Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa ban hành đã nhận được sự ủng hộ lớn của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp; thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển, thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng. Đặc biệt, Nghị quyết 68 đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, như phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhân dịp này, Báo Pháp luật TP.HCM đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA).
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA).
Nhà nước và doanh nghiệp đồng lòng sẽ làm chủ và dẫn dắt được chuỗi giá trị
.Phóng viên: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ban hành ngày 4-5 đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
+ PGS.TS Nguyễn Trọng Điều: Trước hết, cần phải nói rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức, nhưng rất cần thiết. Nó hoàn toàn khả thi nếu cả nhà nước và doanh nhân đều làm tốt những việc phải làm.
Theo số liệu của Cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam sau nhiều năm kiên định với chiến lược hội nhập tích cực và chủ động đã đạt đến độ mở rất lớn, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa gần gấp đôi GDP, hơn 405 tỉ USD.
Xu hướng toàn cầu hóa đã đặt hầu hết các quốc gia trên thế giới vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nên nhiều hình mẫu quốc gia thành công khi biết chọn đúng và phát huy được thế mạnh. Chúng ta được thấy Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, Hàn Quốc trở thành người làm chủ các thương hiệu hàng điện tử tiêu dùng hàng đầu thế giới, Singapore trở thành trung tâm trung chuyển của thế giới và khu vực…
Tất cả những điều kỳ diệu đó đều diễn ra vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ này. Và Việt Nam đang đứng trước cơ hội, vị thế lịch sử để có thể trỗi dậy mạnh mẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo tôi, cần hiểu rõ tinh thần của Nghị quyết 68 khi nhắc đến mục tiêu “có ít nhất 20 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” vào năm 2030. Đó là sự tham gia chủ động, chiếm lĩnh các khâu có giá trị cao, thậm chí là làm chủ và dẫn dắt chuỗi giá trị đó.
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ít nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng phần lớn là ở các khâu mang lại giá trị thấp, như xuất khẩu nguyên, nhiên, vật liệu thô, tài nguyên chưa thành phẩm, nhân công giá rẻ và gia công ở trình độ thấp. Trong hơn 405 tỉ USD giá trị xuất khẩu năm 2024, có đến 290 tỉ đến từ khu vực FDI. Ở Mỹ, chúng ta dễ dàng tìm thấy chiếc áo Lacoste “Made in Vietnam” có giá hàng trăm USD, nhưng trong đó giá trị nguyên liệu và tiền công lao động của công nhân may mặc tại Việt Nam chỉ dưới 10 USD.
Tuy nhiên, không phải chúng ta không có những doanh nghiệp tiên phong tạo ra giá trị cao và từng bước dẫn dắt chuỗi cung ứng toàn cầu theo giá trị của mình. Vinfast với những chiếc xe điện có chuỗi cung ứng linh kiện từ hàng trăm nhà cung cấp toàn cầu.
Hòa Phát với nhà máy luyện thép cán nóng chất lượng cao để làm tiền đề cho các sản phẩm thép cán nguội xuất khẩu đi hàng chục quốc gia. TH True Milk với những chú bò nhập khẩu và dây chuyền nông nghiệp công nghệ cao từ Israel tạo ra những sản phẩm sữa chất lượng hàng đầu thế giới. Viettel Global đưa mạng viễn thông đến hàng chục quốc gia châu Á và châu Phi.
Dù còn là số ít, nhưng đó là những ví dụ điển hình của việc tham gia dẫn dắt và chiếm lĩnh khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
. Vậy theo ông, mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu liệu có khả thi?
Mục tiêu này khả thi khi nhìn từ cả 2 góc độ, khách quan và chủ quan. Khách quan là xu hướng toàn cầu hóa vẫn tiếp tục là chủ đạo và dường như không thể đảo ngược, bất chấp sự cạnh tranh vị thế chiến lược của các nước lớn. Các quốc gia ngày nay đã phụ thuộc vào nhau quá chặt chẽ trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta có thể thấy, Mỹ và Trung Quốc sau hàng loạt tuyên bố leo thang về thuế đối ứng đã đồng thời hạ mức thuế nhập khẩu hàng hóa của nhau và quay lại bàn đàm phán tích cực, vì cả hai hiểu rằng họ không thể tách rời nhau mà không bị tổn hại lợi ích. Toàn cầu hóa càng mạnh mẽ, thì cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam càng rõ rệt.
Ngoài ra, sau 3 cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử tạo ra một phương Tây phát triển trước, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mở xuất phát điểm bằng nhau cho nhiều quốc gia, tạo cơ hội thành công và bứt phá cho bất kỳ quốc gia nào biết nắm bắt.
