Khu vực kinh tế tư nhân - khu vực đã được xác định là động lực chính cho sự phát triển của quốc gia. Ảnh: LÊ VŨ
Ngày 4-5-2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW, khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” và là “động lực tiên phong” trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nghị quyết đưa ra một loạt nội dung từ tư tưởng chủ đạo cho đến các khung chính sách cần thực hiện, ở nhiều cấp độ, cho nhiều đối tượng. Đây rõ ràng là một trong những sự phát triển về tư tưởng quan trọng nhất kể từ khi bắt đầu quá trình đổi mới.
Điều này một lần nữa khẳng định rằng thực tiễn xã hội là người thầy lớn, là nguồn tri thức sống động và hữu ích nhất định hình nên nhận thức xã hội. Những nỗ lực áp đặt nhận thức giáo điều và hành động duy ý chí đều phải điều chỉnh sau một thời gian tiêu hao nguồn lực và đánh mất cơ hội trong cuộc hành trình gian lao tiến vào tương lai. Điều này đúng ở cấp độ cá nhân, tổ chức, cộng đồng và dân tộc.
Việc chính thức xác nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong sự hình thành và phát triển nền kinh tế không phải là điều mới trên thế giới, nhưng là một bước ngoặt về tư tưởng ở Việt Nam cho tới lúc này. Điều này đơn giản là đưa nhận thức về gắn liền với thực tế đã hình thành một cách vững chắc từ trước đó. Tuy nhiên, di sản của sự chậm trễ về tư tưởng lại cũng là một thực tế không nên bỏ qua.
Nói cách khác, hệ thống chính sách và thể chế được hình thành từ trước tới nay ở Việt Nam chưa sẵn sàng cho một nền kinh tế có khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất”. Vì lẽ đó, chúng ta có thể thấy Nghị quyết 68 là một văn bản chứa đựng nhiều nội dung, từ triết lý phát triển đến khung chính sách ngành và cải cách hành chính.
Một chính sách sáng suốt để xã hội phát triển là đặt doanh nghiệp vào thế cạnh tranh. Và kinh tế thị trường là thể chế tốt nhất tạo ra môi trường như vậy.
Bài viết này chỉ bàn tới một số điểm mà tôi cho là cấp bách trước thực tiễn đang vận động khá nhanh sau khi Nghị quyết 68 ra đời. Cụ thể, để tinh thần đổi mới trong nghị quyết này có thể phát huy tác dụng thực sự và tạo nền tảng phát triển lành mạnh, bền vững, lâu dài cho nền kinh tế - xã hội quốc gia, chúng ta trước hết cần xác định đúng bản chất của khu vực kinh tế tư nhân như một thực thể kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng, vừa là một đối tượng chính sách cần ứng xử phù hợp, với mục đích tránh nguy cơ sa vào vết xe đổ của chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism) hoặc bị dẫn dụ vào con đường đưa tới chế độ thiểu số lũng đoạn (kleptocracy), mà một số quốc gia, tiếc thay, đã rơi vào, dẫn đến hậu quả tồn tại dai dẳng khó thoát ra được.
Bản chất của phát triển là tri thức, khu vực tư nhân là nơi tạo ra và lưu giữ tri thức
Sự phát triển kinh tế (và phát triển nói chung), hiểu một cách sâu xa, không phải dựa đơn thuần trên vốn, lao động hay tài nguyên thiên nhiên. Những thứ đó chỉ là sự biểu hiện của tri thức con người. Ví dụ, dầu mỏ hay than đá vĩnh viễn không có ý nghĩa xã hội gì nếu con người không có tri thức trong việc chuyển hóa chúng thành năng lượng để phục vụ cho những phát minh ứng dụng được phát triển tiếp sau đó. Tương tự như vậy, một người dù khỏe mạnh đến đâu cũng không làm được việc gì nếu không biết phải làm gì.
Do đó, các doanh nghiệp - bất kể trong khu vực nào (tư nhân hay Nhà nước), quy mô ra sao (nhỏ hay lớn), thực chất là các đơn vị tổ chức xã hội hiệu quả nhất mà xã hội hiện đại xây dựng nên để sản sinh, lưu giữ và phát triển tri thức, từ đó phục vụ sự phát triển xã hội thông qua phát triển kinh tế. Hệ thống xã hội chỉ dựa vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu tập thể đã thất bại bởi vì cuối cùng nó không có động lực sản sinh ra tri thức.
Lý do là việc sản sinh ra tri thức rất đắt đỏ nên nếu không xác định được quyền sở hữu tri thức sau khi sản sinh ra một cách chắc chắn, người ta sẽ không bắt tay vào sản xuất ra tri thức. Trong các loại hình sở hữu, thì sở hữu tư nhân là hiệu quả nhất trong việc bảo vệ các thành quả đầu tư đắt đỏ đó. Chính vì thế, kinh tế tư nhân trở thành chủ đạo trong mọi nền kinh tế thành công trong lịch sử thế giới.
Cũng cần lưu ý rằng, tri thức là muôn hình vạn trạng, nên nó có thể nằm trong những doanh nghiệp nhỏ nhất (hay hộ kinh doanh) cho tới những công ty xuyên quốc gia khổng lồ. Tri thức có thể là kỹ thuật rang lạc húng lìu thơm ngon giòn tan bảo quản được lâu hoặc công nghệ phóng tên lửa lên sao Hỏa mà vẫn có thể thu hồi. Tùy theo loại tri thức mà chúng ta có tổ chức doanh nghiệp phù hợp. Nhưng doanh nghiệp tư nhân thì có khả năng sản sinh và bảo vệ tri thức hiệu quả nhất cho tới nay.
