Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Hiện thực hóa giấc mơ an cư
9 giờ trướcBài gốc
Đồng bộ các giải pháp
Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang chủ trì xây dựng với mục tiêu xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Để hoàn thành mục tiêu Đề án, MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Đề án trên địa bàn; phối hợp với chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực thực hiện làm nhà ở cho hộ nghèo.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Đề án, các địa phương trong tỉnh gặp không ít khó khăn, do nguồn lực còn hạn chế, một số hộ nghèo không có kinh phí đối ứng, hộ nghèo thiếu đất ở... Trước những khó khăn, tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, linh hoạt đồng bộ các giải pháp, như: lãnh đạo, người đứng đầu các cấp các ngành chỉ đạo sâu sát; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, hỗ trợ nguyên liệu, ngày công; lồng ghép từ nguồn vốn các dự án để hỗ trợ người dân; vận động anh em họ hàng hỗ trợ hộ nghèo.
Niềm vui của gia đình ông Hoàng Văn Đô, thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) trong ngày khánh thành nhà mới.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay của cả cộng đồng, những điểm nghẽn phát sinh trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã dần được tháo gỡ. Sau hơn 2 năm, tỉnh đã hoàn thành 157% kế hoạch của cả giai đoạn. Trong đó, nguồn kinh phí hỗ trợ theo Đề án là gần 230 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ từ cộng đồng, dòng họ hơn 50 tỷ đồng, còn lại là sự chủ động của các gia đình.
Sau cơn bão số 3, số hộ không có nhà ở tiếp tục tăng do sạt lở, đổ hỏng, Ban Vận động cứu trợ tỉnh Tuyên Quang đã quyết định phân bổ trên 91 tỷ đồng (2 đợt) hỗ trợ nhân dân trên địa bàn tỉnh khắc phục thiệt hại. Trong đó, hỗ trợ gần 27 tỷ đồng cho 374 hộ làm mới và sửa chữa nhà ở. Hiện, các địa phương vẫn tiếp tục rà soát, bổ sung, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy phương án hỗ trợ các đợt tiếp theo, tuyệt đối không để hộ dân nào bị thiếu đói và không có chỗ ở.
Niềm vui từ ngôi nhà mới
Người dân thôn 17, xã Lang Quán (Yên Sơn) ai cũng thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Lý Thị Bèn khi bản thân bà bị liệt tay trái, nuôi mẹ già gần 100 tuổi và con trai bị bại liệt bẩm sinh. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do bà Bèn gánh vác. Căn nhà cũ xiêu vẹo được xây dựng cách đây mấy chục năm có thể đổ sụp bất cứ lúc nào khiến cuộc sống của gia đình luôn bất an. Được Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 50 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi 40 triệu đồng để làm nhà mới, bà Bèn đã xây dựng lại ngôi nhà với diện tích 90 m2. Ngôi nhà mới hiện đã xong phần khung, dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Bà Bèn xúc động cho biết: Nếu không có sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp thì không biết bao giờ gia đình bà mới có nhà mới để ở. Bà rất mừng vì những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình bà ngày càng nhận được sự quan tâm, sẻ chia để vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo.
Cũng như gia đình bà Lý Thị Bèn, anh La Văn Dưỡng ở thôn Đình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cũng được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới. Trước đây, gia đình anh Dưỡng sinh sống ở ngôi nhà cũ được dựng từ 20 năm trước, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa to, gió lớn, ngôi nhà như trực đổ xuống. Năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với hỗ trợ, giúp đỡ của các đoàn thể, họ hàng, sau nhiều tháng thi công, ngôi nhà mới của gia đình hoàn thành với diện tích 80 m2, có 3 phòng ngủ, khu bếp riêng với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Lãnh đạo, cán bộ, công chức xã Tứ Quận (Yên Sơn) hỗ trợ gia đình ông Duy Văn Bình, thôn Hồng Quân làm móng nhà.
Anh La Văn Dưỡng chia sẻ: “Ước mơ xây dựng được ngôi nhà kiên cố bao năm nay đã trở thành hiện thực. Có nơi ở ổn định, gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất và sớm vươn lên thoát nghèo”.
Niềm vui của bà Bèn, anh Dưỡng cũng là niềm vui chung của các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng từ Đề án 308 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh về thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 6.000 hộ nghèo, với tổng kinh phí huy động trên 648 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành xóa 75 nhà ở tạm, dột nát cho hộ gia đình người có công; 2.188 hộ thuộc xã xây dựng nông thôn mới, 141 hộ nghèo từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình…
Trợ sức cho hộ nghèo
Hộ nghèo có nhu cầu làm nhà, sửa nhà mới phát sinh; một số hộ nghèo đã được hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát nhưng chưa thể thoát nghèo là thách thức đặt ra với tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo kết quả rà soát, thống kê nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024 và 2025, tỉnh Tuyên Quang có 4.855 nhà, trong đó xây mới 3.287 nhà, sửa chữa 1.568 nhà với tổng số kinh phí trên 244 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Đa (Sơn Dương) phối hợp khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho gia đình bà Tống Thị Chinh.
