Video: Sau hơn 1 năm cải tạo, kênh dài nhất TP.HCM bây giờ ra sao?
Vừa qua, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.200 tỉ đồng lên hơn 9.030 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án cũng sẽ điều chỉnh từ 2021-2025 thành 2021-2026. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo nguồn lực và tiến độ cho các hạng mục quan trọng, góp phần cải thiện môi trường và nâng cấp hạ tầng đô thị khu vực.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 2 được khởi công vào tháng 2-2023.
Sau hơn 1 năm thi công, đến cuối tháng 10 năm 2024 tổng sản lượng đạt gần 38%.
Công trình xây bờ kè dọc hai bờ kênh dần thành hình, cơ bản hoàn thiện.
Trong ảnh là đoạn kênh chảy qua cầu Tham Lương, Quận 12 hiện đã được cải tạo.
Dài gần 32 km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chảy qua Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Đây là kênh dài nhất, cũng là một trong những tuyến kênh ô nhiễm nhất TP.HCM.
Hiện toàn bộ 10 gói thầu xây lắp của dự án đều đang thi công. Các công nhân đang tích cực thực hiện những hạng mục như kè bờ kênh, lắp đặt cống cấp 2, hệ thống thoát nước và nhiều công trình liên quan.
Dự án bao gồm các hạng mục chính: xây dựng tuyến kè, nạo vét kênh, làm đường, cầu, cống thoát nước, trồng cây xanh, và hoàn thiện lưới điện. Hiện một số đoạn kè đã hoàn thành, và hai bên bờ kênh sau giải phóng mặt bằng đã định hình rõ tuyến đường ven kênh, tạo diện mạo mới cho khu vực.
Theo quy hoạch sau khi hoàn thành, 2 tuyến đường này chạy dài khoảng 64 km và làm đường hai bên bờ kênh rộng 7-12m.
Theo Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị, dự án hiện gặp khó khăn do tình trạng tái chiếm mặt bằng sau khi đã giải tỏa. Trong giai đoạn 1, 21 trường hợp đã được hỗ trợ tái định cư, bao gồm: quận Bình Thạnh (1 trường hợp), quận 12 (2 trường hợp), quận Gò Vấp (1 trường hợp), quận Bình Tân (15 trường hợp), và huyện Bình Chánh (2 trường hợp).
Để giải quyết, UBND các địa phương liên quan đang phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định và xây dựng kế hoạch tháo dỡ, thu hồi, bàn giao mặt bằng, nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khi hoàn thành sẽ là trục thoát nước chính cho gần 15.000 ha khu vực xung quanh. Đồng thời, dự án cũng giúp giảm tải cho Quốc lộ 1 nhờ hai tuyến đường dọc kênh, đi qua 7 quận, huyện. Bên cạnh đó, dự án còn tạo ra sự kết nối giao thông thủy giữa TP.HCM với Long An qua sông Chợ Đệm, và với Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn.
Ghi nhận tại khu vực cầu Chợ Cầu, phía bờ thuộc quận 12, TP.HCM, bà Trần Thị Phương, một cư dân lâu năm tại đây, chia sẻ về những khó khăn mà người dân nơi này phải đối mặt. "Mỗi khi nước rút, mùi hôi thối lại bốc lên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, tôi rất vui mừng khi triển khai dự án xây dựng bờ kè. Hy vọng dự án sẽ sớm hoàn thành và cải thiện điều kiện sống cho người dân", bà Phương cho biết.
Kể từ khi dự án được triển khai, việc rào chắn dọc theo tuyến đường dân sinh đã gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh, buôn bán và đời sống của người dân nơi đây.
Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Văn Tuấn, làm nghề sửa xe tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Tôi hy vọng dự án sẽ sớm hoàn thành để cải thiện môi trường sống, giúp đường xá trở nên sạch sẽ hơn". Ông Tuấn cũng bày tỏ lo lắng khi dự án đã bị gia hạn thêm một năm, nhưng ông vẫn mong công trình sẽ nhanh chóng hoàn tất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của mình.
Ông Hoàng Anh, một người dân thường xuyên tập thể dục tại khu vực, chia sẻ: "Đường xá ở đây đi lại rất khó khăn, đường đất khiến phương tiện di chuyển gặp nhiều trở ngại, bụi bẩn bay khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường". Ông cũng mong muốn khu vực này được cải tạo và phát triển theo mô hình giống như kênh Nhiêu Lộc, tạo không gian sạch sẽ, thoáng mát, giúp người dân dễ dàng đi bộ và tập thể dục.
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, với nhiệm vụ kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn, đang được triển khai nhằm giải quyết tình trạng tiêu thoát nước, chống ngập và xử lý ô nhiễm môi trường.
Khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như ngăn lũ, giảm ngập úng và cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông, phát triển bền vững khu vực đô thị.