Khu vực tư nhân không tự nguyện tạo ra tri thức, nó phải làm vì quá trình cạnh tranh
Tri thức mới là rất đắt vì nó đòi hỏi sự khám phá, thử nghiệm và do đó chứa đựng rủi ro. Cho nên trong điều kiện không có áp lực thì không doanh nghiệp nào muốn đổi mới tri thức cả. Họ chỉ muốn sử dụng tri thức đã có và hưởng thành quả từ tri thức họ đang có sẵn.
Chính quá trình cạnh tranh đã khiến các doanh nghiệp liên tục phải tìm kiếm các tri thức mới. Tri thức này được biểu hiện thông qua việc tăng năng suất, phát minh hoặc áp dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực...
Cốt lõi của doanh nghiệp là tri thức mà chúng tàng chứa bên trong, chứ không phải quy mô của nó. Theo nghĩa này, doanh nghiệp ở bất cứ quy mô nào - nếu hoạt động hiệu quả (tuân thủ pháp luật và có lợi nhuận) - cũng có ý nghĩa xã hội quan trọng.
Do đó, bản năng của doanh nghiệp không phải là đổi mới sáng tạo, mà chính quá trình cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo. Điều này đồng nghĩa với phản xạ tự nhiên của doanh nghiệp không phải là đổi mới sáng tạo, mà phản xạ của nó là ngăn cản cạnh tranh. Doanh nghiệp luôn muốn sử dụng pháp luật hoặc nếu có thể, dùng quyền lực về quan hệ, để ngăn cản cạnh tranh. Vì thế các doanh nghiệp nếu có khả năng, việc đầu tiên là nó thao túng chính sách để được độc quyền, bất kể đó là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp không lo ngại sự kiểm soát của Nhà nước, mà nó lo ngại cạnh tranh. Vì thế, một chính sách sáng suốt để xã hội phát triển là đặt doanh nghiệp vào thế cạnh tranh. Và kinh tế thị trường là thể chế tốt nhất tạo ra môi trường như vậy.
Doanh nghiệp tư nhân không phải là “cánh tay nối dài” của chính sách công
Doanh nghiệp tạo ra tri thức không phải vì sự ham hiểu biết hoặc yêu tri thức, mà vì nhờ có tri thức thì nó có lợi nhuận cao hơn, thông qua lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường. Vai trò xã hội của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Nếu theo đuổi một vai trò xã hội khác, thì cần một loại hình tổ chức khác, không phải doanh nghiệp.
Ví dụ các đoàn thể, các câu lạc bộ, các tổ chức tôn giáo, đó là những tổ chức được thành lập để theo đuổi những mục tiêu không vì lợi nhuận. Còn doanh nghiệp được thành lập ra là vì mục tiêu lợi nhuận. Vì mục tiêu này, trong môi trường cạnh tranh, doanh nghiệp buộc phải sản sinh ra tri thức, như đã phân tích ở trên. Nhờ thế, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Một quan niệm sai lầm thường thấy là kỳ vọng doanh nghiệp phải “cống hiến cho đất nước” theo kiểu hỗ trợ các chương trình, phong trào kinh tế - xã hội hoặc thực hiện các nhiệm vụ chính sách. Chính điều này đã bào mòn vai trò thực sự của các doanh nghiệp nhà nước như chúng ta đã biết.
Việc thực hiện chính sách công hoặc theo đuổi các mục tiêu chính trị là nhiệm vụ của Nhà nước. Nhà nước sử dụng nguồn lực từ nguồn thu từ thuế một cách có trách nhiệm với người đóng thuế. Vì vậy, doanh nghiệp tập trung trọn vẹn vào nhiệm vụ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận và đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật là phương pháp hữu ích nhất để Nhà nước thực hiện hiệu quả các chính sách công, và đó cũng là cách doanh nghiệp đóng góp vào duy trì trật tự xã hội.
Định hình chính sách đúng cách để phát triển khu vực kinh tế tư nhân lành mạnh
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể thảo luận được nhiều chính sách cụ thể cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân của nước ta nói riêng, cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước nói chung. Tôi hy vọng có thể đóng góp quan điểm trong những bài viết tiếp theo.
Mục đích của bài viết này chỉ nhằm nhấn mạnh về bản chất của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực đã được Nghị quyết 68 xác định đúng đắn là động lực chính cho sự phát triển của quốc gia - và trên cơ sở đó xác định một số ít nguyên tắc quan trọng nhất trong việc phát triển khu vực kinh tế này.
Đó là: tạo lập môi trường cạnh tranh, tránh để các doanh nghiệp lớn dựa trên quyền lực kinh tế hoặc kết nối quan hệ ngăn chặn cạnh tranh. Đồng thời, không nên nhầm lẫn vai trò tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp với việc thực hiện nhiệm vụ chính sách công, đặc biệt đối với doanh nghiệp tư nhân. Ngay cả khi doanh nghiệp tư nhân thể hiện mong muốn làm điều đó, thì mục tiêu của họ cuối cùng cũng chỉ là vì lợi nhuận.
Cuối cùng, cốt lõi của doanh nghiệp là tri thức mà chúng tàng chứa bên trong, chứ không phải quy mô của nó. Theo nghĩa này, doanh nghiệp ở bất cứ quy mô nào - nếu hoạt động hiệu quả (tuân thủ pháp luật và có lợi nhuận) - cũng có ý nghĩa xã hội quan trọng. Một chính sách đúng cho sự thịnh vượng của đất nước trong dài hạn chính là nuôi dưỡng một môi trường cho toàn bộ doanh nghiệp phát triển ở bất kỳ quy mô nào.
TS. Nguyễn Đức Thành