Dự án Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1) được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng (GPMB) năm 2010. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỉ đồng.
Năm 2014, TP Hà Nội đã ủy quyền cho Sở GTVT ký hợp đồng BT với nhà đầu tư liên danh và và giao cho các đơn vị liên quan thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau và việc vướng mắc khâu GPMB khiến dự án đã chậm tiến độ hơn 10 năm nay.
Ghi nhận của PV ngày 12/11, tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1 chưa thực hiện xong, nhiều đoạn còn dang dở, ngổn ngang. Nhiều thiết bị và máy móc thi công được tập kết nhưng không có dấu hiệu hoạt động.
Dự án đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến QL1 (đường Giải Phóng) được khởi công từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Tại cầu L3 thuộc dự án Vành đai 2,5, công trình này đã thi công 20 cọc khoan nhồi, toàn bộ trụ cầu và đúc toàn bộ dầm. Hiện, cầu này được quây tôn rào chắn xung quanh, đơn vị thi công đã rút hết máy móc từ lâu. Các hạng mục hóa thành khối bêtông phơi mưa nắng, sắt thép hoen gỉ,...
Trong khi đó, dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 - Giải Phóng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, công trình này chưa có đường lên xuống hầm khi thông xe.
Sau hàng loạt động thái "gỡ vướng" của UBND TP Hà Nội, tới đầu tháng 2/2024, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành. Các hộ dân còn lại cuối cùng gần Cầu L3 ngõ 148 phố Trịnh Đình Cửu đã bàn giao mặt bằng.
Dù đã tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất trong khâu mặt bằng nhưng từ tháng 2 tới nay, dự án này vẫn "án binh bất động". Lý giải vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Chủ đầu tư) cho biết, hiện UBND TP Hà Nội vẫn chưa xem xét, gia hạn thời gian thực hiện Hợp đồng BT nên nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai dự án.
Đơn vị này cũng khẳng định, nếu các thủ tục này được hoàn tất, đơn vị sẽ tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc hiện có để tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Về vấn đề này, tại buổi họp báo quý III năm 2024 của UBND TP Hà Nội, ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, sau khi nhà thầu có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục dự án này. UBND TP đã có văn bản số 1672 ngày 6/10 giao cơ quan Thanh tra kiểm tra dự án về việc khả năng tài chính của chủ đầu tư cũng như khó khăn vướng mắc bên chủ đầu tư kiến nghị, đề xuất.
Căn cứ kết luận của cơ quan thanh tra, UBND TP sẽ giao Sở Giao thông vận tải tham mưu để tiếp tục triển khai và phối hợp với các sở ngành tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Một số hình ảnh dự án Vành đai 2,5:
Dự án xây dựng đường 2,5 (đoạn Đầm Hồng, Quốc lộ 1A, quận Hoàng Mai) khởi công năm 2014, song đến năm 2020 phải tạm ngưng do gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và hợp đồng BT hết hiệu lực.
Nhiều năm qua, máy móc thiết bị thi công dang dở tại nhiều đoạn tuyến dự án.
Người dân vẫn phải di chuyển qua các khu vực thi công dang dở nhiều năm qua mà không có phương án tổ chức giao thông.
Tuyến đường qua quận Hoàng Mai dài hơn 2 km nhưng nhiều đoạn vá víu, "ổ gà" gây khó khăn cho phương tiện lưu thông.
Cầu qua sông Lừ của dự án Vành đai 2,5 xây dở dang nhiều năm nay.
Trong khi đó, các phương tiện vẫn phải di chuyển bằng cầu sắt dựng tam.
Vào giờ cao điểm, khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ.
Dự án hầm chui trị giá hơn 700 tỷ đồng (vốn ngân sách) giúp đường Vành đai 2,5 tránh giao cắt với đường Giải Phóng (QL1) được khởi công năm 2022.
Dự án hầm chui này có thể sẽ “đi sau, về trước” nếu như Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1) không sớm được gia hạn hợp đồng, khẩn trương thi công hoàn thiện.
Hiện UBND TP đã giao cho các cơ quan tham mưu để tiếp tục triển khai và phối hợp tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Minh Ngọc