Ấn Độ vừa tuyên bố đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn ký với Pakistan từ năm 1960 sau vụ tấn công ở Kashmir khiến 26 người thiệt mạng. New Delhi quy trách nhiệm cho Islamabad và gọi đây là phản ứng cần thiết trước cái mà họ mô tả là “hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới” từ phía Pakistan – một cáo buộc đã tồn tại nhiều thập kỷ và liên tục bị Pakistan bác bỏ.
Ngay sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri tuyên bố nước này sẽ tạm dừng tham gia hiệp ước, đồng thời hạ cấp quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới đường bộ với Pakistan.
Động thái này gây chấn động bởi hiệp ước đã tồn tại qua các cuộc chiến tranh, xung đột biên giới và tình trạng đóng băng ngoại giao kéo dài giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan. Không những thế hiệp ước còn là một trong số ít điểm tựa ổn định trong mối quan hệ vốn đầy căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng này, nhưng có vẻ như điều đó đã không còn nữa.
Hiệp ước nước sông Ấn được ký kết năm 1960 giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: Deccanherald
Hiệp ước nước sông Ấn và những tranh cãi pháp lý
Được Ngân hàng Thế giới làm trung gian, hiệp ước chia lưu vực sông Ấn thành hai phần: Ba con sông ở phía Tây là Indus, Jhelum, Chenab thuộc quyền sử dụng của Pakistan; ba con sông ở phía Đông là Ravi, Beas, Sutlej do Ấn Độ kiểm soát. Ấn Độ được phép sử dụng một phần nước từ các con sông ở phía Tây cho các mục đích không tiêu thụ nước như phát điện, nhưng không được làm thay đổi dòng chảy gây ảnh hưởng đến Pakistan.
Giờ đây, Ấn Độ đã tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước “cho đến khi Pakistan dứt khoát và từ bỏ hoàn toàn việc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới”.
Không có điều khoản pháp lý nào trong hiệp ước về việc đình chỉ, khiến cho động thái của Ấn Độ trở nên chưa từng có tiền lệ. Các chuyên gia cho biết mặc dù động thái mới của Ấn Độ chưa dẫn đến gián đoạn ngay lập tức về dòng chảy nhưng bước đi này có thể phá vỡ sự ổn định mà hiệp ước này mang lại, đặc biệt là với hệ thống thủy lợi vốn đã mong manh của Pakistan.
“Không có điều khoản nào về việc đình chỉ trong hiệp ước nên có thể nói chúng ta đang bước vào vùng xám. Nếu Ấn Độ ngừng tham gia vào các cơ chế như chia sẻ dữ liệu và đánh giá dự án thì điều này vẫn có thể ảnh hưởng đến cách quản lý dòng chảy ở hạ lưu” ông Himanshu Thakkar, điều phối viên của Mạng lưới Đập, Sông và Con người Nam Á chia sẻ với The Independent.
Theo hiệp ước, Ấn Độ được yêu cầu cho phép 43 triệu acre-feet (khoảng 53,1 tỷ mét khối) nước chảy sang Pakistan mỗi năm. Con số này chiếm khoảng 80% tổng lượng nước mặt của Pakistan, là nguồn sống thiết yếu cho nông nghiệp, đô thị và sản xuất thủy điện.
Phản ứng từ phía Pakistan
Các quan chức Pakistan phản ứng mạnh mẽ với tuyên bố này, gọi đây là “chiến tranh nước” và là “hành động phi pháp”. Bộ trưởng Năng lượng Awais Leghari tuyên bố: “Từng giọt nước là quyền lợi chính đáng của chúng tôi, và chúng tôi sẽ bảo vệ bằng mọi giá – về pháp lý, chính trị và ngoại giao.”
Ngay sau đó chính phủ Pakistan cũng đã công bố một loạt biện pháp ngoại giao đáp trả bằng cách đóng cửa biên giới, hủy bỏ thương mại và đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành.
Theo một số chuyên gia môi trường Pakistan, mối đe dọa lớn hơn không phải là việc Ấn Độ cắt dòng nước vốn khó khăn về mặt thủy văn và chính trị, mà là sự suy thoái từ từ của hệ thống sông ngòi và mất tính ổn định.
Hiệp ước lỗi thời trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Muhammad Abdullah Deol - chuyên gia tài nguyên nước cho rằng đây là thời điểm để đàm phán lại hiệp ước, sao cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện đại về dân số, công nghệ và khí hậu. Ông nhấn mạnh cả hai nước đều đang sử dụng kỹ thuật tưới tiêu lỗi thời, gây lãng phí nghiêm trọng trong khi dân số thì ngày càng tăng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, ông Deol cũng cảnh báo về tác động sinh thái nếu nước sông không còn chảy ra biển, gây xói mòn bờ biển và làm mất đất - một vấn đề mà Pakistan đã và đang phải đối mặt.
Nhiều chuyên gia khu vực đồng tình rằng hiệp ước năm 1960 không còn phản ánh đầy đủ bối cảnh môi trường và chính trị hiện tại. Bà Ambika Vishwanath, Giám đốc sáng lập tổ chức nghiên cứu địa chính trị Kubernein Initiative ở Ấn Độ cho biết: “Hiệp ước thiên về kỹ thuật và không lường trước được các tác nhân gây biến đổi khí hậu hiện nay. Các hiện tượng như lũ lụt, băng tan và hạn hán giờ đây cũng cần được đưa vào khuôn khổ đàm phán mới trong hiệp ước. Đây cũng là cơ hội mới mở cửa cho Ấn Độ và Pakistan”.
Việc Ấn Độ đình chỉ hiệp ước, dù chỉ là tạm thời, có thể mở ra cánh cửa tái đánh giá một trong những thỏa thuận chia sẻ nước xuyên biên giới quan trọng nhất thế giới – giữa hai quốc gia đang nắm giữ hơn 13% dân số toàn cầu.
Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: The Independent