Theo quy định của nghị định 70/2025, từ 1-6 những hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ... áp dụng xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Sau một tháng triển khai, nhiều hộ kinh doanh có doanh thu chưa đến ngưỡng này cũng đăng ký áp dụng vì thấy lợi ích và họ đã dần quen với quy định mới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ kinh doanh còn nhiều bỡ ngỡ với việc chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Như tại hội thảo “Khéo kê khai - Thuế nhẹ vai”, có hộ kinh doanh đặt vấn đề: “Tôi kinh doanh rau củ quả, mua trực tiếp từ người nông dân thì cần phải có giấy tờ như nào để có thể kê khai thuế cho đúng?”.
Trả lời vấn đề này, chuyên gia về thuế - ông Trần Văn Quân, Tổng giám đốc VNTAC cho biết, trên thực tế, có nhiều cách để chứng minh chi phí đầu vào và lập hồ sơ kê khai thuế. Trong đó cách đơn giản và phổ biến nhất hiện nay là lập biên bản mua hàng hoặc bản kê hàng hóa.
Bản kê này không cần quá phức tạp, chỉ cần đảm bảo các nội dung cơ bản như: Thời gian mua hàng (ngày, giờ cụ thể); Thông tin người bán (tên, địa chỉ, số điện thoại nếu có); Tên hàng hóa, số lượng, đơn giá, tổng tiền và đặc biệt là có chữ ký xác nhận của cả người mua và người bán
“Bản kê hoặc biên bản này sẽ được lưu cùng chứng từ kế toán, và là căn cứ để hộ kinh doanh hạch toán chi phí đầu vào, phục vụ cho việc kê khai thuế”, ông Tuấn cho biết.
Tính đến 30-6 cả nước có hơn 47.000 hộ kinh doanh đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 10.000 hộ so với chỉ tiêu ban đầu
Trong khi đó có hộ kinh doanh chưa rõ chính xác trường hợp nào chỉ cần kê khai thuế, trường hợp nào cần lập báo cáo tài chính.
Về vấn đề này, ông Quân cho biết, đây là thắc mắc chung của nhiều hộ kinh doanh hiện nay, đặc biệt là các tiệm tạp hóa, cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Theo chuyên gia này, trước hết, cần phân biệt rõ giữa kê khai thuế và lập báo cáo tài chính trong trường hợp của hộ kinh doanh cá thể.
Kê khai thuế là nghĩa vụ bắt buộc của hộ kinh doanh và được thực hiện dựa trên tổng doanh thu bán ra trong kỳ tính thuế. Đây là căn cứ chính để xác định số thuế phải nộp. Hộ kinh doanh sẽ cần kê khai định kỳ (tháng hoặc quý), tùy theo quy mô doanh thu và hướng dẫn của cơ quan thuế.
Còn đối với báo cáo tài chính, hiện nay pháp luật không bắt buộc hộ kinh doanh phải lập báo cáo tài chính như doanh nghiệp. Tuy nhiên, hộ kinh doanh vẫn cần ghi chép, lưu trữ sổ sách bán hàng, chi phí, tồn kho,... như một hình thức theo dõi nội bộ, để phục vụ quản lý và làm căn cứ đối chiếu khi cơ quan thuế kiểm tra.
“Hộ kinh doanh không cần nộp báo cáo tài chính, nhưng vẫn nên lưu trữ thông tin tài chính nội bộ một cách đầy đủ, rõ ràng. Đây là phần rất quan trọng nếu sau này có phát sinh thanh tra, kiểm tra hoặc cần chứng minh chi phí, doanh thu thực tế”, ông Trần Văn Quân cho biết.
“Chuyển đổi sang kê khai thuế, hiện đại hóa quy trình vận hành cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía cơ quan thuế, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho đến các tổ chức ngân hàng”, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ KiotViet.
Hiện đã có nhiều phần mềm bán hàng tích hợp nhiều lợi ích cho hộ kinh doanh như cho phép: Quản lý bán hàng, tích hợp hóa đơn điện tử hợp lệ & chữ ký số và đặc biệt là kê khai thuế tự động. Theo đó, dữ liệu doanh thu từ hóa đơn điện tử đã phát hành được tự động tổng hợp vào mẫu tờ khai thuế, giúp giảm thiểu rủi ro sai sót do nhập liệu thủ công và đảm bảo tính thống nhất số liệu. Hệ thống cũng tự động tính toán nghĩa vụ thuế suất theo lĩnh vực kinh doanh, hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai nhanh chóng.
Theo VTV