Những ngày qua, mạng xã hội lại dậy sóng khi một nhân vật nổi tiếng thực hiện livestream “bóc phốt” đời tư, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Tâm điểm lần này là cuộc đấu tố giữa streamer ViruSs và Tiktoker Ngọc Kem sau khi đường ai nấy đi.
Livestream ViruSs - Pháo có thời điểm thu hút hơn 1,5 triệu lượt người cùng xem. Ảnh MXH
Streamer ViruSs liên tục lên sóng trực tuyến để giải đáp loạt thắc mắc từ dân mạng về chuyện tình cảm. Đỉnh điểm, trong buổi livestream tối 28-3 của người này đã thu hút tới 4,8 triệu lượt xem. Thời điểm cao nhất lên đến hơn 1,5 triệu người xem cùng lúc.
Đáng chú ý, ViruSs đã kích hoạt tính năng giới hạn bình luận trong các livestream gần đây, chỉ cho phép hội viên trả phí tham gia tương tác. Mức phí đăng ký là 155.000 đồng/tháng, giảm còn 130.000 đồng trong 30 ngày đầu và 124.000 đồng/tháng nếu đăng ký gói 12 tháng.
Trước làn sóng tranh cãi, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao những màn đấu tố cá nhân lại thu hút sự chú ý lớn đến vậy? Sự bùng nổ của các nội dung dạng này tác động thế nào đến tâm lý cộng đồng? Nếu đây thực sự đã trở thành câu chuyện thương mại xoay quanh drama thì càng cần thêm các quy định pháp lý chặt chẽ để kiểm soát.
Người xem drama dễ bị thao túng tâm lý
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi - Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, cho biết hiện tượng livestream ViruSs - Pháo không đơn thuần là một câu chuyện cá nhân mà đã trở thành một “sự kiện giải trí” trên mạng xã hội.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi - Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.
Theo TS Đào Lê Hòa An, việc nhiều người còn sẵn sàng donate tiền để đặt câu hỏi hoặc hướng cuộc trò chuyện theo ý mình xuất phát từ nhiều yếu tố tâm lý khác nhau.
"Ngoài sự tò mò, nhiều người còn bỏ tiền để cảm nhận quyền lực tạm thời khi donate (ủng hộ tiền) đặt câu hỏi trong livestream. Điều này giúp họ cảm thấy có vai trò quan trọng trong cuộc trò chuyện, có thể xoáy sâu vào những góc khuất mà họ quan tâm.
Bên cạnh đó, hiệu ứng "fan – anti-fan" khiến người xem chi tiền không chỉ để thỏa mãn sự tò mò mà còn thể hiện sự ủng hộ hay phản đối. Cuối cùng, đó là tâm lý “giải trí có tương tác” - TS An nói.
Khác với các nội dung thụ động như phim ảnh, livestream drama cho phép người xem tham gia trực tiếp vào câu chuyện, khiến họ cảm thấy hứng thú hơn. Một yếu tố quan trọng khiến drama hấp dẫn chính là hiệu ứng so sánh xã hội.
TS Đào Lê Hòa An phân tích, khi một người nổi tiếng gặp rắc rối, nhiều người cảm thấy "an ủi" hoặc "hả hê" vì cảm giác cân bằng tâm lý, cho rằng người nổi tiếng cũng chỉ là con người bình thường.
"Họ so sánh mình với người nổi tiếng và thấy cuộc sống của mình không quá tệ khi chứng kiến người khác gặp khó khăn. Đồng thời, việc theo dõi drama giúp họ tạm quên đi vấn đề cá nhân, đó là sự thoát ly khỏi thực tại".
Tiếp xúc liên tục với drama, đặc biệt với giới trẻ, có thể dẫn đến suy giảm lòng tin vào xã hội, hoài nghi các mối quan hệ và xói mòn nhận thức đúng – sai. Drama trở thành giải trí, bình thường hóa hành vi tiêu cực và tạo tâm lý thích hóng chuyện, thiếu tư duy phản biện. Điều này cũng khiến người xem dễ bị thao túng tâm lý và cuốn vào các câu chuyện giật gân vì lợi nhuận" - TS An nhận định.
