclo3, Natri benzoat, bột than, lưu huỳnh, giấy cuộn… (là những nguyên vật liệu để sản xuất pháo) được rao bán tràn lan với giá rất rẻ, như lưu huỳnh giá 60.000 đồng/kg, bột Kclo3 giá 115.000 đồng/kg.
Thậm chí, trên một số sàn thương mại điện tử cũng tràn ngập các gian hàng rao bán các loại dây cháy chậm và giấy cuộn làm thân pháo. Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội còn ngang nhiên rao bán pháo nổ thành phẩm hoặc các combo nguyên liệu hóa chất làm pháo, như Kclo3, Natri benzoat, bột than, lưu huỳnh… Nếu khách hàng chưa biết cách pha trộn thì người bán sẵn sàng bán theo tỷ lệ trộn của từng loại pháo. Cùng với rao bán nguyên liệu, tiền chất làm pháo, trên mạng xã hội cũng tràn ngập các clip hướng dẫn cụ thể từ công thức, cách trộn hóa chất như thế nào… cho tới cách làm pháo hoa, pháo que, pháo trứng, pháo cối, pháo dàn. Người xem không khó để thực hiện và thử nghiệm với từng loại pháo.
Theo Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, từ các năm trước, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó có Cục An ninh mạng, vào cuộc để bóc gỡ các đường dẫn liên quan đến hướng dẫn chế tạo pháo nổ trái phép. Tuy nhiên, dù nhiều bài viết bị gỡ bỏ, nội dung mới vẫn liên tục xuất hiện. Sau khi các clip công khai bị xóa, các đối tượng lại chuyển sang lập các nhóm kín, chẳng hạn như nhóm “Pháo tự chế 2025” hoặc các nhóm hoạt động theo vùng miền, để tiếp tục trao đổi và hướng dẫn cách làm pháo.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng đưa ra khuyến cáo: khi tự chế thuốc pháo mà không có trình độ hay kinh nghiệm, thì nguy cơ tai nạn là rất cao. Nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh trong thời gian các em học tập tại trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, giám sát. Phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường của con em mình khi ở nhà, để kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn hiệu quả, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo, người dân chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng và các cá nhân kinh doanh pháo hoa là vi phạm quy định của pháp luật. Người dân tuyệt đối không được mua pháo của các cơ quan, tổ chức không được phép kinh doanh, các cá nhân hoặc trên các trang mạng xã hội, pháo lậu, pháo không hóa đơn, không nguồn gốc, xuất xứ.
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cũng quy định cá nhân, tổ chức không được phép sử dụng pháo nổ, nếu sử dụng là vi phạm; người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh những vi phạm đáng tiếc.
MINH KHANG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/hiem-hoa-kho-luong-tu-phao-tu-che-post778797.html