Chủ quan chính là chiến lược quản trị quốc gia và phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, điển hình là thể hiện qua tư duy và quan điểm đột phá như Nghị quyết 68 đã nhắc tới.
Nghị quyết được hệ thống hóa thành các quan điểm, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp rất toàn diện, đồng bộ, khoa học và có tính thực tiễn rất cao. Nghị quyết là tiền đề để giải phóng toàn mọi tiềm năng của lực lượng sản xuất, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, có vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế.
Trong số các nhóm giải pháp rất tiến bộ mà Nghị quyết nêu, tôi đặc biệt chú ý đến một giải pháp chưa từng có: cho phép doanh nghiệp tính vào chi phí xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này. Có nghĩa là, chi một đồng cho nghiên cứu và phát triển, sẽ được tính bằng hai đồng trong bảng cân đối kế toán.
Đồng thời, doanh nghiệp được trích đến 20% thu nhập chịu thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Một ví dụ như vậy để thấy rằng tư duy kiến tạo vượt trội chắc chắn sẽ tạo động lực, cơ sở và cảm hứng lớn cho doanh nghiệp, doanh nhân hiện thực hóa mục tiêu này.
.Theo ông các Bộ, cơ quan, địa phương cần làm gì để Việt Nam thực hiện được mục tiêu có 20 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
+ Nghị quyết 68 đã đặt ra nhiệm vụ trọng đại và khối lượng công việc khổng lồ cần thực thi cho Nhà nước. Trước mắt, là nhiệm vụ thể chế hóa, luật hóa đầy đủ và đồng bộ tinh thần, chủ trương của Nghị quyết. Sau đó là nhiệm vụ thực thi từ trung ương đến địa phương.
8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đều đã được Nghị quyết nêu rất toàn diện và chi tiết, với nhiều việc cần làm ngay. Như, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật; chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số; miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp mới thành lập; phân biệt rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, nhân sự; đảm bảo quyền tài sản, cơ hội tiếp cận đất đai; đa dạng hóa nguồn vốn, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, hoàn thiện quy định về trái phiếu; mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, các lĩnh vực chiến lược;…
Thách thức đối với nhiệm vụ thể chế hóa, luật hóa là rất lớn khi phải thực thi nhanh, hiệu lực, hiệu quả nhưng phải đảm bảo tính khoa học, tầm nhìn dài hạn và tính dự báo được. Nhưng khi thực hiện được việc này với tư duy kiến tạo và phục vụ, chắc chắn việc thực thi sau đó cũng sẽ tương thích.
Có thể nói, việc thể chế hóa và thực thi pháp luật theo quan điểm của Nghị quyết 68 sẽ cụ thể hóa một sự thay đổi căn bản về chất, một bước ngoặt mang tính cách mạng trong tư duy chiến lược và quản trị quốc gia.
Đồng thời, tôi tin rằng Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn các lĩnh vực, ngành mũi nhọn mà Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh và bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu, như nông nghiệp công nghệ cao, bán dẫn, công nghệ thông tin, cảng và logistics, năng lượng tái tạo,… để có chiến lược quốc gia phù hợp, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp bước vào và từng bước làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp cần chọn một "đại dương xanh" để vươn mình
. Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển mình như thế nào để đạt mục tiêu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như Nghị quyết 68 đề ra, thưa ông?
+ Trong một cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng tôi từng kiến nghị 4 hạn chế và giải pháp cho khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân: Vốn, tầm nhìn và năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo, sự kiến tạo của chính sách.
Ngay trong trang đầu tiên, Nghị quyết 68 đã chỉ rõ tất cả vấn đề nội tại của doanh nghiệp Việt Nam: Hầu hết trong tổng số 940 nghìn doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Ảnh: VPBA
Các nhóm giải pháp từ phía Nhà nước đã được Nghị quyết chỉ rõ, nhưng từ phía doanh nghiệp phải chủ động củng cố nội lực, quyết tâm để tự cải thiện mình, từ các hạn chế nói trên. Nhà nước kiến tạo và phục vụ là để doanh nghiệp được giải phóng các nguồn lực, chứ không phải để ỉ lại hay chờ đợi được hỗ trợ.
Đồng thời, ở cấp vi mô, mỗi doanh nghiệp cần xác định được thế mạnh và mục tiêu của mình, lựa chọn cho mình một “Đại dương xanh” nơi vẫn còn nhiều dư địa để phục vụ các nhu cầu chưa được đáp ứng đầy đủ của người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà cả toàn thế giới.
Muốn vươn mình ra thế giới, chiếm lĩnh vị trí và khâu giá trị quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, thì tầm nhìn toàn cầu và nghiên cứu phát triển các giá trị riêng của mình để đáp ứng nhu cầu toàn cầu là điều kiện tiên quyết.
.Xin cám ơn ông!
MINH TRÚC