Các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng cường độ và mật độ.
Các thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hoàn thiện Hiệp định Đại dịch toàn cầu đầu tiên gồm một loạt các biện pháp nhằm ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Hiệp ước - mất ba năm để xây dựng, từ tháng 12-2021 khi các quốc gia thành viên WHO bắt đầu nhóm họp, đến tháng 4-2025 họ đạt được thỏa thuận chung sau 13 vòng đàm phán - nêu ra phác thảo chung về hệ thống tiếp cận tác nhân gây bệnh và chia sẻ lợi ích, cho phép các công ty dược phẩm tiếp cận dữ liệu khoa học như mẫu tác nhân gây bệnh để đổi lấy việc chia sẻ công bằng hơn các loại thuốc, vaccine và chẩn đoán trong thời gian xảy ra đại dịch. Hiệp ước đã được nhất trí mà không có Mỹ, quốc gia đã rút lui vào ngày Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Những sai sót trong việc nhận biết và đối phó với đại dịch Covid-19 cùng xử lý hậu quả của nó đã đưa toàn thế giới vào tình trạng nguy ngập nhất, cả về sinh mạng, kinh tế - xã hội, niềm tin vào sự công bằng trong tiếp cận y tế giữa các nước, các dân tộc. Điểm mấu chốt đối với hiệp ước - vốn phải mất hơn ba năm để đàm phán - là trấn an các nước nghèo rằng những bất bình đẳng mà chúng ta thấy trong dịch Covid-19 sẽ được giải quyết, trong khi các nước có ngành công nghiệp dược phẩm mạnh lo ngại về việc đồng ý chia sẻ công nghệ của họ. Đúng là mọi chuyện diễn ra căng thẳng khi một số quốc gia đã nói không, nhưng theo thời gian, tất cả có vẻ như đã vượt qua chính mình nhờ tiếng nói lương tri.
Những con số cập nhật sẽ còn thay đổi, nhưng trong đại dịch Covid-19 nước ta đã mất đi 43.178 sinh mạng kèm theo hàng vạn người di lụy trong số hàng trăm ngàn ca nhiễm. Cuộc sống xã hội của hàng triệu người bị gián đoạn, kể cả đóng cửa trường học và bế tắc chuỗi cung ứng bao gồm các mặt hàng thiết yếu nhất. GDP cao của Việt Nam, vốn là ước mơ của nhiều nước đang phát triển, đã tụt sâu xuống còn 2,7%. Thật khủng khiếp khi xảy ra các đại dịch, kể cả với sự tiến bộ y tế ngày nay. Nhìn lại trận dịch tả năm 1820 trải rộng từ Nam chí Bắc, chúng ta đã mất đi 206.835 sinh mạng, một con số quá lớn so với dân số nước ta thời đó. Nhưng chưa hết, sau đại dịch năm 1820 là một chuỗi hàng chục trận dịch tiếp theo mà nguyên nhân có thể là sức khỏe của những con người nhiễm bệnh và các đời con cháu sau đó vẫn chưa được phục hồi.
Lịch sử cho thấy nạn dịch và nạn đói liên hệ mật thiết với những thời kỳ biến động thời tiết. Trong khi biến đổi khí hậu toàn cầu mỗi năm một gia tăng, bầu khí quyển và nhất là nước biển cứ ấm lên lấn át cả các chu kỳ điều chỉnh nhiệt độ của El Nino và La Nina. Việt Nam là một trong số các nước sẽ chịu nhiều tình huống thời tiết cực đoan, từ nắng nóng đến lạnh giá, mưa bão lụt lội đến hạn hán xâm nhập mặn, thậm chí cả những cực đoan khác mà đến nay chưa định hình như sự thay đổi thủy khí hậu, chẳng những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mà còn là nguy cơ đối với sức khỏe khi con người như phải sống trong nồi áp suất của bầu khí quyển khổng lồ.
Hiệp ước Đại dịch toàn cầu này có thể chưa bao quát những vấn đề liên quan đến nạn dịch, nhưng là một cam kết đầu tiên làm tiền đề cho những cam kết quốc tế tiếp theo. Trước mắt, nó là một thỏa thuận mang tính pháp lý, theo đó các quốc gia sẽ hợp tác để chia sẻ dữ liệu về mầm bệnh và công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, và phương pháp điều trị nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển; các quốc gia và công ty dược phẩm dành một phần sản phẩm y tế để dự trữ, phục vụ các tình huống khẩn cấp; các nước phát triển sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển để tăng cường hệ thống y tế và giám sát dịch bệnh; và một số điều khoản liên quan đến việc chuyển giao công nghệ để một số nước có thể tự sản xuất vaccine và thuốc trong trường hợp cấp bách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
• First global pandemic treaty agreed - without the US
https://www.nature.com/articles/d41586-025-00839-0
• Global pandemic treaty: what we must learn from climate-change errors
• https://www.nature.com/articles/d41586-023-00339-z
Anh Vũ