ThS.BS Ninh Thị Phương Mai (đầu tiên) – Khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E. Ảnh NVCC.
Vậy thuốc lá điện tử gây hại cho người sử dụng ra sao và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống tác hại thuốc lá cần được thể hiện như thế nào? Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn với ThS.BS Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E.
Tác hại khôn lường
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ những thống kê về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử trong tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay?
ThS.BS Ninh Thị Phương Mai : Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
PV: Vậy thuốc lá điện tử thực chất là gì?
ThS.BS Ninh Thị Phương Mai : Thuốc lá điện tử hay còn gọi là “vape” hoặc “juul” là thiết bị chạy bằng pin có nhiều dạng, hoạt động bằng cơ chế làm nóng chất lỏng thành dạng khí dung mà người dùng hít vào. Chúng có thể chứa nicotine, hương liệu và nhiều loại hóa chất độc hại.
Đặc biệt thuốc lá điện tử là sự kết hợp của nhiều loại hương liệu có mùi vị hấp dẫn đối với người trẻ. Tuy nhiên, thường được quảng cáo là “tinh dầu” nhưng thực chất lại là hóa chất tổng hợp, khi phản ứng với nhiệt từ thuốc lá điện tử có thể tạo ra các chất độc hại.
PV: Theo đó, những tác hại trực tiếp do thuốc lá điện tử gây ra nguy hiểm đến đâu, có triệu chứng nào nhận biết?
ThS.BS Ninh Thị Phương Mai: Trong ngắn hạn, việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây khó thở và ho.
Một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá điếu thông thường.
Về lâu dài, việc sử dụng thuốc lá điện tử khiến nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, gây suy tim hoặc tử vong. Carbon monoxide trong khói thuốc làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.
Các loại dung dịch sử dụng cho thuốc lá điện tử có thể gây ngộ độc thông qua việc nuốt hoặc tiếp xúc với da, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.
Các triệu chứng ngộ độc đó có thể xuất hiện rất nhanh bao gồm đổ mồ hôi, chóng mặt, nôn mửa và nhịp tim tăng nhanh. Nếu nghi ngờ trẻ nhỏ có thể đã tiếp xúc với nicotine, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc gọi xe cứu thương ngay lập tức.
ThS.BS Ninh Thị Phương Mai.
Hiện nay một số loại thuốc lá điện tử cũng có thể chứa cả cần sa hoặc các loại ma túy khác có thể làm tăng nguy cơ nghiện. Pin thuốc lá điện tử bị còn có thể gây cháy nổ.
Những trẻ không hút thuốc vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng tới sức khỏe bởi khói từ thuốc lá điện tử. Các triệu chứng thường gặp gồm khó thở, kích ứng mắt, nhức đầu, buồn nôn và đau họng hoặc kích thích họng.
Hít phải các chất độc hại như nitrosamines, aldehydes, carbon monoxide,... trong khói của thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ mắc ung thư và tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ.
PV: Nhiều học sinh cho rằng, thuốc lá điện tử giúp tỉnh táo, sảng khoái và tập trung hơn trong quá trình học đặc biệt là giảm béo, quan điểm của bác sĩ ra sao?
ThS.BS Ninh Thị Phương Mai: Quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm. Tuổi vị thành niên hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi não do nicotine gây ra.
Việc tiếp xúc với nicotine khi còn ở độ tuổi thiếu niên có thể gây hại cho sự phát triển của não, kéo dài cho đến khoảng 25 tuổi.
Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, suy giảm trí nhớ và sự chú ý và làm tăng nguy cơ nghiện các loại thuốc khác trong tương lai.
Mặc dù thuốc lá điện tử không chứa nhiều hợp chất nguy hiểm như thuốc lá truyền thống, nhưng chúng cung cấp cùng một lượng nicotine hoặc nhiều hơn.
Hai nghiên cứu vào năm 2020 tại Hoa Kỳ đã phát hiện mối liên hệ giữa thuốc lá điện tử và tình trạng suy giảm trí nhớ. Đặc biệt là trẻ em nếu hút thuốc lá điện tử trước 14 tuổi.
Thêm vào đó, trẻ sử dụng thuốc lá điện tử càng thường xuyên thì khi không sử dụng có thể dẫn tới triệu chứng thèm thuốc, gọi là nghiện nicotine.
Tương tự với niềm tin về việc giảm cân khi sử dụng thuốc lá điện tử. Hiện chưa có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ việc hút thuốc lá điện tử có hiệu quả giảm cân. Do đó các em, tuyệt đối không sử dụng thuốc lá điện tử, và đưa ra cảnh báo, ngăn chặn ngay khi phát hiện bạn bè, người thân xung quanh sử dụng thuốc lá điện tử.
Trách nhiệm của cộng đồng
PV: Theo bác sĩviệc ngăn chặn, tuyên truyền về phòng chống thuốc lá trong trường học có tác dụng như thế nào?
ThS.BS Ninh Thị Phương Mai: Nhiều thanh thiếu niên có quan niệm sai lầm rằng thuốc lá điện tử là an toàn. Do đó, việc giáo dục các em xác định thuốc lá điện tử cũng chứa các chất gây nghiện và các tác hại của chúng sẽ góp phần nâng cao ý thức, giúp trẻ tự nhận thức và bài trừ tệ nạn hút thuốc lá điện tử.
Nhà trường nên tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học, giúp trẻ có lối sống lành mạnh, tránh sử dụng chất kích thích nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng.
Ngoài ra, khá nhiều trẻ hút thuốc lá do bắt chước, học theo các bạn, anh chị rủ rê. Do đó nhà trường cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh, nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp, chấm dứt các hành vi dụ dỗ, lôi kéo để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.
PV: Vậy gia đình học sinh cần làm gì để phối hợp tốt với trường học và các cơ quan khác?
ThS.BS Ninh Thị Phương Mai: Vai trò của gia đình cũng là yếu tố không thể thiếu để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường, giúp trẻ không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội.
Theo đó phụ huynh cần phối hợp với trường học, dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ, tìm hiểu thêm về sinh hoạt, mối quan hệ, các hoạt động trong cuộc sống của trẻ.
Tuy nhiên cần lưu ý nhẹ nhàng, tôn trọng trẻ, tránh dẫn đến trẻ phát sinh các hành vi chống đối do bị áp đặt.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như: thay đổi thói quen sinh hoạt, có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, xuất hiện mùi lạ khi đến gần trẻ, hoặc có những đồ vật bất thường (hình USB, hình đồ chơi bắt mắt như hộp sữa, búp bê,…), phụ huynh nên trao đổi với nhà trường để có kế hoạch tiếp cận, tư vấn trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, hỗ trợ tư vấn.
Liêm Anh (Thực hiện)