Một dự án nhà ở xã hội tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Thế Anh)
Điểm tựa chính sách
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương sôi nổi nhất trên cả nước tổ chức các hoạt động kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ở xã hội. Sau một hội nghị được tổ chức mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố đã nhận được 21 phiếu đăng ký xây dựng 52.167 căn nhà ở xã hội của các doanh nghiệp.
Trong đó có 9 doanh nghiệp tự nguyện xây dựng nhà ở xã hội trên chính quỹ đất mà công ty tạo dựng với 11.614 căn; 12 doanh nghiệp cam kết tìm quỹ đất để xây dựng 40.553 căn. Ngoài ra, thành phố cũng chuẩn bị sẵn 7 khu đất sạch để đấu thầu tìm chủ đầu tư.
Thành phố dự tính, đến năm 2030, khi những dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố xây dựng hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường 70.000 căn hộ phục vụ nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, người thu nhập thấp…
Ông Phạm Minh Mẫn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực vừa gỡ vướng, vừa kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Ngoài công bố danh mục 7 dự án nhà ở xã hội với khoảng 8.000 căn hộ để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì Sở Xây dựng đã công bố 3 thiết kế mẫu nhà ở xã hội cao tầng. Những mẫu nhà này nếu được áp dụng triển khai sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả các chủ đầu tư, cơ quan nhà nước và giảm giá thành nhà ở xã hội.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, đơn vị chuyên xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho biết, hiện nay các doanh nghiệp có thể an tâm đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội bởi các chính sách mới vừa ban hành đã gỡ khó cho cả doanh nghiệp và người mua nhà.
Với doanh nghiệp sẽ được miễn tiền sử dụng đất; không phải thực hiện các thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng hay thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất như trước. Điều này sẽ giúp thủ tục đầu tư các dự án được rút ngắn. Doanh nghiệp cũng được ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn cam kết rút ngắn các thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội tối đa là 6 tháng thay vì từ 3 đến 5 năm, thậm chí lâu hơn như trước đây. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn được hỗ trợ chi phí thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực; được miễn các loại phí, lệ phí liên quan, trong đó bao gồm phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí cấp giấy phép xây dựng...
Theo ông Tuấn, những chính sách nêu trên chính là điểm tựa, là niềm tin để doanh nghiệp tham gia giải quyết nhu cầu nhà ở cùng chính quyền thành phố.
Cơ hội của người thu nhập thấp
Chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, trong bối cảnh giá nhà ở tại thành phố và vùng phụ cận leo thang như thời gian vừa qua thì các dự án nhà ở xã hội sẽ là giải pháp rất ưu việt cho người thu nhập thấp, trung bình có khả năng tiếp cận được nhà ở.
Bản thân doanh nghiệp của ông cũng đang tìm kiếm quỹ đất ở vùng xa trung tâm để đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Có thể lợi nhuận thấp nhưng đây sẽ là thị trường bền vững phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân.
Vợ chồng anh Phong (quê Quảng Trị) thuê nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 10 năm. Với mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng, cộng thêm phải nuôi 2 con nhỏ ăn học, chưa bao giờ anh Phong dám nghĩ đến việc mua nhà.
Tuy nhiên, khi các chính sách thuê, mua nhà ở xã hội được ban hành, vợ chồng anh đã mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký mua một căn hộ 30m2 tại huyện Bình Chánh. Anh cho biết, dự án này đã được khởi công, với mức vay ưu đãi và các chính sách mà chủ đầu tư ban hành, gia đình anh sẽ tiết kiệm chi tiêu trong vài năm để cố gắng có nhà ở.
Tương tự, anh Thành (quê Thanh Hóa), một cán bộ, công chức trẻ vừa được bố mẹ cho 200 triệu đồng làm vốn kinh doanh, đã quyết định sử dụng để mua nhà. Theo anh Thành, nếu không mạnh dạn vừa làm vừa trả nợ thì với mức thu nhập như hiện nay sẽ rất khó để có nhà ở.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia cho rằng, chương trình phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới chắc chắn sẽ được đẩy nhanh, bởi phân khúc này đang được trợ lực nhờ hành lang pháp lý vững chắc, nhiều rào cản về phát triển nhà ở xã hội được gỡ bỏ từng bước, thúc đẩy doanh nghiệp có niềm tin tham gia nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo ông Lực, để có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, cần có sự chung tay góp sức của “4 nhà”, gồm Nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân. Nhà nước giữ vai trò là đầu tàu, các địa phương chủ động xây dựng, rà soát, thực hiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội.
Đồng thời, cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương. Ngân hàng cần giảm lãi suất đối với nhóm người thu nhập thấp (từ 3-4,8%/năm, thay vì 6,6%/năm như hiện tại).
Doanh nghiệp cần bố trí nguồn vốn, quan tâm phát triển hệ sinh thái nhà ở xã hội và chất lượng công trình, phối hợp với các địa phương, xác định ngay từ đầu là làm dự án cho thuê hay để bán, hay cả hai. Còn với người dân, bên cạnh sự hỗ trợ của các ban, ngành, cần chủ động trong tích lũy, lập kế hoạch tài chính cho việc mua, hiện thực hóa giấc mơ an cư trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều biến động.
VŨ NGUYÊN