Hiến kế quy hoạch TP.HCM mới sau sáp nhập

Hiến kế quy hoạch TP.HCM mới sau sáp nhập
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 1-7-2025, một dấu mốc lịch sử đã chính thức được xác lập: TP.HCM, trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước đã mở rộng địa giới, vượt ra khỏi những ranh giới cũ để cùng sáp nhập với toàn bộ tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo nên một siêu đô thị chưa từng có.
Không còn là viễn cảnh, không còn là ý tưởng, TP.HCM hôm nay đã trở thành một thực thể hoàn toàn mới, một đại đô thị với diện tích hơn 6.722 km², dân số vượt ngưỡng 14 triệu người.
Ba bản quy hoạch, ba "cá tính" phát triển giờ đây phải cùng nhau "hòa tấu" trong một bản nhạc duy nhất. Thách thức đặt ra không nhỏ nhưng cơ hội thì cũng chưa từng lớn đến thế.
3 địa phương, 3 bản sắc, 3 thế mạnh
Sự hình thành của siêu đô thị TP.HCM mới sẽ là kết quả của việc kết nối ba bản quy hoạch đã được xây dựng riêng biệt tại TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi địa phương đều có hướng phát triển riêng biệt, được thiết kế trên nền tảng đặc thù về địa lý, kinh tế và lợi thế cạnh tranh, tạo nên ba trục phát triển rõ ràng và ổn định.
Khi ba trục này hợp nhất thành một tổng thể, thách thức lớn nhất không nằm ở việc tiếp tục duy trì những gì đã có, mà là cần kiến tạo một hệ thống quy hoạch cấp vùng thống nhất, xuyên suốt và tránh mâu thuẫn. Điều này đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý mới cùng với chiến lược quy hoạch tích hợp, đủ sức xác định rõ vai trò của từng khu vực động lực, sắp xếp không gian phát triển một cách hài hòa.
Việc đối chiếu, phân tích và đánh giá ba đồ án quy hoạch hiện hành là bước đi không thể thiếu. Đây chính là cơ sở để tìm ra những điểm tương đồng, nhận diện sự khác biệt, từ đó hình thành một bản quy hoạch thống nhất, toàn diện cho TP.HCM mới, không chỉ về mặt hành chính, mà cả về chiến lược phát triển dài hạn.
TP.HCM khát vọng trở thành trung tâm tài chính - kinh tế quốc tế. Ảnh: Thuận Văn
Theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện nay, các quy hoạch tỉnh của 3 địa phương thuộc TP.HCM mới đã được phê duyệt.
Cụ thể, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM xác lập khát vọng trở thành trung tâm tài chính - kinh tế quốc tế, nơi khởi nguồn của đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và chuyển đổi số. Thành phố hướng đến mô hình đa trung tâm, kết nối bằng vành đai 3, vành đai 4 và trục xuyên tâm dọc theo sông Sài Gòn - không gian mở ra biển.
Theo quy hoạch, Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành TP thông minh hàng đầu khu vực Đông Nam bộ. Ảnh: Lê Ánh
Khác với TP.HCM, Bình Dương xây dựng chiến lược dựa trên công nghiệp công nghệ cao và đô thị thông minh. Quy hoạch tỉnh xác định tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu trở thành thành phố thông minh hàng đầu khu vực Đông Nam Bộ với trọng tâm là các đô thị lõi như Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một. Tỉnh này tận dụng triệt để quỹ đất công nghiệp rộng lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, trở thành vệ tinh công nghiệp thông minh kết nối chặt chẽ với TP.HCM.
Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển mạnh logistics, kinh tế biển và du lịch... Ảnh: Trùng Khánh
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu lại lựa chọn một con đường rất riêng: phát triển mạnh logistics, kinh tế biển và du lịch, với trọng tâm là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Tỉnh cũng đẩy mạnh năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh ven biển và định hướng phát triển theo không gian mở dọc theo bờ biển, hướng về ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Khẩn trương lập Quy hoạch TP.HCM mới trên nền tảng 3 quy hoạch cũ
Trong bối cảnh tái cấu trúc hành chính, không gian của vùng đô thị phía Nam, việc xây dựng một bản quy hoạch tổng thể cho TP.HCM mới trở nên hết sức cấp bách. Bản quy hoạch này không chỉ là bước đi kỹ thuật mà còn là nền móng chiến lược để định hình một đô thị siêu lớn, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng và vươn lên thành một “thành phố toàn cầu” đúng nghĩa.
"Để bảo đảm tính liên tục trong phát triển, tránh các lỗ hổng pháp lý làm gián đoạn dòng chảy đầu tư, sản xuất và vận hành kinh tế - xã hội, toàn bộ nội dung quy hoạch đã được phê duyệt của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi hợp nhất cần được rà soát, chắt lọc và tích hợp một cách có hệ thống vào quy hoạch TP.HCM mới cho giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050" - Viện nghiên cứu phát triển đề xuất.