Song song với việc huy động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép đồng bộ nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm nghèo đang thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025...
Đồng chí Bàn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quý Quân cho biết: Đến năm 2024, xã đã xóa 12 ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Cùng với tiếp tục phấn đấu hoàn thành xóa 40 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2024 - 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13%, xã đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tinh thần, ý chí vươn lên của hộ nghèo, bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Chủ trương đúng, cách làm phù hợp, Đề án đã nhận được sự đồng thuận, chung sức của toàn xã hội... Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ các hộ nghèo có được ngôi nhà kiên cố, an toàn, góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Ông Lê Ngọc Tân
Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
Thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu Đề án cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung và tổng hợp đầy đủ danh sách hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, tránh bỏ sót, trùng lặp danh sách hỗ trợ và đảm bảo đúng đối tượng. Trong đó, quan tâm đến đối tượng là hộ nghèo, người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, hộ nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo trong diện di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Đề án, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương chủ động vận động nguồn lực để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở. Trong đó tập trung phối hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, vốn tín dụng và cộng đồng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện và huy động, phân bổ nguồn lực.
Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương
Huy động các nguồn lực
Thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, toàn huyện đã có 2.361 ngôi nhà cho hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa với kinh phí 125 tỷ 484 triệu đồng từ các nguồn lực. Trong đó có sự tham gia hỗ trợ của nhiều đơn vị doanh nghiệp như: Công an tỉnh hỗ trợ làm 773 nhà mới, số tiền 47 tỷ 149 triệu đồng; Vietcombank hỗ trợ 259 nhà, số tiền 12 tỷ 950 triệu đồng; Vietinbank hỗ trợ 264 nhà, số tiền 13 tỷ 200 triệu đồng; Agribank hỗ trợ 141 nhà, số tiền 12 tỷ 900 triệu đồng... Cùng với đó, các xã, thị trấn đã chủ động vận động, huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cộng đồng dân cư hỗ trợ thêm tiền, vật liệu cho những hộ đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự hoàn thành việc xây dựng với số tiền quy đổi trên 14 tỷ 800 triệu đồng và trên 4.000 ngày công lao động.
Đồng chí Lý Đức Quân
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập (Chiêm Hóa)
Ưu tiên đặc biệt cho hộ vừa bị thiệt hại do thiên tai
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn đã có 39 hộ gia đình bị ảnh hưởng sạt lở, phải di chuyển đến nơi ở mới. Trong đó, có đến 30% là số hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện nay, đã có 8 hộ được hỗ trợ số tiền 650 triệu đồng để làm nhà ở mới. Các hộ còn lại xã đang tích cực vận động từ các nguồn hỗ trợ để giúp các hộ gia đình trong diện phải di chuyển đến nơi ở mới, với tinh thần không để bất cứ người dân hộ nghèo nào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, bị rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Yên Lập phấn đấu trong năm nay, các hộ thuộc diện di dời phải được hỗ trợ làm nhà mới sớm ổn định cuộc sống để tập trung lao động sản xuất.
Ông Phạm Đ
ình Huỳnh
Giám đốc HTX chè Quang Minh
Góp sức giúp hộ nghèo xây nhà
Từ năm 2020 đến nay, HTX dành khoảng 600 triệu đồng cho các hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ hộ nghèo xây nhà của tỉnh, của huyện. Trong đó, riêng năm 2024 HTX trao tặng 100 triệu đồng hỗ trợ làm nhà cho 2 hộ nghèo ở 2 xã Yên Phú và Đức Ninh (Hàm Yên). Sau cơn bão số 3, HTX ủng hộ 50 triệu đồng cho các gia đình bị ngập úng, khắc phục sạt lở đất và hàng hóa thiết yếu cho các huyện Yên Sơn và Hàm Yên. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của tỉnh Tuyên Quang.
Anh Nông Văn Nghị
Thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú (Na Hang)
Điểm tựa để vươn lên
Tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền để xây nhà theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Có nhà rồi, tôi yên tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Tôi đã tìm nhiều cách để làm ăn từ làm máy xay xát, nấu rượu, chăn nuôi lợn, nuôi dê. Ngoài ra tôi còn sắm máy gặt, máy cày để đi gặt thuê, cày thuê. Hiện nay gia đình tôi đã thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ khá trong thôn. Sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn động viên của cán bộ xã, thôn chính là điểm tựa để gia đình tôi vươn lên.
Bàn Thanh
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-200242.html