Hiệp hội có kiến nghị về triển khai CTGDPT mới, thi tốt nghiệp, tuyển sinh 2025

Hiệp hội có kiến nghị về triển khai CTGDPT mới, thi tốt nghiệp, tuyển sinh 2025
một ngày trướcBài gốc
Ngày 3/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiến nghị giải pháp đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học từ năm 2025.
Trong văn bản, Hiệp hội đánh giá, sau 5 năm thực hiện, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đạt được một số thành tựu như: đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; quy mô, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu; học sinh có những biến chuyển tích cực trong học tập, tự tin, năng động, sáng tạo hơn trong quá trình học tập; việc đổi mới phương pháp giáo dục đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục, việc đánh giá học sinh cũng chuyển dần từ đánh giá theo nội dung kiến thức sang đánh giá theo phẩm chất, năng lực của người học và hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Ảnh minh họa: Dương Hà
Tuy nhiên, theo Hiệp hội bên cạnh những ưu điểm nổi bật, vẫn còn tồn tại khá nhiều những hạn chế. Cụ thể:
Thứ nhất, về chương trình và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018:
So với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những nét khác biệt như:
Số môn học nhiều hơn, trong đó có một số môn học mới. Nội dung các môn học nâng cao hơn, khối lượng nhiều hơn.
Một số môn học mới chủ yếu học “chay”, ít được thực hành, thực tập.
Học sinh phải chọn các môn lựa chọn ngay từ đầu cấp trung học phổ thông, tức là phải khẳng định về định hướng chuyên môn sâu cho mình ngay từ khi vào trường trung học phổ thông. Số lượng học sinh muốn được thay đổi môn học lựa chọn trong quá trình học trung học phổ thông là khá khó khăn do không có các tổ hợp môn học lựa chọn mong muốn hoặc do sĩ số lớp các môn học lựa chọn đã quá đông.
Về nguyên tắc, học sinh được đăng ký chọn tự do đối với các môn học lựa chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp theo các tổ hợp xét tuyển sinh dự kiến của các trường đại học tạo sự nền tảng để học thành công ngành học ở bậc đại học (các tổ hợp truyền thống A00, A01, B00, B03, C00, D01 ,…) nhưng trên thực tế quyền sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn lại thuộc nhà trường, tùy thuộc vào tình hình giáo viên và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường.
Việc bắt buộc học sinh ngay từ lớp 10 phải xác định các môn học lựa chọn và hầu hết khó được điều chỉnh trong quá trình học đồng nghĩa với việc buộc học sinh phải khẳng định sớm hướng chuyên môn sâu. Mặt khác, học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp trung học cơ sở để lựa chọn môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông, rồi từ đó căn cứ vào các môn học lựa chọn để quyết định chọn cơ sở giáo dục đại học sẽ đăng ký tuyển sinh (trong khi các trường đại học còn chưa công bố phương án tuyển sinh), đây là một đòi hỏi vô lý.
Nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường trung học phổ thông lập ra có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Dẫn đến hệ quả nguồn nhân lực đầu vào các môn khoa học tự nhiên sụt giảm và hệ lụy là chất lượng các ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học STEM sẽ giảm về số lượng và ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của hệ thống trong tương lai.
Trước tình hình đó, Hiệp hội cho rằng, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển đại học. Cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu phục vụ xét tuyển các ngành học ở bậc đại học phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh được hình thành trong quá trình học ở bậc trung học phổ thông.
Thứ hai, về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025
Phương thức tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 gồm 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Cách lựa chọn này tạo ra 36 tổ hợp môn.
Về nội dung này, Hiệp hội kiến nghị, Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập một số Trung tâm Khảo thí độc lập hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận để triển khai các dịch vụ công ích trong lĩnh vực đo lường – đánh giá giáo dục.
Và tập trung cải thiện kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo định hướng.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025: Ra các loại đề thi khác nhau tuân thủ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và nhóm học sinh có học chuyên đề tự chọn và không học chuyên đề tự chọn để phù hợp với các đối tượng thí sinh dự thi. Bảo đảm công bằng, tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Tăng thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng “đoán mò” trong dạng thức câu hỏi đúng, sai để các trường đại học thuận lợi trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cho các thí sinh dự thi lựa chọn thêm các môn thi lựa chọn (kể cả khi không học môn lựa chọn trong chương trình nhà trường qui định) để đảm bảo người học phát triển hết năng lực tự học và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học khi đảm bảo chất lượng đầu vào.
Định hướng chuẩn bị trong các năm tiếp theo:
- Qui định kỳ thi là thi đánh giá năng lực; chủ yếu thi trên máy tính; đề thi rút từ ngân hàng đề thi do các Trung tâm Khảo thí độc lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cung cấp.
- Các địa phương chủ động tổ chức triển khai thi nhiều lần trong năm theo khung thời gian quy định của Bộ.
Thứ ba, về hoạt động tuyển sinh đại học từ năm 2025
Hiệp hội dự đoán hoạt động tuyển sinh đại học từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có một số khó khăn, bất cập như:
Phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chịu ảnh hưởng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hạn chế các khối xét tuyển truyền thống do việc học môn lựa chọn và thi chỉ được dự thi 2 môn lựa chọn.
Xuất hiện hàng loạt trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thường dưới tên gọi “đánh giá năng lực”, “đánh giá tư duy” (nhà trường tự qui định nội dung, hình thức và tiêu chí lựa chọn) để phục vụ cho nhóm trường, nhóm ngành tuyển sinh có tỉ lệ cạnh tranh gay gắt.
Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng chưa đảm bảo đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ của thí sinh trung học phổ thông do các môn ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có chuẩn đầu ra khác với chuẩn của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang được nhiều trường đại học công nhận xét đầu vào hiện nay.
Từ đó gây khó khăn và tốn kém cho thí sinh và phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều “lò luyện”… Và ảnh hưởng tới chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành được đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học. Đặc biệt, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp “lạ”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ khái niệm “xét tuyển sớm” hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm học khi tham gia xét tuyển. Thí sinh này chỉ mới đáp ứng điều kiện ‘đủ” là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của đại học, trường đại học mà chưa đạt điều kiện “cần” theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá sự phù hợp của các kỳ thi riêng do các đại học, trường đại học tổ chức để đảm bảo không vượt quá chương trình học của học sinh cấp trung học phổ thông để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chỉ đạo các đại học, trường đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học của bậc đại học; chỉ được đặt thêm các tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành “hot”....
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng nếu những kiến nghị này được chấp thuận sẽ đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học từ năm 2025, từ đó giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học năm 2025 tới đây. Đặc biệt, việc này giúp hạn chế sự ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hà An
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hiep-hoi-co-kien-nghi-ve-trien-khai-ctgdpt-moi-thi-tot-nghiep-tuyen-sinh-2025-post247543.gd