Nước tẩy rửa giá rẻ – tiềm ẩn nguy cơ
Chỉ cần vài phút lướt mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp hàng loạt quảng cáo rao bán nước tẩy rửa “giống y hàng thật” với mức giá chỉ bằng một nửa. Những sản phẩm này được quảng cáo là “hàng công ty thanh lý”, “hàng lỗi bao bì”…, đánh trúng tâm lý chuộng hàng rẻ của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm trong số đó không có nguồn gốc rõ ràng, không được kiểm định chất lượng, thậm chí chứa hóa chất độc hại như xút công nghiệp, acid mạnh hoặc chất ăn mòn.
Nước tẩy rửa rao bán trên chợ mạng. Ảnh chụp màn hình
Chị Phạm Thanh Huyền (phường Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ, “tôi từng mua nước lau sàn trên TikTok shop, giá chỉ 20.000 đồng/chai 1 lít. Lúc đầu thấy thơm, lau sàn sạch bóng. Nhưng dùng được 2 hôm thì cả nhà bị ngứa chân, đặc biệt là con tôi nổi mẩn đỏ. Đem chai ra mới thấy không có thành phần, không rõ nơi sản xuất”.
Anh Nguyễn Văn Lâm (phường Khánh Hội, TP HCM) kể, “tôi mua combo nước rửa chén và tẩy bồn cầu online. Khi rửa chén thì thấy dầu mỡ vẫn bám, rửa kỹ vẫn có mùi hóa chất lạ. Tẩy bồn cầu thì đổ vào có mùi nồng, cay xộc lên tận mũi. Tôi thấy quá nguy hiểm, nên bỏ luôn”.
Chị Đỗ Thị Minh (phường Bàn Cờ, TP HCM) cũng cho hay, “chai nước rửa tay khô ghi là diệt khuẩn 99,9% nhưng dùng xong lại bị khô rát và bong tróc da. Tôi mới để ý là bao bì trông giống hàng thật, nhưng chữ in mờ, tem vênh, mã vạch tra không ra”.
Theo TS Đỗ Minh Quân – Chuyên gia độc chất học, “việc sử dụng thường xuyên nước rửa chén, lau sàn, tẩy rửa… không rõ nguồn gốc có thể khiến hóa chất tích tụ trong cơ thể. Không gây hại tức thời, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến viêm da mãn tính, suy gan, suy thận hoặc rối loạn nội tiết”.
ThS Trần Việt Phương – chuyên gia tiêu chuẩn sản phẩm, “một số cơ sở sản xuất nước tẩy rửa giả hoạt động chui, không kiểm định nguyên liệu đầu vào. Người tiêu dùng hoàn toàn không thể biết trong chai đó là gì, nồng độ ra sao. Đây là mối nguy rất lớn khi sản phẩm được dùng hàng ngày, nhiều lần”.
Nhiều cơ sở sản xuất nước tẩy rửa giả bị phát hiện, xử lý
Không chỉ là cảnh báo trên lý thuyết, thực tế thời gian qua cho thấy lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh nước tẩy rửa giả, không đảm bảo chất lượng trên địa bàn cả nước.
Mới đây, trong đợt kiểm tra cao điểm về chống hàng giả, lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đã phát hiện Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ H.V. sản xuất hàng loạt sản phẩm tẩy rửa giả. Công ty này đặt trụ sở tại hai xã Ân Thi và Yên Mỹ.
Nguyên liệu dùng sản xuất nước giặt giả tại hiện trường. Ảnh: Quản lý thị trường
Bên trong xưởng sản xuất, hàng trăm can nước giặt, nước rửa chén và nước xả vải được pha chế từ hóa chất không rõ nguồn gốc, gắn nhãn hiệu nổi tiếng như D-nee, Hygiene, Tauau.
Theo kết quả điều tra, giám đốc công ty đã mua sản phẩm thật về phân tích thành phần, từ đó pha chế hàng loạt sản phẩm nhái tại xưởng riêng. Không chỉ hóa chất, toàn bộ tem nhãn, vỏ bao bì, thùng carton cũng được sao chép giống hệt mẫu thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều chi tiết như mã vạch, xuất xứ nước ngoài cũng được làm giả tinh vi.
Trước đó, tháng 5/2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất kho sản xuất của công ty này và phát hiện quy mô vi phạm lớn. Nhiều máy móc, bao bì, tem nhãn đang trong quá trình đóng gói đã bị niêm phong. Vụ việc được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Hưng Yên và đến tháng 9 cùng năm, chủ doanh nghiệp này cùng một đồng phạm bị khởi tố hình sự về hành vi “sản xuất hàng giả”.
Tuy nhiên, một phần tang vật chưa đủ căn cứ xử lý hình sự nên được tách hồ sơ, chuyển sang Chi cục Quản lý thị trường địa phương để xử lý hành chính. Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quyết định xử phạt công ty này số tiền 180 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm theo quy định tại Nghị định 98.
Trước đó tại Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường cũng từng phát hiện một cơ sở ở huyện Hoài Đức sản xuất nước rửa chén giả với quy mô lên đến 5.000 lít/tháng, bán chủ yếu qua mạng xã hội, không hóa đơn, chứng từ, không kiểm định chất lượng.
Dù các vụ việc liên tục bị phát hiện, nhưng thực tế cho thấy thị trường hàng giả vẫn chưa giảm nhiệt, bởi nguồn cung vẫn dồi dào, còn người mua thì thiếu cảnh giác.
Không thể chống hàng giả nếu người tiêu dùng tiếp tay
Các chuyên gia cho rằng, để chấm dứt vấn nạn nước tẩy rửa giả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Cụ thể, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm, đặc biệt siết chặt kiểm soát hàng hóa trên sàn thương mại điện tử – nơi hàng giả đang nở rộ.
Doanh nghiệp chính hãng, cần tăng cường truy xuất nguồn gốc, gắn tem chống hàng giả, đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để truy tìm và xử lý xưởng sản xuất hàng nhái nhãn hiệu của mình.
Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không ham rẻ, và tố giác các hành vi vi phạm tới các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an kinh tế. Mỗi hành động nhỏ cũng có thể góp phần làm trong sạch thị trường.
Thiên Bảo