Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein. Ảnh: Cục ATTP
Trong đó, chất cấm Sibutramine có trong một số sản phẩm làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân, nhưng là có nguy cơ gây tổn thương não, đột quỵ.
“Thần chết” ẩn sau hiệu quả làm đẹp
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.
Đây là viên uống giảm cân nhanh giúp đào thải mỡ thừa cấp tốc có số lô sản xuất: 0001; ngày sản xuất: 20/1/2023; hạn sử dụng: 19/1/2026; số đăng ký sản phẩm là 11127/2020, hộp 3 vỉ x 10 viên do Công ty cổ phần Bigfa (Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36-QL6, xã Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) sản xuất.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bảo An Luxury (thôn Cầu Giát, Hợp Lý, Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Theo Cục An toàn thực phẩm, chất cấm phát hiện trong sản phẩm này là Sibutramine với hàm lượng 6,67 mg/g (3,04 mg/g) và Phenolphtalein là 6,89 mg/g (3,13 mg/viên).
Được biết, Phenolphtalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH, bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm lưu hành từ năm 1999. Chất này trong thực phẩm giảm cân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, gan của người dùng.
Trong khi đó, chất cấm Sibutramine có trong sản phẩm nói trên làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân, nhưng là chất gây nguy cơ tổn thương não, đột quỵ… Do đó, cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010.
Tại Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất cấm này. Cục Quản lý dược cũng rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.
Tỉnh táo trước quảng cáo về giảm cân
Thực tế cho thấy, đang có tình trạng rao bán các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân tràn lan trên mạng. Bằng những lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn, người bán đã đánh trúng vào tâm lý của người đang có nhu cầu giảm cân như thực phẩm chức năng/trà giảm cân có tác dụng giảm cân nhanh chóng mà không cần tập luyện hay ăn kiêng.
Chỉ cần gõ từ khóa “thuốc giảm cân” trên mạng, trong thời gian ngắn đã cho ra hàng loạt các bài viết về các loại thuốc, kẹo giảm cân khác nhau. Các quảng cáo thường đi kèm theo lời quảng bá “thuốc không có tác dụng phụ, 100% thành phần từ thảo dược tự nhiên”.
Đặc biệt, để thu hút người xem, các “đại lý” còn sử dụng những chiêu trò mời gọi, dẫn dụ bằng cách quảng cáo “giảm cân nhanh”, “giảm cân cấp tốc”, hoặc đốt cháy lượng mỡ cứng đầu trong cơ thể vừa “nhanh hơn và dễ dàng hơn” bất kỳ phương pháp nào khác… Họ đồng thời khẳng định, thuốc luôn trong tình trạng “cháy hàng” do nhu cầu làm đẹp tăng cao.
Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất vẫn đưa chất cấm vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Nhiều người sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân cấp tốc đã gặp nguy hiểm tính mạng khi có dấu hiệu suy thận, ngộ độc, đau tim, đột quỵ, tử vong...
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được thông tin báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai về trường hợp ngộ độc liên quan sản phẩm Detox táo hỗ trợ giảm cân. Cơ quan chức năng phát hiện thực phẩm này chứa chất cấm độc hại.
Cụ thể, bệnh nhân này sau khi sử dụng sản phẩm Detox táo hỗ trợ giảm cân mua trên mạng xã hội thì xuất hiện triệu chứng ngộ độc, phải nhập viện điều trị. Kết quả phân tích của Viện Pháp y quốc gia cho thấy, sản phẩm nêu trên có chứa Sibutramine - chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Sibutramine đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng, đặc biệt làm tăng nguy cơ biến cố về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim”.
Theo chuyên gia này, giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược”, tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh, những người thừa cân, đặc biệt là chị em phụ nữ, không nên vì bất kỳ lý do gì mà mua những thực phẩm chức năng, trà giảm cân bán trôi nổi trên mạng để sử dụng.
Khi quyết định sử dụng bất kỳ một loại sản phẩm hỗ trợ giảm cân nào, người dân cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin quan trọng của sản phẩm như thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng, lưu ý trong sử dụng, nhà sản xuất - phân phối, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, số công bố sản phẩm, khuyên dùng của các chuyên gia, bác sĩ uy tín để tránh tác hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, số ít trường hợp thừa cân, béo phì là do bệnh lý (rối loạn chuyển hóa, nội tiết, thần kinh...). Trong khi đó, các trường hợp thừa cân khác chủ yếu là do sự mất cân bằng giữa lượng năng lượng nạp vào và tiêu thụ. Giảm cân là một quá trình lâu dài chứ không phải “ngày một ngày hai”.
Cho dù dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ nào thì cũng cần phải nghiêm túc và kiên trì điều chỉnh lại chế độ ăn uống, luyện tập, cũng như lối sống hàng ngày để có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả, bền lâu. Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, một trong những chìa khóa để giảm cân thành công là có những mục tiêu hợp lý và có tính khả thi.
Chuyên gia y tế khuyến cáo: Với người trưởng thành, đặc biệt là những người áp dụng phương pháp thay đổi chế độ ăn và lối sống để giảm cân, cần đặt mục tiêu giảm 5 - 10% cân nặng trong 6 tháng. Lưu ý, giảm cân từ từ, ở tỷ lệ không quá 450g đến 900g một tuần. Khi giảm được 10% cân nặng, tập trung nỗ lực để duy trì cân nặng đó trước khi cố gắng giảm cân thêm.
Vân Huyền