Ông Bùi Hữu Tuấn đã hiến hơn 600 m² đất vườn sát Quốc lộ 1A để xây đền thờ 93 liệt sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh trong trận đánh đêm 26/5/1972 tại cầu Câu Nhi.
Nơi tưởng chừng bình yên ấy, hơn 50 năm trước là tọa độ lửa đạn, nơi 93 chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 anh dũng hy sinh trong trận đánh khốc liệt đêm 26/5/1972 dưới chân cầu Câu Nhi.
Giữa vùng đất thấm máu này, một người nông dân chân chất, ông Bùi Hữu Tuấn đã lặng lẽ gìn giữ ký ức bi hùng suốt hơn nửa thế kỷ, để rồi hiến tặng chính mảnh vườn của mình làm nơi dựng đền tưởng niệm. Nghĩa cử ấy như một ngọn lửa thiêng không tắt, thắp sáng ân tình, soi đường hậu thế.
Ký ức từ một tọa độ lửa đạn
Tháng 5/1972, cao điểm Chiến dịch Trị - Thiên, Quân Giải phóng mở đợt tổng công kích chiến lược vào vùng nam sông Thạch Hãn. Cầu Câu Nhi nằm trên trục Quốc lộ 1A giữ vị trí then chốt, án ngữ phòng tuyến Mỹ Chánh, là nút thắt quan trọng ngăn viện binh từ Huế của quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Đêm 26/5/1972, Trung đoàn 88 - đơn vị chủ lực của Sư đoàn 308 nhận lệnh tập kích đánh chiếm và phá hủy cây cầu chiến lược này. Nhưng khi vừa áp sát, đội hình bị lộ. Địch phản công với hỏa lực dồn dập từ mặt đất và không quân yểm trợ. Trận địa biến thành biển lửa. “Tiếng nổ vang rền. Một góc trời đỏ rực rồi im bặt. Hôm sau, lính Sài Gòn cho xe ủi san phẳng toàn bộ, chôn vùi các anh dưới hố sâu ngay dưới chân cầu… Không bia, không tên, không mộ chí”, ông Bùi Hữu Tuấn nghẹn giọng nhớ lại.
Trận đánh kết thúc, phần lớn chiến sĩ hy sinh tại chỗ. Những chàng trai mười tám đôi mươi, có người chưa kịp nổ súng, chưa kịp gọi tên đồng đội, đã hóa thân vào lòng đất trong đêm tối. Đơn vị gần như bị xóa khỏi bản đồ chiến trường, chỉ còn lại trong ký ức rời rạc của vài nhân chứng sống quanh vùng.
Trong quá trình làm vườn, ông Bùi Hữu Tuấn đã phát hiện 8 hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh trong trận đánh đêm 26/5/1972.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tuấn trở lại mảnh vườn xưa, nơi từng oằn mình dưới mưa bom bão đạn. Với lòng thành kính, ông cẩn trọng trong từng nhát cuốc. Bởi với ông, “dưới đất này là máu thịt của cha anh”.
Từ năm 1999 đến 2006, ông vừa cải tạo vườn, vừa thu gom bom mìn và dần dần phát hiện nhiều di vật như: Cúc áo, tăng dù, bi đông, thắt lưng, thậm chí là những mảnh xương người hòa vào đất. Có lần, ông tìm thấy một hài cốt vẫn còn tấm bản đồ giấy gói trước ngực, biểu tượng thiêng liêng của người lính ra trận. Ông báo chính quyền, phối hợp với lực lượng chức năng quy tập được 19 hài cốt, đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng. Qua giám định, tất cả đều là chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88, những người đã ngã xuống trong trận đánh đêm 26/5/1972. Đến nay, danh tính 83 trong số 93 liệt sĩ đã được xác định.
Hơn nửa thế kỷ thắp hương hồn liệt sĩ
Suốt hơn 50 năm, ông âm thầm gìn giữ khu vườn như gìn giữ một nghĩa trang không bia mộ. Tháng nào cũng thắp nhang, ngày rằm, mồng Một, lễ Tết không thiếu lần nào. Khi có hài cốt được tìm thấy, ông làm cơm cúng đủ ba ngày, như tiễn biệt người thân ruột thịt. Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi biết rõ khu vườn nhà mình là mảnh đất thiêng, nấm mồ chung của 93 liệt sĩ. Các anh mất không người thân bên cạnh, tôi thay mặt gia đình thờ phụng họ”.
