Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 600km đường sắt đô thị

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 600km đường sắt đô thị
9 giờ trướcBài gốc
Từ thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị gần 20 năm qua, cho thấy để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi phải có tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới, đồng bộ về quy hoạch và đa dạng hóa hình thức huy động vốn theo hướng linh hoạt, hiệu quả.
Cùng với Luật Thủ đô 2024, hai quy hoạch Thủ đô mới được Thủ tướng thông qua, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) sẽ là một chiến lược quan trọng.
Ngày 8/8/2024, đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình sau gần 20 năm triển khai bao gồm cả quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, đến nay, Hà Nội mới chỉ có 21,5 km đường sắt đô thị, thuộc hai đoạn tuyến, chiếm khoảng 3% tổng chiều dài mạng lưới theo quy hoạch.
Ông Nguyễn Đắc Phước, Trưởng phòng quản lý dự án 3, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho hay: "Đầu tư đường sắt đô thị Hà Nội hiện nay chậm do đang gặp nhiều rào cản, thách thức về cơ chế chính sách, nguồn vốn, kinh nghiệm".
Trong bối cảnh đó, Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tạo ra nhiều thuận lợi, gỡ vướng cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, luật dành riêng Điều 31 để quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng nhóm dự án TOD, Chương trình hạ tầng và thành phố xanh, cho biết: "Lợi ích TOD đem lại đối với giao thông công cộng và đường sắt đô thị là quan hệ hai chiều, vừa khai thác tối đa quỹ đất xung quanh các nhà ga, có nguồn thu để tái đầu tư cho đường sắt đô thị, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng".
Tuy nhiên, việc triển khai TOD ở Hà Nội gặp nhiều thách thức do quá trình lập kế hoạch chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, hạn chế về các cơ chế tài chính, cũng như khó khăn trong việc thu hồi đất. Thông qua hợp tác, lần đầu tiên Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ thành phố Hà Nội nghiên cứu phát triển mô hình TOD.
Đề án tổng thể phát triển mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội được Bộ Chính trị thông qua dự kiến sẽ phân kỳ đầu tư thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tập trung thực hiện các tuyến: số 3.2 ga Hà Nội – Hoàng Mai, số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và số 5 Văn Cao – Hòa Lạc. Phân kỳ 2, đến năm 2035 phấn đấu xây dựng được 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 400 km. Hơn 200 km của 5 tuyến mới bổ sung sẽ thực hiện đến năm 2045. Với cách làm mới, tư duy mới về quy hoạch, xây dựng đường sắt đô thị, việc hiện thực hóa mục tiêu đề án được kỳ vọng có thể khả thi trong những năm tới.
Trước thực trạng gia tăng ùn tắc giao thông vì hạ tầng quá tải phương tiện cá nhân, hệ thống đường sắt đô thị không chỉ là giải pháp giao thông công cộng bền vững mà còn đóng vai trò "xương sống", là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa của thành phố.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của hệ thống này, cần một cách tiếp cận tích hợp hơn giữa giao thông và quy hoạch đô thị. Trong bối cảnh này, việc lựa chọn mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) rõ ràng là một hướng đi chiến lược và phù hợp.
Lê Huyền
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/hien-thuc-hoa-muc-tieu-xay-dung-600km-duong-sat-do-thi-294823.htm