Hiện thực hóa di nguyện của Người

Hiện thực hóa di nguyện của Người
6 giờ trướcBài gốc
“Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” - di nguyện giản dị mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị sau bao năm Người đi xa. Và điều này đang được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh cụ thể hóa bằng những chủ trương về an sinh xã hội kịp thời, nhân văn. Mỗi mái nhà mới được xây lên, mỗi phận đời được nâng đỡ là một bước đi vững chắc trong hành trình đưa tư tưởng nhân văn của Người vào cuộc sống hôm nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán trong quan điểm chỉ đạo về công tác chăm lo cho đời sống của Nhân dân, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Chính phủ. Người nhấn mạnh, phải thực hiện được 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành.
Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh luôn xác định “không để ai bị bỏ lại phía sau” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trở thành hành động thực tiễn, thường xuyên và xuyên suốt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó, chăm lo nhà ở kiên cố cho người nghèo, người có công, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai là nhiệm vụ chính trị ưu tiên được thực hiện.
........................
HÀ TĨNH ĐẶT MỤC TIÊU HOÀN THÀNH VIỆC XÓA 2.290 CĂN NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT VỚI TỔNG KINH PHÍ XÂY DỰNG HƠN 121 TỶ ĐỒNG CHO 1.410 HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO, 880 GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH VÀO NGÀY 19/5/2025 - TRƯỚC 5 THÁNG SO VỚI MỐC THỜI GIAN CHUNG CỦA CẢ NƯỚC.
Tháng 10/2024, khi chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát được Đảng và Nhà nước triển khai, Hà Tĩnh đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, kịp thời tiến hành những bước đi khẩn trương, bài bản, linh hoạt để sớm đảm bảo chốn an cư cho người nghèo. Dù triển khai chương trình trong bối cảnh thực hiện cùng lúc các chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh vẫn đặt mục tiêu hoàn thành việc xóa 2.290 căn nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí xây dựng hơn 121 tỷ đồng cho 1.410 hộ nghèo, cận nghèo, 880 gia đình chính sách vào ngày 19/5/2025 - trước 5 tháng so với mốc thời gian chung của cả nước. Điều đó cho thấy trách nhiệm và quyết tâm chính trị lớn và cũng là minh chứng rõ nét cho việc Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh nỗ lực làm theo lời dạy của Bác Hồ về việc chăm lo đời sống cho Nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải điều hành điểm cầu Hà Tĩnh tại một phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: Thu Hà.
Quá trình triển khai bộn bề khó khăn nhưng chính trong hoàn cảnh đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo từ các địa phương, cơ sở, trở thành động lực thi đua cho hệ thống chính trị toàn tỉnh. Đó là sự linh hoạt trong huy động nguồn lực cho chương trình; là chủ trương phân công 10 đơn vị chủ trì và 41 đơn vị phối hợp đỡ đầu 10 địa phương cấp huyện trong quá trình triển khai, là những mô hình hay như thành lập “Đội xây dựng không đồng”, “Tổ thợ nề cựu chiến binh”, “Đội thanh niên tình nguyện xóa nhà tạm”; tổ giám sát của mặt trận các cấp… Từ những cách làm, mô hình sáng tạo đó, toàn tỉnh đã huy động được hơn 230 tỷ đồng; các tầng lớp nhân dân ủng hộ gần 112.000 ngày công để hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình.
“Tổ thợ nề cựu chiến binh” xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) tích cực hỗ trợ làm nhà mới cho các hộ khó khăn, chính sách trên địa bàn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập 4 tổ thợ nề hỗ trợ các xã vùng biên giới xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với các đơn vị khác đỡ đầu tại 2 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên.
............................
ĐẾN NAY, 2.290 CĂN NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN TỈNH ĐÃ ĐƯỢC HOÀN THÀNH ĐÚNG TIẾN ĐỘ, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, MANG NIỀM VUI AN CƯ ĐẾN CHO NHỮNG GIA ĐÌNH NGHÈO.
