Hiện tượng 'Temu' và sự tỉnh táo của người tiêu dùng

Hiện tượng 'Temu' và sự tỉnh táo của người tiêu dùng
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Trong hoạt động truyền thông, Temu luôn thể hiện mình là nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu với giá bán hàng thấp, cạnh tranh lành mạnh. Khi mua sắm trên Temu, người tiêu dùng có thể khám phá hàng nghìn sản phẩm mới trong 16 ngành hàng cùng với dịch vụ tiện ích mà không phải sàn thương mại điện tử nào cũng có.
Ngoài ra, dưới vỏ bọc của Tập đoàn PDD Holdings, Temu khẳng định có thể mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm thú vị thông qua các chính sách hoàn trả miễn phí... Công nghệ Temu áp dụng luôn được quảng cáo là rất hiện đại luôn tạo cho người tiêu dùng sự tin tưởng vào chính sách về giá và chất lượng dịch vụ.
Khi đến Việt Nam, ngay từ những ngày đầu Temu đã tạo ra cơn sốt ảo khiến người tiêu dùng đổ xô trải nghiệm dịch vụ này. Tuy nhiên, thực tế không như những gì sàn giao dịch này đưa ra. Đến nay, cơ bản người tiêu dùng Việt Nam đã nhận ra bản chất thật của Temu và mất niềm tin vào nền tảng này.
Nhiều người tiêu dùng sau khi tham gia sàn Temu đã chia sẻ, giá cả thật của sàn giao dịch không giống như họ quảng cáo, chất lượng sản phẩm gây thất vọng. Hơn nữa, việc đổi trả hàng gặp rất nhiều phiền toái, hình thức thanh toán thiếu linh hoạt.
Trên các nền tảng mạng xã hội và góc bình luận cuối bài viết của các báo điện tử xuất hiện nhiều chia sẻ bất bình của người tiêu dùng đối với dịch vụ của Temu.
Tài khoản “dang****@gmail.com” viết: Thấy rẻ quá nên tôi chấp nhận làm "chuột bạch" khi mua thử 3 mặt hàng từ Temu. Đối với Shopee, Lazada... thì hàng của họ có nhiều thông số, hình ảnh để khách tham khảo, còn hàng của Temu thì không có, trong khi lại phải trả tiền trước. Kết quả, 3 mặt hàng tôi mua là hàng kém chất lượng, giá không rẻ chút nào... Việc trả hàng và lấy lại tiền vô cùng khó khăn, nhiêu khê. Vậy, tôi khuyên những ai có ý định hay phân vân về mua hàng giá rẻ trên Temu thì hãy lập tức tắt app và quên nó đi để khỏi ân hận.
Một tài khoản khác tên “tuan anh” trao đổi: Cái này đâu có mới. Ngay khi biết Temu mở bán cho thị trường Việt Nam tôi cũng đã comment nhiều lần rằng, các giá khuyến mại chỉ là giá ảo, nó cao hơn các sàn khác, chưa kể là hoàn toàn không có hình ảnh thực tế mà chỉ có ảnh qua Photoshop. Hình ảnh gây hiểu lầm khi sản phẩm bán chỉ là chi tiết rất nhỏ trong hình mình họa. Cách làm này thấy không đàng hoàng.
Để lại bình luận của mình trên bài viết của một tờ báo điện tử uy tín tại TP. Hồ Chí Minh, tài khoản “Green Field” viết: Tôi tháo app của Temu ngay khi đối diện 2 vấn đề: Thứ nhất, không cho thanh toán tiền mặt (nghĩa là đưa tiền trước nhận hàng sau). Thứ hai, không có chế độ đổi trả hàng phù hợp. Còn tài khoản “Hai Tùng” thì thẳng thắn: Các bạn ham rẻ đã thấm đòn chưa? Tỉnh táo lên nào các thượng đế!
Các chuyên gia cho rằng, có mấy vấn đề đặt ra sau khi “Temu” đại náo tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất, sự đổ bộ của các nền tảng tương tự như Temu khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhất là các sàn giao dịch xuyên quốc gia với người tiêu dùng. Những trường hợp xuất hiện trên thị trường nhưng chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam như Temu đang khiến việc khiếu nại và giải quyết quyền lợi của khách hàng gặp khó khăn.
Thứ hai, qua đây một lần nữa cho thấy sự thiếu tỉnh táo, tinh tường của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử.
Thứ ba, cần phải có biện pháp siết chặt quản lý hơn nữa để đảm bảo các sàn thương mại điện tử quốc tế hoạt động minh bạch, tuân thủ các quy định của Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùn và tăng tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng hơn với các doanh nghiệp trong nước…
Sơn Trường
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/ban-doc/ban-doc-quan-tam/202411/hien-tuong-temu-va-su-tinh-tao-cua-nguoi-tieu-dung-fbf0f9d/