Chiều 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với các quốc gia khác mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Mức thuế này sẽ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp dụng cho hàng xuất khẩu của Mỹ.
Biểu đồ được ông Trump giơ cao khi phát biểu tại Nhà Trắng cho thấy, Mỹ sẽ áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17% và Singapore 10%.
Theo đó, Việt Nam bị cho rằng đã áp mức thuế và rào cản thương mại 90% với Mỹ, nên bị áp mức thuế 46%. Nhiều người đang hiểu nhầm rằng Việt Nam đánh thuế 90% lên hàng hóa Mỹ. Thực tế, Mỹ cho rằng Việt Nam đang gây khó dễ cho hàng Mỹ với tổng rào cản thương mại lên tới 90%.
Đây là con số Mỹ tự đánh giá về tổng các rào cản thương mại Việt Nam áp dụng lên hàng hóa Mỹ. Con số này không chỉ gồm thuế quan, mà còn có cả các rào cản phi thuế quan và nhiều yếu tố khác.
Trong đó, Thuế quan trực tiếp, Việt Nam thực tế chỉ áp thuế nhập khẩu từ 5% - 10% lên hàng hóa Mỹ. Hoàn toàn không có chuyện áp thuế lên tới 90%.
Với rào cản phi thuế quan, Mỹ đánh giá thêm các yếu tố như tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, thủ tục hải quan, hạn ngạch nhập khẩu... Chính phủ Tổng thống Trump quy đổi tất cả các khó khăn này sang một con số % để thể hiện mức độ cản trở hàng Mỹ vào Việt Nam. Phần này trong Báo cáo thương mại toàn cầu 30/3, Mỹ đã chỉ ra Việt nam có các rào cản và thủ tục rườm rà làm ảnh hưởng tới hàng Mỹ....
Theo đó, nhóm chuyên gia của ông Trump lấy con số "90%" (mức rào cản thương mại theo đánh giá của Mỹ) và áp dụng nguyên tắc "đối ứng" (có đi có lại), đưa ra mức thuế bằng khoảng một nửa của con số này, tức là 46%, lên hàng hóa Việt Nam để "đáp trả". Mỹ cũng áp dụng nguyên tắc này với các nước khác như Trung Quốc và EU dựa trên cách tính tương tự.
Theo ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI, mức thuế “đối ứng” 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam hay 34% đối với Trung Quốc, 20% đối với EU… là mức trần, các quốc gia có thể đàm phán để giảm thuế.
Để cải thiện tình hình, Việt Nam nên lựa chọn thương lượng và chủ động giảm bớt thặng dư thương mại với Đối tác chiến lược toàn diện Mỹ, cắt giảm các rào cản phi thuế quan và hợp tác tích cực hơn với Mỹ.
Song song với đó, tận dụng các hiệp định thương mại là cơ hội lớn của Việt Nam trong việc thương lượng giảm thuế “đối ứng”. Việt Nam nên tăng cường sử dụng Hiệp định TIFA (ký năm 2007) và Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Mỹ (ký năm 2001) để giải quyết tranh chấp và giảm bớt các căng thẳng thương mại hiện tại.
Hoàng Minh