Chỉ sau hơn nửa năm triển khai (tháng 11/2024 - 5/2025), đến nay, 2.290 căn nhà trên địa bàn toàn tỉnh đã được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mang niềm vui an cư đến cho những hộ nghèo, hộ người có công. Đây là một món quà tinh thần lớn lao, ý nghĩa dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người.
Trong căn nhà mới 80m2 vừa được khánh thành, bà Trần Thị Thanh (SN 1975) - một hộ nghèo đơn thân ở thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long (Thạch Hà) đang tất bật dọn dẹp, sửa soạn những vật dụng thiết yếu để bắt đầu một cuộc sống mới. Bà Thanh xúc động chia sẻ: “Kinh phí xây dựng nhà hết 140 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng, xã hỗ trợ thêm 4 triệu đồng; số tiền còn lại, bà con lối xóm, anh em họ hàng và con em xa quê ủng hộ. Xây nhà mới mà gia chủ không phải bỏ một đồng nào - nói ra có lẽ nhiều người không tin nhưng với tôi thì đúng là như vậy. Căn nhà này không chỉ được xây bằng tiền mà còn bằng tình cảm, sự đùm bọc, sẻ chia của Nhà nước, anh em, bà con láng giềng và cộng đồng xã hội. Tôi thực sự biết ơn vô cùng!”.
Bà Trần Thị Thanh tất bật dọn dẹp, sửa soạn bên căn nhà mới được khánh thành.
Kết quả từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng chính là sự đúc kết, phát huy sáng tạo bài học, kinh nghiệm từ các chương trình xây dựng nhà ở mà Hà Tĩnh đã triển khai trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2020-2025, Hà Tĩnh đã thực hiện xây dựng hơn 11.700 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng, hộ bị thiệt hại do thiên tai; 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ với tổng kinh phí thực hiện hơn 995 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm cùng các đại biểu tham gia nghi thức gắn biển công trình xóa nhà tạm cho gia đình bà Nguyễn Thị Thành (thôn 5, xã Hà Linh, huyện Hương Khê). Ảnh: Dương Chiến
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Hà Tĩnh đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm đúng tiến độ, mang đến niềm vui an cư cho hàng nghìn hộ gia đình. Ảnh: Đình Nhất
Từ miền núi đến đồng bằng, miền biển, những mái nhà kiên cố đã mọc lên trên khắp các miền quê Hà Tĩnh. Mỗi căn nhà được xây lên không chỉ bằng vôi vữa, gạch, ngói mà bằng nghĩa Đảng, tình dân, bằng sự tương thân tương ái của cả cộng đồng, trở thành điểm tựa, khởi đầu mới cho những con người yếu thế trong xã hội. Chăm lo chốn an cư chính là tiền đề để người dân vững tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như Bác Hồ hằng mong ước.
“Ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Ai cũng được học hành…” - “ham muốn tột bậc” đó của Bác giản dị mà thật sâu sắc bởi nó chính là những nhu cầu căn bản nhất của con người. Thấm nhuần tư tưởng nhân văn đó, bên cạnh chăm lo chốn an cư cho người nghèo, Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, ý nghĩa hướng đến người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế trong xã hội.
Hội Chữ thập đỏ trao mô hình sinh kế cho người nghèo.
Ngoài hệ thống chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách đặc thù về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội nhằm mở rộng đối tượng, nâng cao khả năng tiếp cận chính sách của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế như: Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND, Nghị quyết số 106/2023/NQ-HĐND, Nghị quyết số 134/2024/NQ-HĐND… Các chính sách đó đã từng bước hoàn thiện, thống nhất và bao phủ đến tất cả đối tượng khó khăn, yếu thế, giúp họ có thêm nguồn lực để vươn lên, ổn định cuộc sống.
.............................
