'Hiến kế' để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững

'Hiến kế' để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
11 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Đàm Văn Huân phát biểu tại Tổ thảo luận số 2. Ảnh: Viết Thành
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu thảo luận tại tổ, đa số đại biểu HĐND thành phố bày tỏ ấn tượng với chỉ đạo điều hành bài bản, quyết liệt nhiều nội dung và có nhiều đổi mới sáng tạo của thành phố. Với những kết quả đã đạt được, các đại biểu bày tỏ kỳ vọng Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Đại biểu Đàm Văn Huân (Tổ thảo luận số 2) cho rằng, tốc độ phát triển của Hà Nội tuy đã đạt 7,63% (cả nước ước đạt 7,52%) nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Đại biểu nhấn mạnh cần đánh giá ảnh hưởng thuế quan tác động đến Hà Nội và các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn; tỷ lệ lạm phát trong thời gian qua.
“Đặc biệt, báo cáo đã nêu trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội có 13.927 doanh nghiệp gia nhập thị trường nhưng số giải thể lên đến 24.132 doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp giải thể gần gấp đôi số doanh nghiệp tham gia thị trường. Thành phố cần so sánh và phân tích cụ thể, bởi đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến GRDP và phản ánh sức khỏe của nền kinh tế”, đại biểu Tổ Thanh Xuân chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ thảo luận số 4) cho rằng, nếu khơi nguồn được sự phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Hà Nội có thể tăng trưởng cao, không chỉ 8%, mà còn hơn nhiều lần hiện nay. Để làm được điều đó, Hà Nội cần có giải pháp đột phá để thúc đẩy lĩnh vực này, có thể thành lập một quỹ phát triển theo mô hình của thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), trong đó nhà nước đóng góp 48%, còn lại là xã hội hóa. Quỹ này tìm kiếm, phát hiện và nuôi dưỡng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, hoặc nếu Hà Nội không theo đuổi mục tiêu này, có thể tập trung nuôi dưỡng các "kỳ lân" công nghệ.
Đại biểu Lan Hương cũng cho rằng, thành phố nên đặt ra mục tiêu phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành nơi đủ sức hấp dẫn để những người giỏi nhất thế giới sẵn lòng về đây làm việc. Ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu phát triển thương mại văn hóa, Hà Nội còn nhiều dư địa phát triển các mô hình khác để tận dụng lợi thế là trung tâm khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương đề nghị, thành phố quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, trước hết là tăng cường chuyển đổi số, chính phủ điện tử, xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thực sự thông thoáng, tạo niềm tin, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu ứng dụng những mô hình mới, mô hình hay vào hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, nhất là “cơn bão” thuế quan…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại Tổ thảo luận số 2. Ảnh: TT
Phát biểu tại tổ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn (Tổ thảo luận số 2) cho biết, trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng tối thiểu 8%, các năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số.
“Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu này, chúng ta phải cố gắng phấn đấu, tạo đà, sức bật để từ năm 2026 đạt tăng trưởng 2 con số. Trong đó, phải tập trung mạnh mẽ, quyết liệt, triển khai hiệu quả đầu tư công, đầu tư tư, tập trung đầu tư phát triển đô thị…”, đại biểu Dương Đức Tuấn nói.
Quang cảnh tại Tổ thảo luận số 3. Ảnh: Viết Thành
Huy động nguồn lực từ quy hoạch
Đối với công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai (Tổ thảo luận số 3) nhận định, đây là nội dung quan trọng, đặc biệt sau khi thành phố vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Hiện nay, Luật Quy hoạch cũng đang trong quá trình được xem xét sửa đổi, bổ sung. Thay vì chỉ sửa đổi một vài điều, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất sẽ rà soát, sửa đổi một cách toàn diện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và dự kiến sẽ trình tại kỳ họp Quốc hội cuối năm.
Đại biểu cho rằng, Hà Nội lợi thế khi có quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch điều chỉnh chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Đây là bộ khung xương sống cho sự phát triển của thành phố. Vấn đề cốt lõi hiện nay là việc tổ chức thực hiện, rà soát và đưa các quy hoạch này vào cuộc sống. Cần công khai, minh bạch từng khu vực, đồng thời phải có kế hoạch triển khai cụ thể theo từng giai đoạn, tránh tình trạng "quy hoạch treo" kéo dài gây bức xúc cho người dân…”, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.
Đại biểu Lê Anh Quân (Tổ thảo luận số 4) nhìn nhận, chính quyền cấp xã mới với khối lượng công việc lớn, đội ngũ còn chưa đồng đều, số lượng người như hiện nay chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới. Nên thành phố cần hỗ trợ, trước hết là cung cấp nguồn lực tương xứng với công việc.
