Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt do ảnh hưởng của bão Yagi tại Nay Pyi Taw, Myanmar ngày 12/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết quỹ bảo hiểm này sẽ được kích hoạt khi tổng chi phí cứu trợ vượt qua ngưỡng tối thiểu, nhằm bảo vệ ngân sách viện trợ đang ngày càng ep hẹp so với các thảm họa khí hậu. Đây là chính sách bảo hiểm đầu tiên trong lịch sử viện trợ nhân đạo, được IFRC triển khai với công ty môi giới bảo hiểm Aon.
Khoản chi trả này đã được kích hoạt vào giữa tháng 9, sau cơn bão Yagi ở châu Á (Việt Nam gọi là cơn bão số 3), khiến chi cho các thảm họa vượt mốc 33 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 37,84 triệu USD). Quỹ này đã giải ngân hơn 7 triệu franc Thụy Sĩ, hỗ trợ 1,5 triệu nạn nhân thiên tai tại các quốc gia nghèo, trong đó có Nigeria và Nepal, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt và lở đất.
Ông Florent Del Pinto, phụ trách Quỹ ứng phó khẩn cấp thiên tai của IFRC, cho biết: "Khoản tiền này cung cấp nguồn tài chính dự phòng khi có nhu cầu đặc biệt. Nếu không có khoản này, chúng tôi không thể ứng phó với các thảm họa đang phải đối mặt hiện nay".
Ông cũng cho biết nhu cầu cứu trợ năm nay đã vượt ngoài dự đoán, khiến IFRC phải kích hoạt khoản chi trả bảo hiểm ở mức tương đối cao.
Để đáp ứng các nhu cầu viện trợ nhân đạo ngày càng tăng, IFRC đang tìm cách huy động gần 100 triệu franc Thụy Sĩ cho ngân sách ứng phó thảm họa năm 2025 và kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp thêm vào phí bảo hiểm. IFRC hy vọng khoản chi trả này sẽ giúp xóa bỏ nghi ngờ của các nhà tài trợ trước đây về hiệu quả của các sản phẩm bảo hiểm thảm họa.
Trong tương lai, IFRC dự báo khoản chi trả bảo hiểm có thể chiếm một phần lớn hơn trong tổng chi tiêu cho mục đích nhân đạo. Một số cơ quan viện trợ khác cũng đã tiếp cận IFRC để tìm hiểu cách thức thiết lập các quỹ tương tự.
Phan An (TTXVN)