Đầu năm 2025, câu chuyện về ông Tuấn lan truyền đến Ban liên lạc Công tác Chính sách Sư đoàn 308. Các cựu binh như ông Vũ Viết Nhĩ, Đỗ Duy Chính, Trần Ngọc Hiền đã tìm về chiến trường xưa. Khi tận mắt chứng kiến nơi đồng đội nằm lại và tấm lòng của lão nông 75 tuổi, họ không cầm được nước mắt.
Một lời kêu gọi xây dựng đền tưởng niệm được phát động. Không chút do dự, ông Tuấn hiến tặng chính mảnh đất vườn từng cuốc từng xới ấy nơi ông từng nhặt từng mảnh xương người để dựng đền thờ. “Các anh hy sinh cả tuổi xuân. Tôi hiến ít đất có đáng là bao!”, ông nói giản dị.
Tại Bia ghi tên liệt sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh trong trận đánh đêm 26/5/1972 tại cầu Câu Nhi, đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa xác định được hết danh tính.
Theo cựu chiến binh Vũ Viết Nhĩ, Trưởng Ban liên lạc Công tác Chính sách Sư đoàn 308, ban đầu chỉ dự kiến xây một ngôi mộ chung, dựng một tấm bia ghi tên liệt sĩ để tưởng niệm. Nhưng chỉ sau 42 ngày kết nối, hơn 600 triệu đồng được quyên góp từ các cựu binh, thân nhân liệt sĩ và các nhà hảo tâm ủng hộ. Một ngôi đền nhỏ khang trang được khởi công và hoàn thành trong vòng 24 ngày, nhanh như một lời tri ân không thể chờ đợi.
Ngày 27/4/2025, Lễ khánh thành Đền thờ Liệt sĩ Cầu Câu Nhi diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động. Hàng trăm người, thân nhân, cựu chiến binh và người dân đã về thắp hương. Đặc biệt, bốn chiến sĩ sống sót sau trận đánh năm 1972 trở lại chiến trường xưa. Họ bật khóc giữa đền thiêng, nghẹn ngào gọi tên đồng đội. “Các anh đã lấy máu mình nhuộm đỏ lá cờ Tổ quốc. Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ, các anh đã có chỗ để trở về, có hương khói, có bóng cờ Tổ quốc bay trên đầu…”, cựu chiến binh Vũ Viết Nhĩ xúc động nói.
Ông Tuấn đã gom từng nắm đất nơi tìm thấy hài cốt, đặt vào các bình sành tại đền thờ. Mỗi khi thân nhân liệt sĩ về viếng, ông trao tặng một nắm đất, như mang theo một phần máu thịt người thân trở về với quê mẹ.
“Đây là đất linh hồn. Mỗi hạt đất đều có hơi thở của các anh”, ông nói trong tiếng gió chiều trên cánh đồng Quảng Trị. Từ ngày có đền thờ, ông càng gắn bó với khu đất hơn. Mỗi ngày ông đều đặn quét dọn, thắp nhang, kể lại câu chuyện chiến trường năm xưa cho những ai tìm về. Không danh hiệu, không bằng khen, ông chỉ lặng thầm làm theo tiếng gọi của trái tim, lòng biết ơn. Nay đã 75 tuổi, ông chỉ nhẹ nhàng nói: “Tôi còn sức thì còn lo. Sau này khuất núi, con cháu tôi sẽ thay tôi gìn giữ nơi này”.
Ông Bùi Hữu Tuấn đã hiến hơn 600 m² đất vườn sát Quốc lộ 1A để xây đền thờ 93 liệt sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh trong trận đánh đêm 26/5/1972 tại cầu Câu Nhi.
Suốt hơn nửa thế kỷ, ông Bùi Hữu Tuấn không chỉ giữ một tọa độ lịch sử, mà còn gìn giữ linh hồn 93 người lính đã ngã xuống giữa đêm Câu Nhi. Nhờ ông, họ nay đã có nơi để trở về, có người gọi tên, có hương khói thắp lên mỗi tháng Bảy tri ân. Đền thờ Liệt sĩ Cầu Câu Nhi, một ngôi đền nhỏ giữa vùng đất lửa Quảng Trị nay đã trở thành địa chỉ đỏ, biểu tượng thiêng liêng của lòng biết ơn, sự hy sinh và tấm lòng son sắt của nhân dân với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Bài và ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)