Đại biểu Lê Anh Quân phát biểu thảo luận. Ảnh: Viết Thành
Ngoài ra, để cấp xã có thể huy động được nguồn lực, đại biểu Lê Anh Quân đề nghị thành phố cần làm ngay quy hoạch các xã, phường mới, trước hết là quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 hoặc 1/10.000, bởi không có quy hoạch sẽ khó huy động nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Tổ thảo luận số 1) đề nghị, thành phố lưu ý công tác quy hoạch để phù hợp với giai đoạn mới. Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch lỗi thời gây ùn tắc giao thông cho Hà Nội, cần điều chỉnh đường hướng tâm, các vành đai sang quy hoạch ô bàn cờ để giao thông của Thủ đô giảm thiểu ùn tắc. Thời gian tới, thành phố cần nhấn mạnh quy hoạch, đặc biệt quy hoạch tuyến đường hai bên sông Hồng làm trục trung tâm.
Về không gian ngầm, theo danh mục tuyến đường, có 8 tuyến đường sắt đô thị đầu tư theo không gian ngầm, đại biểu Nguyễn Tiến Minh đề nghị, UBND thành phố giao Sở Xây dựng nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tuyến theo không gian ngầm.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền (Tổ thảo luận số 1), các địa bàn phải định hình vị trí vùng phát triển về đô thị, dịch vụ, nông nghiệp... để có kế hoạch phát triển trong 5 năm tới.
“Nhiều công việc chính quyền cấp xã, phường phải thực hiện, nhiệm vụ nặng nề, nhất là về giải phóng mặt bằng các dự án lớn, dự án trọng điểm, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ nhanh. Chính quyền gần dân, sát dân, phân cấp phân quyền toàn bộ, vì thế lãnh đạo địa bàn cần quyết liệt triển khai thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, cần bảo đảm ba tiêu chí: Phòng, chống lụt bão; giải quyết vấn đề nâng tải trọng giao thông; chỉnh trang đô thị.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Tổ thảo luận số 2). Ảnh: TT
Giải pháp cho các vấn đề “nóng”
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Tổ thảo luận số 2) cho rằng, chống hàng giả, hàng nhái đang thực sự là “cuộc chiến” khi nhiều thông tin về chính sách người dân không nắm rõ. Bên cạnh đó là vấn đề lợi dụng người nổi tiếng quảng cáo, buôn bán trên không gian mạng không đạt tiêu chuẩn… gây ảnh hưởng lớn đến người dân. Do đó, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, đặc biệt liên quan đến sức khỏe người dân càng phải làm quyết liệt, tránh hiểu nhầm dẫn đến hiện tượng các tiểu thương đóng cửa hàng loạt như vừa qua, để các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, bảo đảm đời sống người dân.
Để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái, đại biểu Phùng Tân Nhị (Tổ thảo luận số 2) cho rằng, một trong những biện pháp là phải tăng cường sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu cho các vùng sản xuất, làng nghề của Hà Nội; tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa bảo đảm chất lượng trên thị trường.
Thảo luận tại tổ số 5, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, sau khi thành phố quyết tâm dẹp hàng giả, hàng nhái trên phạm vi toàn thành phố, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh đã tạm dừng hoạt động. Song việc này cần phải đánh giá thực chất, các cá nhân tạm dừng kinh doanh để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng chứ không phải né thuế hay do các chính sách mới về thuế.
“Việc chống hàng giả, hàng nhái là cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, nên cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Viết Thành
Về vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, sắp tới thành phố có nhiều sự kiện lớn, quan trọng, do đó các phường, xã cần quan tâm hơn tới việc làm xanh, sạch môi trường, bảo đảm an ninh trật tự để chào đón các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước.
Cho biết đã xảy ra thực trạng lợi dụng thời điểm các địa phương thực hiện sắp xếp theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhiều nơi đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị, các địa phương cần có giải pháp xử lý theo hướng đấu thầu diện tích vỉa hè được phép kinh doanh với quy hoạch rõ ràng để bảo đảm việc sử dụng ổn định, hiệu quả, bảo đảm mỹ quan đô thị.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Chu Hồng Minh (Tổ thảo luận số 2) cho rằng, thành phố cần quan tâm đến chỉnh trang đô thị. Vấn đề này thành phố đã có chuyển biến rõ nhưng cần đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm 2025.
Lấy ví dụ từ phường Hai Bà Trưng, đại biểu Chu Hồng Minh cho biết, trên địa bàn phường có khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã thực hiện cải tạo một phần nhưng một phần chưa thực hiện được, do đó cần tiếp tục công tác này để tránh tồn đọng. Đại biểu nhấn mạnh, đô thị có xanh, sạch, đẹp thì Thủ đô mới văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, thành phố cần mạnh dạn đi đầu cả nước về phạt nặng hành vi xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, đề xuất áp dụng hình thức phạt nặng để Thủ đô là nơi đáng sống.
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cũng bày tỏ tán thành việc HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, thông qua một số nghị quyết về phát triển văn hóa, hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh.
Nhóm phóng viên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/hien-ke-de-thu-do-ha-noi-phat-trien-nhanh-ben-vung-708441.html