TP.HCM mới cần một bản quy hoạch định hình một siêu đô thị. Ảnh: Nguyễn Tiến
Việc hợp nhất TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không đơn thuần là cộng gộp ba đơn vị hành chính, mà là một "phép nhân chiến lược" tạo ra giá trị bứt phá về quy mô, vị thế và năng lực cạnh tranh mà không phải nơi nào cũng có được. Nếu biết cách kích hoạt đúng những vùng động lực, TP.HCM mới sẽ trở thành một đại đô thị hội tụ sức mạnh đa trung tâm, đủ tầm ảnh hưởng khu vực và châu lục.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng không chỉ là gộp ba địa phương mà là tái định hình tư duy phát triển, phải đánh giá lại toàn diện lợi thế từng vùng, tổ chức lại không gian đô thị, hạ tầng kết nối và các trục động lực kinh tế để tránh xung đột quy hoạch và lãng phí nguồn lực.
Quy hoạch TP.HCM mới cần thống nhất trên nền tảng cũ nhưng tôn trọng bản sắc khu vực. Ảnh: Nguyễn Tiến
Hiện nay, cả ba địa phương đều đã có quy hoạch tương đối dài hạn, tầm nhìn rõ ràng và đang phát huy tiềm năng riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh sáp nhập, một thách thức lớn đặt ra là làm thế nào để "thổi hồn" vào một tầm nhìn quy hoạch chung, thống nhất nhưng vẫn tôn trọng bản sắc từng khu vực, đồng thời phát huy hiệu quả tổng hợp của toàn bộ hệ sinh thái kinh tế - xã hội liên vùng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế chỉ ra, riêng lĩnh vực công nghiệp cũng cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo.
Bình Dương hiện đã định hình vành đai công nghiệp - dịch vụ rộng tới 24.000 ha; Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu 16.000 ha đất công nghiệp với hệ thống logistics biển tốt bậc nhất cả nước. Trong khi đó, TP.HCM chỉ mới triển khai khoảng 4.000 ha trong tổng số 8.000 ha quy hoạch công nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục duy trì quy hoạch cũ hay tái cơ cấu đất công nghiệp để tránh dàn trải và trùng lắp? Rõ ràng cần một chiến lược bố trí lại không gian sản xuất công nghiệp trên toàn vùng, với tầm nhìn liên thông thay vì phân mảnh.
Quy hoạch TP.HCM mới là cơ hội tái thiết đô thị. Ảnh: Nguyễn Tiến
Theo KTS Nguyễn Đình Hòa, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, việc hợp nhất lần này không chỉ là một quyết định mang tính hành chính, mà là bước ngoặt chiến lược, mở ra “cửa sổ cơ hội vàng” để kiến tạo một siêu đô thị hiện đại, năng động và có sức bật toàn cầu.
Tuy nhiên, để giấc mơ đô thị khổng lồ ấy không chỉ dừng lại ở tầm nhìn, TP.HCM mới buộc phải vượt qua những điểm nghẽn lịch sử, đồng thời chủ động tháo gỡ những thách thức mới, từ quy hoạch, quản trị, đến nguồn lực và đặc biệt là bài toán liên kết hạ tầng chưa từng có tiền lệ.
Một đô thị hợp nhất không thể vận hành bằng tư duy cũ. TP.HCM mới cần một bản quy hoạch tổng thể có chiều sâu chiến lược nhưng cũng đủ chi tiết để hiện thực hóa trong từng cấu phần, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng. Đó phải là một bản quy hoạch có tính tích hợp cao, nơi các trung tâm đô thị, các cực phát triển và vùng đệm kết nối với nhau như một cỗ máy thống nhất, thay vì tình trạng mạnh ai nấy làm như trước đây.
Xây dựng hệ thống giao thông liên vùng đồng bộ
Điểm sáng lớn nhất trong cuộc đại hợp nhất này chính là cơ hội để tái thiết toàn bộ hệ thống giao thông liên vùng, một hệ thống đồng bộ, liên hoàn và không còn rào cản hành chính. Những tuyến cao tốc, đường vành đai, mạng lưới đường sắt đô thị, đường thủy nội địa... tất cả có thể được quy hoạch lại một cách liền mạch, tạo nên mạng lưới di chuyển hiệu quả và thông suốt, từ đô thị lõi đến các trung tâm sản xuất, logistics, cảng biển và sân bay quốc tế.
Tuy vậy, KTS Hòa cũng cảnh báo rằng việc mở rộng không gian đô thị về đa cực là cách hữu hiệu để giảm áp lực dân cư, giao thông và tài nguyên lên khu vực trung tâm TP.HCM hiện tại. Để điều này thực sự hiệu quả, cần một chiến lược quy hoạch tái phân bố dân cư và cơ cấu kinh tế hợp lý. Bởi lẽ, sự khác biệt lớn giữa ba địa phương về hạ tầng hiện hữu, tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng phát triển sẽ đặt ra bài toán tích hợp phức tạp, không chỉ về mặt kỹ thuật, mà còn là thách thức lớn về tài chính và năng lực điều phối vĩ mô.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/hien-ke-quy-hoach-tphcm-moi-sau-sap-nhap-post858147.html