Một dạng thương mại hóa scandal
Khi nội dung livestream chủ yếu xoay quanh các drama hay tiết lộ đời tư gây tranh cãi, theo TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TP.HCM, đây rõ ràng là một dạng thương mại hóa scandal (những vụ bê bối mà dư luận quan tâm).
"Việc tạo ra các cuộc đấu tố cá nhân, thậm chí là những thông tin không xác thực hay gây tổn thương, đã trở thành một phương thức kiếm tiền dễ dàng và nhanh chóng.
Những scandal này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn khiến người xem tò mò, từ đó sẵn sàng chi tiền để tham gia hoặc theo dõi. Tuy nhiên, việc làm này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội" - TS Minh nói.
TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TP.HCM.
Việc thương mại hóa scandal trên thị trường nội dung số có thể dẫn đến bão hòa, làm giảm giá trị của sản phẩm chất lượng. Người tiêu dùng sẽ ngày càng hoài nghi về thông tin về chương trình mà họ tiếp nhận, khi chúng chỉ nhằm thu hút sự chú ý mà thiếu giá trị sâu sắc.
Điều này khiến thị trường bị phân hóa, với những sản phẩm chất lượng bị lu mờ bởi những nội dung nổi tiếng nhất thời, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của công chúng.
Theo TS Dương Đức Minh, mô hình livestream của ViruSs, với hơn 1,5 triệu người xem và thu phí hội viên, là chiến lược kiếm tiền hiệu quả trong môi trường số hiện nay.
Với 130.000 đồng/tháng từ 1% người xem (15.000 người), ViruSs có thể thu về hàng tỉ đồng mỗi tháng. Mô hình này giúp anh độc lập tài chính, không phải chia sẻ doanh thu với bên thứ ba và duy trì tương tác trực tiếp với người xem.
Nếu xu hướng livestream drama tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, theo TS Dương Đức Minh, sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn xã hội, khi giá trị giải trí bị bóp méo và những hành vi tiêu cực được cổ xúy.
"Để hạn chế điều này, cần phải điều chỉnh chính sách để duy trì sự cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm đối với người dùng.
Các nền tảng mạng xã hội cần giám sát chặt chẽ nội dung livestream để bảo vệ người xem và đảm bảo tính minh bạch, đạo đức trong sáng tạo. Đồng thời, khuyến khích phát triển nội dung giáo dục và giải trí lành mạnh, hạn chế các chủ đề gây sốc
Việc cần có thêm những quy định pháp lý chặt chẽ, ngăn chặn tấn công cá nhân và phát ngôn gây tổn thương trên mạng xã hội là cần thiết và cấp thiết" - TS An đề xuất.
Thương mại hóa drama: Pháp luật điều chỉnh ra sao?
Tại Việt Nam, việc thương mại hóa nội dung drama và thu phí từ các nội dung gây tranh cãi không bị cấm trực tiếp, nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật, bị chế tài nếu vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Một số quy định hiện hành điều chỉnh các hoạt động này gồm:
- Luật An ninh mạng 2018 (Điều 8): Các nền tảng mạng xã hội phải kiểm soát nội dung đăng tải, đặc biệt là nội dung gây tranh cãi, kích động bạo lực, xúc phạm danh dự cá nhân. Nếu nền tảng cố tình để những nội dung này tồn tại nhằm thu lợi, có thể bị xử lý bằng các biện pháp phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động.
- Nghị định 147/2024 về quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng: Yêu cầu tổ chức, cá nhân đảm bảo nội dung cung cấp là hợp pháp, không gây hoang mang, không xâm phạm danh dự, uy tín người khác. Việc thương mại hóa drama trên nền tảng số có thể bị xử lý nếu vi phạm quy định này.
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010: Nếu nội dung livestream hoặc các dịch vụ phát sóng có yếu tố lừa dối, xuyên tạc sự thật để thu hút người xem, có thể bị coi là hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các hoạt động kích động, lôi kéo người tiêu dùng tham gia vào nội dung phản cảm hoặc phi pháp cũng có thể bị xử lý.
Ngoài ra, các hành vi công kích cá nhân, bôi nhọ danh dự hoặc phát tán thông tin sai lệch đều có thể bị xử phạt theo các quy định về bảo vệ danh dự, nhân phẩm trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư ĐOÀN THỊ HỒNG LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM
DI LINH