Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Hiện thực hóa 4 quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước
6 giờ trướcBài gốc
Vai trò quan trọng của 4 quy hoạch ngành quốc gia
4 quy hoạch ngành quốc gia quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương đã được Chính phủ phê duyệt bao gồm: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023); Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia (Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023); Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia (Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023) và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản (Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023).
Hiện thực hóa quy hoạch ngành quốc gia: Khơi thông nguồn lực phát triển đất nước. Ảnh minh họa
Theo ThS. Nguyễn Thị Trà Giang - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương: Những quy hoạch này không chỉ xác định chiến lược dài hạn trong quản lý và phát triển năng lượng, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả mà còn kèm theo các kế hoạch hành động cụ thể, giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tối ưu hóa nguồn tài nguyên khoáng sản nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Các kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch trên được phê duyệt trong Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 25/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản là những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và cơ sở hạ tầng năng lượng quốc gia.
Những quyết định này đề ra các nhiệm vụ cụ thể để phát triển hạ tầng điện lực, khai thác tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời nâng cao năng lực dự trữ và cung ứng xăng dầu, khí đốt trong cả nước. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hiện thực hóa hiệu quả các kế hoạch sẽ góp phần chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.
Tiến độ triển khai thực hiện các kế hoạch
Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điện lực, năng lượng là lĩnh vực có chi phí đầu tư lớn, thời gian triển khai dài và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó nếu không có sự quản lý tốt sẽ gây lãng phí trong quá trình triển khai quy hoạch, từ vấn đề tài chính, đến chuyển đổi năng lượng không tối ưu, tác động đến môi trường…
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2152/BCT-ĐL ngày 02/4/2024 và Văn bản số 2588/BCT-ĐL ngày 17/4/2024 đề nghị các địa phương phối hợp cung cấp thông tin, số liệu bổ sung để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Căn cứ vào văn bản báo cáo đề xuất của các địa phương, Bộ Công Thương đã tổng hợp, đánh giá và thẩm tra danh mục các dự án để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Văn bản số 8044/VPCP-CN ngày 02/11/2024, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 9041/BCT-ĐL ngày 09/11/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương đã có Văn bản số 9861/BCT-ĐL ngày 04/12/2024 đề nghị các Bộ, ngành cử người tham gia Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và Văn bản số 9991/BCT-ĐL ngày 09/12/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, cùng nhiều các hoạt động khác.
Hiện nay, Luật Điện lực sửa đổi đã được thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/2/2025. Luật Điện lực sửa đổi có 1 chương về điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo trong đó có 1 mục quy định về phát triển điện gió ngoài khơi. Cục Điện lực đang xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của luật điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới…
Để đẩy nhanh thực hiện quy hoạch, các giải pháp được đưa ra là: Xây dựng các cơ chế tài chính linh hoạt để thu hút vốn từ nhiều nguồn khác nhau; đơn giản hóa và công khai minh bạch các thủ tục hành chính liên quan đến những dự án điện; phát triển đồng bộ các nguồn điện từ nhiệt điện khí, LNG, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và pin lưu trữ; đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng lưới điện; điều chỉnh quy hoạch kịp thời khi có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng điện, công nghệ hoặc thị trường năng lượng quốc tế…
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các văn bản pháp lý và chính sách cần được rà soát, sửa đổi và bổ sung, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư và phát triển hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt.
Bên cạnh đó, các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn và bảo vệ môi trường đối với các công trình xăng dầu, khí đốt cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tế và các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy.
Đồng thời cần có sự cân đối ngân sách nhà nước hợp lý; đẩy mạnh việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ ngân hàng, tín dụng xuất khẩu đến phát hành trái phiếu. Việc tái cấu trúc vốn và xử lý các doanh nghiệp thua lỗ trong ngành xăng dầu, dầu khí nhà nước sẽ giúp tập trung nguồn lực cho các dự án có hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; phát triển hạ tầng và các dự án chiến lược; cải thiện mạng lưới phân phối và bán lẻ; điều chỉnh quy hoạch một cách phù hợp với tình hình thực tế.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Giải pháp công nghệ và quản lý hiệu quả được đề xuất là ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản, như sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và tài nguyên không chỉ giúp nâng cao hiệu quả khai thác mà còn giảm thiểu tổn thất và lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Cùng với đó là các giải pháp nâng cao công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, như việc thống kê đầy đủ và công khai các số liệu khai thác, chế biến và tổn thất tài nguyên, giúp cải thiện quá trình quản lý, giảm thiểu việc khai thác không hiệu quả; chính sách tài chính hợp lý. Việc này không chỉ giúp tăng trưởng bền vững mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào việc khai thác và chế biến khoáng sản theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Để đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo ThS. Nguyễn Thị Trà Giang, Bộ Công Thương có thể triển khai một số hoạt động cụ thể như:
Tăng cường nghiên cứu và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ: Tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là các chính sách liên quan đến khai thác và chế biến khoáng sản chiến lược, như bô-xít, titan, đất hiếm, niken… Đảm bảo rằng chính sách pháp luật hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc phát triển dự án khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản…
Phát triển các dự án chế biến khoáng sản có giá trị gia tăng cao: Khuyến khích đầu tư vào các dự án chế biến khoáng sản có giá trị gia tăng cao như chế biến bô-xít thành alumin, sản xuất Pigment (Đioxit titan), tinh luyện kim loại màu và chế biến hợp chất niken. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại để giảm thiểu tác động môi trường...
Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành khác và UBND các tỉnh trong việc cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công nhân trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản để đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại, đồng thời đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới trong khai thác và chế biến khoáng sản để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai thông tin…
Tâm An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hien-thuc-hoa-4-quy-hoach-nganh-quoc-gia-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-dat-nuoc-365561.html