TỪ NĂM 2021 ĐẾN NAY, ỦY BAN MTTQ VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN CÁC CẤP ĐÃ TÍCH CỰC HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC HỖ TRỢ 7.860 MÔ HÌNH SINH KẾ GIẢM NGHÈO VỚI TỔNG KINH PHÍ 20,4 TỶ ĐỒNG CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO, HỘ CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN TỈNH.
Cùng với đó, các cấp, ngành cũng quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ sinh kế để tạo điểm tựa, động lực cho người dân thoát nghèo bền vững. Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai, hưởng ứng tích cực trong các địa phương, ban, ngành, đoàn thể. Từ năm 2021 đến nay, ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ 7.860 mô hình sinh kế giảm nghèo với tổng kinh phí 20,4 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh hỗ trợ mô hình sinh kế cho người nghèo huyện Thạch Hà.
Thay đổi căn bản cuộc sống gia đình từ nguồn hỗ trợ sinh kế của hội phụ nữ các cấp, bà Phan Thị Hạnh (SN 1964 - xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) vui mừng chia sẻ: “Từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi nhiều lần được hỗ trợ gà giống và bò sinh sản. Từ các mô hình sinh kế này, tôi đã phát triển được kinh tế gia đình, có điều kiện nuôi các con ăn học và dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp trao hàng nghìn mô hình sinh kế, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Khi đã “làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở”, thì một nhiệm vụ không kém phần quan trọng mà Bác Hồ từng căn dặn là phải “làm cho dân có học hành”. Thực hiện lời dạy đó của Bác, Hà Tĩnh đã luôn chú trọng đầu tư cho công tác khuyến học, khuyến tài, triển khai phong trào xây dựng xã hội học tập sâu rộng và hiệu quả trong toàn tỉnh.
Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học”. Từ năm 2021 đến nay, quỹ đã nhận được sự tài trợ của hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân với số tiền hơn 42,5 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội, hằng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách 2 tỷ đồng để tạo nguồn quỹ hoạt động. Chính sách nhân văn này đang tiếp sức cho hàng trăm sinh viên đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh được đến giảng đường đại học.
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh và huyện Thạch Hà trao học bổng cho các tân sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn đậu điểm cao vào đại học năm 2024. Ảnh tư liệu
Ông Đoàn Đình Anh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: “Nguồn quỹ được vận hành trong những năm qua không chỉ giải quyết được gánh nặng chi phí học tập, sinh hoạt cho sinh viên mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp các em có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu học tập đạt kết quả tốt nhất”.
.......................
ĐẾN CUỐI NĂM 2024, TỶ LỆ HỘ NGHÈO CÒN 2,4% (GIẢM 0,61% SO VỚI CUỐI NĂM 2023); TỶ LỆ HỘ CẬN NGHÈO 3,04% (GIẢM 0,33% SO VỚI CUỐI NĂM 2023).
Từ những chủ trương phát triển KT-XH đúng đắn và những quyết sách kịp thời, nhân văn trên lĩnh vực an sinh xã hội, công tác giảm nghèo ở Hà Tĩnh đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4% (giảm 0,61% so với cuối năm 2023); tỷ lệ hộ cận nghèo 3,04% (giảm 0,33% so với cuối năm 2023). Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân khẳng định: “An sinh xã hội ở Hà Tĩnh không còn là những chủ trương mang tính hành chính hay những con số khô khan mà hiện hữu trong cuộc sống của từng người dân, từng gia đình. Những chính sách ấy được thực hiện bằng tâm huyết và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng nghìn người dân vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Có thể nói, di sản lớn nhất mà Bác Hồ để lại cho muôn đời là lý tưởng sống vì con người. Và hôm nay, lý tưởng ấy đang được toàn Đảng, toàn dân nói chung, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh nói riêng hiện thực hóa bằng các chương trình an sinh xã hội thiết thực, kịp thời và đầy tính nhân văn.
NỘI DUNG: KIỀU MINH
ẢNH: KIỀU MINH - P.V
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
Kiều Minh
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/hien-thuc-hoa-di-nguyen-cua-nguoi-post288041.html