Nghệ nhân Nguyễn Văn Dương (Thái Bình) thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Thủy Trung Tiên (Hà Nội). (Ảnh: Phương Lan/TTXVN)
Tám năm sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ngày càng lan tỏa và thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực quảng bá, tôn vinh nét đẹp trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, vẫn còn những biểu hiện lệch lạc, biến tướng trong thực hành nghi lễ, làm ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng và xã hội.
Nhận diện đúng giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như việc thực hành tín ngưỡng một cách đúng đắn, là cách để giúp bảo tồn di sản đúng nghĩa, không bị sai lệch và không làm biến dạng giá trị di sản.
Di sản của người Việt
Trong đời sống tâm linh của người Việt, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là một di sản có giá trị văn hóa, tinh thần vô giá. Từ thế kỷ XVI, di sản này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người Việt.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là cả một hệ thống tri thức, văn hóa truyền thống của người Việt hội tụ trong tín ngưỡng thờ Mẫu, bao gồm lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ... với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa, được kết hợp một cách nghệ thuật, như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Trong số đó, những bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, được trao truyền, kế tục giữa các thế hệ... đặc biệt quan trọng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Dương (Thái Bình) thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Thủy Trung Tiên (Hà Nội). (Ảnh: Phương Lan/TTXVN)
Hầu đồng là nghi lễ quan trọng nhất trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Đây là một nghi lễ tổng hợp, tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian được đúc kết từ bao đời nay.
Trong hầu đồng là cả một hệ thống kho tàng các di sản về văn học, âm nhạc, về vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn.
Về văn học, có cả một kho tàng văn học dân gian được lưu giữ trong hầu đồng. Về âm nhạc, hầu đồng đã sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn.
Về vũ đạo, trong hầu đồng có hàng chục điệu múa như: múa kiếm, long đao, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa, dệt gấm. Vì thế, hầu đồng được các chuyên gia văn hóa quốc tế nhận định là một “kho tàng sống của di sản văn hóa Việt.”
Tháng 12/2016, UNESCO công nhận “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Tám năm qua, bên cạnh việc nỗ lực để tôn vinh di sản của cộng đồng thực hành di sản, vẫn còn một bộ phận những người trong quá trình thực hành tín ngưỡng đã có những hành vi sai lệch, biến tướng, làm xấu đi nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nhiều người thực hành tín ngưỡng lợi dụng niềm tin của người dân để “buôn thần, bán thánh”, dọa nạt con nhang đệ tử để vòi tiền, trục lợi… làm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và xã hội.
Gần đây, Liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Bắc Ninh lần thứ 2 - năm 2024 tổ chức tại Đền thờ Lý Thường Kiệt lại biểu diễn Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên sân khấu và đã bị Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có văn bản yêu cầu chấn chỉnh.
Theo Cục Di sản văn hóa, đây là hoạt động diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản; xâm phạm tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, không đúng tinh thần Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam.
Hiểu đúng để thực hành, gìn giữ và bảo tồn di sản
Theo các nhà nghiên cứu, việc chấn chỉnh các nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn những biến tướng trong quá trình thực hành di sản là vô cùng cần thiết, trong đó có vai trò quan trọng của những người trực tiếp thực hành di sản.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ UNESCO, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Dân gian Việt Nam cho biết trong gia đình bà nhiều người thực hành Đạo Mẫu từ hàng chục năm qua.
Thanh đồng trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền (Long Biên, Hà Nội) thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đền Thủy Trung Tiên (Hà Nội). (Ảnh: Phương Lan/TTXVN)
Bản thân bà lại là người tham gia vào các hoạt động của Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nên bà hiểu được giá trị của việc bảo vệ và giới thiệu di sản đến với du khách. Đồng thời thấy mình càng cần phải có trách nhiệm bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu đúng về giá trị của di sản Đạo Mẫu.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn chia sẻ bà cũng rất buồn khi chứng kiến nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cũng như những quan niệm lệch lạc trong thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu. Bởi chính những biểu hiện lệch lạc này khiến nhiều người có thành kiến và hiểu sai về giá trị di sản, đánh giá sai về những người thực hành chân chính, làm sai lệch giá trị di sản, khiến không ít người băn khoăn lo ngại.
Là thủ nhang đền Thủy Trung Tiên - ngôi đền cổ hơn 1.000 năm tuổi nằm trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), đồng thời cũng là người thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu hơn 60 năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn mong muốn ngôi đền Thủy Trung Tiên trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh chuẩn mực, để du khách cũng như giới trẻ hiểu đúng hơn về giá trị của di sản.
“Chỉ khi chúng ta hiểu đúng thì mới thực hành đúng, để góp phần lan tỏa và phát triển di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ trong đời sống đương đại. Đồng thời bảo tồn và phát huy di sản được UNESCO công nhận,” Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn nhấn mạnh.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Dương, đồng thầy ở Thái Bình cho biết: "Chúng tôi cũng trải qua khó khăn vất vả để thực hành rồi mới được làm thầy. Trong quá trình thực hành, ngoài học theo thầy, chúng tôi còn nghiên cứu sách chữ Nho từ thời Nguyễn để hiểu thêm về lề lối, niêm luật trong nghi lễ diễn xướng, cũng chỉ với mong muốn kế thừa, phát huy và lan tỏa di sản đạo Mẫu trong đời sống đương đại.”
Thanh đồng trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền (Long Biên, Hà Nội) cho biết trong gia đình, Hiền là đời thứ 3 theo Đạo Mẫu và cũng đã thực hành tín ngưỡng được 8 năm.
Thu Hiền cho rằng, khi thực hành Đạo Mẫu cần tiếp cận và tiếp thu từ những đồng thầy có trình độ hiểu biết về lịch sử, văn hóa, về thực hành diễn xướng, hiểu được lề lối và phép tắc của “nhà ngài” để thực hành cho chuẩn mực.
Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản văn hóa, đồng thời có nhiều biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại, trong đó có việc tổ chức nghiên cứu khoa học; thực hành và trình diễn di sản; các chương trình giảng dạy; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân, các thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thìn chia sẻ việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo đúng nguyên gốc, chuẩn mực phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng nhằm bảo vệ di sản, đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc tạo nên những biến tướng, sai lệch, đặc biệt là đẩy lùi thực trạng thương mại hóa các nghi lễ liên quan đến những giá trị bản sắc, truyền thống của di sản.
Cùng với việc bảo tồn, điều cần thiết là phát huy giá trị di sản trong cộng đồng, từ đó, thực hành di sản sẽ thúc đẩy tăng cường đối thoại và sự tôn trọng đa dạng văn hóa. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong đời sống đương đại./.
(TTXVN/Vietnam+)