Hiến đất mở đường rồi trần ai đi làm lại sổ hồng

Hiến đất mở đường rồi trần ai đi làm lại sổ hồng
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 26-6 vừa qua, TAND tỉnh Tiền Giang (nay là TAND tỉnh Đồng Tháp) xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là bà Huỳnh Thị Thanh Thúy và bà Võ Hồng Thư, người bị kiện là Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp) về việc không điều chỉnh diện tích đất trên sổ hồng sau khi đã hiến đất cho Nhà nước để làm đường.
Sau những trao đổi tại tòa, người dân tự nguyện rút đơn kiện nên HĐXX đã quyết định đình chỉ vụ án. Thế nhưng sau đó, khi đi làm thủ tục tại xã theo hướng dẫn, người dân lại tiếp tục bị từ chối.
Người dân hiến đất mở đường
Nội dung vụ án thể hiện, được sự đồng ý của UBND xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang (nay là xã Phú Thành, tỉnh Đồng Tháp) người dân đã hiến đất để mở rộng đường đi dân sinh, bởi vì con đường hiện hữu rất hẹp và bị xuống cấp trầm trọng, đi lại rất khó khăn.
Con đường mới khang trang sau khi được mở rộng. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Tháng 1-2023, chủ tịch UBND xã đã chủ trì họp dân về việc thi công công trình đường dân sinh. Sau khi kết thúc cuộc họp, tất cả mọi người đều thống nhất hiến đất, trong đó có người khởi kiện.
Kể từ khi con đường mới được hình thành với chiều dài 140m rộng khoảng 2,5m (diện tích hiến khoảng 392m2, đường đi cũ chỉ có chiều rộng chưa đến 1m) bộ mặt giao thông dân sinh đã thay đổi rõ rệt, bà con đều phấn khởi vì đã có con đường mới rộng và đẹp. Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu đến khi người dân đi làm thủ tục điều chỉnh lại diện tích trên sổ hồng (giảm diện tích do đã hiến đất làm đường). Chi nhánh VPĐKĐĐ từ chối với lý do tuyến đường dân sinh này không nằm trong quy hoạch sử dụng đất tại địa phương và thủ tục hiến đất chưa đúng theo quy định.
Tại tòa, người khởi kiện cho biết chính UBND xã đã đứng ra tổ chức họp dân vận động hiến đất để mở rộng đường nên người dân mới đồng ý hiến đất và tự vận động kinh phí để thi công.
Lý do từ chối điều chỉnh diện tích trên sổ hồng vì hiến đất không phù hợp với quy hoạch là chưa thỏa đáng vì người dân không thể tự hiến đất làm đường nếu như chính quyền địa phương không cho phép. Hơn nữa phần diện tích đất đã hiến cho Nhà nước để làm đường nếu chưa nằm trong kế hoạch sử dụng đất thì Nhà nước có toàn quyền xử lý, người khởi kiện không có ý kiến. Nhưng đối với diện tích còn lại phù hợp với quy hoạch thì phải giải quyết điều chỉnh diện tích sử dụng thực tế cho người dân.
Rút đơn kiện để làm theo hướng dẫn nhưng lại bị từ chối
Trong khi đó, tại tòa đại diện cho người bị kiện cho biết do người dân chưa làm đúng thủ tục hiến đất theo quy định tại khoản 3, Điều 79, Nghị định 43/2014 nên không để điều chỉnh thay đổi diện tích sổ hồng theo quy định.
Cụ thể, khoản 3 Điều 79 Nghị định 43/2014 quy định trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thì phải lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định.
Sau khi hoàn thành xây dựng công trình công cộng trên đất được tặng cho, VPĐKĐĐ căn cứ vào văn bản tặng cho quyền sử dụng đất đã được UBND cấp xã xác nhận và hiện trạng sử dụng đất để đo đạc, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thông báo cho người sử dụng đất nộp giấy chứng nhận đã cấp để xác nhận thay đổi.
Từ đó, đại diện người bị kiện cho biết người dân cần liên hệ UBND cấp xã để làm văn bản tặng cho, hiến đất theo đúng quy định và có xác nhận của UBND cấp xã thì VPĐKĐĐ sẽ giải quyết điều chỉnh lại diện tích đất trên sổ hồng.
Do người bị kiện đã đồng ý điều chỉnh sổ hồng nên người khởi kiện đã tự nguyện rút đơn khởi kiện ngay tại tòa để về làm thủ tục hiến đất tại UBND xã. Từ đó, HĐXX đã quyết định đình chỉ vụ án.
Sau khi kết thúc phiên tòa, phía người khởi kiện đã liên hệ với UBND xã để làm văn bản tặng cho, hiến đất cho Nhà nước theo đúng quy định nhưng cán bộ địa chính xã đã từ chối với lý do tuyến đường đã làm không có trong quy hoạch.
Thế nên, phía bà Thúy, bà Thư lại phải tiếp tục khiếu nại đối với hành vi nêu trên.
Người dân được quyền khởi kiện lại
Trong vụ án này, UBND xã được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (không có yêu cầu độc lập) nên căn cứ vào điểm b, khoản 1, Điều 143 Luật tố tụng hành chính thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Về hậu quả pháp lý của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sẽ có hai vấn đề. Thứ nhất là quyết định đình chỉ này có thể bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Thứ hai, căn cứ vào khoản 1, Điều 144 Luật tố tụng hành chính thì trong trường hợp này UBND xã không thực hiện xác nhận việc tặng cho đất thì, bà Thúy và bà Thư được quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án.
Luật sư Huỳnh Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM
HỮU ĐĂNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/hien-dat-mo-duong-roi-tran-ai-di-lam-lai-so-hong-post858944.html