Tín ngưỡng cầu an, dâng sao giải hạn - hiểu thế nào?
Kể từ Tết Nguyên đán cho đến hết tháng Giêng âm lịch, mọi ngôi chùa, đình hay đền đều đón liên tiếp dòng người đi lễ Phật, lễ Thánh. Ai ai cũng mong đầu năm mới được tìm đến chốn tâm linh để hòa mình vào tín ngưỡng, được Đức Phật, Đức Thánh chứng giám, và cầu ước nhiều điều tốt lành.
Trong dòng chảy văn hóa và tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nghi thức đi lễ đầu năm và cúng sao giải hạn từ lâu đã trở thành một hoạt động tâm linh phổ biến, đặc biệt vào dịp đầu năm mới. Xuất phát từ nhu cầu cầu an, tránh tai ương, người dân tin rằng mỗi năm bản mệnh của một cá nhân sẽ bị chi phối bởi các ngôi sao tốt hoặc xấu, còn gọi là “cửu diệu tinh”. Với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nghi thức này đã đi sâu vào đời sống tín ngưỡng của người Việt qua nhiều thế hệ.
Dù mang tính chất an ủi tâm lý, cúng sao giải hạn vẫn được thực hiện một cách rầm rộ ở nhiều địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia. Việc dâng lễ, tụng kinh và cầu nguyện giúp họ có cảm giác nhẹ nhõm, vững tin hơn vào tương lai, từ đó giảm bớt lo âu và bất an.
Nghi lễ cúng sao giải hạn không phải là nghi thức chính thống của Phật giáo. Việc cầu an, tụng kinh, tu tập và làm việc thiện là con đường chân chính để giải hạn và chuyển nghiệp. Do đó, Phật giáo không phủ nhận nhu cầu tâm linh của con người nhưng nhấn mạnh rằng, việc cúng sao giải hạn thiếu nền tảng của trí tuệ và chính kiến sẽ rơi vào mê tín.
Người dân "dâng sao" mong "giải được hạn"
Từ mùng 10 tháng Giêng, chùa Phúc Khánh trở nên tấp nập khi hàng nghìn phật tử và du khách đổ về làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn, mong muốn hóa giải vận hạn và cầu mong một năm bình an.
Để tham gia lễ dâng sao, người dân sẽ viết tên, tuổi, sao hạn của từng thành viên trong gia đình vào phiếu đăng ký, sau đó nộp tại khu vực làm lễ và đóng khoản phí khoảng 150.000 đồng. Sau khi hoàn tất, họ nhận được phiếu hẹn tham dự khóa lễ vào ngày cố định.
Anh Nguyễn Quốc Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, chia sẻ: "Năm nay tôi được biết hai vợ chồng đều có sao xấu chiếu mệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi nghĩ rằng có thờ có thiêng, có kiêng có lành nên đến đăng ký tham dự lễ cầu an, giải sao xấu để mong bớt được phần nào vận hạn".
Chia sẻ về việc làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm mới, một số người dân cho biết, họ đăng ký vì muốn điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình, vì sự bình an trong tâm hồn hoặc đơn giản chỉ là vì bắt chước đám đông, chứ không hẳn do mê tín, cuồng tín.
Những năm vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần khẳng định cúng sao, dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, không có trong giáo lý nhà Phật.
Như vậy, dâng sao giải hạn, xét đến cùng, vẫn chỉ là một nghi thức mang tính tín ngưỡng dân gian. Dù nhiều người xem đây là cách tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn, song việc đặt niềm tin một cách thái quá hay coi đó là cách duy nhất để hóa giải vận hạn vẫn cần được nhìn nhận lại.
Chính đạo dạy con người như thế nào?
Không có một Phật hay Thánh, Mẫu nào hay một tôn giáo chính thống nào lại răn dạy con người là phải sắm sửa lễ lạt đầy ắp, tốn nhiều tiền của, đọc nhiều loại sớ hay dâng cúng nhiều vật phẩm giá trị. Không có một đạo nào chứng minh được việc cúng bái, bày đặt tốn kém có thể đổi vận, chữa khỏi bệnh hay sẽ thăng quan tiến chức, kiếm được nhiều tiền. Tất cả những điều đó chỉ là con người "phú quý sinh lễ nghĩa" tự nghĩ ra mà thôi.
Đại đức Thích Đạo Tâm - Phó trụ trì chùa Thần Quang - Chánh Thư ký ban Trị sự Phật giáo quận Ba Đình - chia sẻ: "Nhà Phật cũng giúp cho nhân dân lễ đó để họ được an yên, các sư tăng cũng giảng giải thêm cho phật tử là dự lễ để tâm của chúng ta an yên, hướng thiện, hướng đến đức Phật và làm thiện, chứ không phải cứ đi lễ là sẽ được mọi thứ như mong cầu".
Phật giáo không công nhận việc con người có thể thay đổi số phận thông qua cúng sao hay các hình thức cầu xin siêu hình. Đức Phật dạy “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”, nghĩa là chỉ có sự nỗ lực tu tập và chuyển hóa từ bản thân mới có thể cải thiện cuộc sống và giải thoát khổ đau.
"Hãy làm từ thiện ngay trong dòng họ, hàng xóm chứ không phải là làm từ thiện tận hình thức, như mua 100 con chim phóng sinh là làm thiện. Chúng tôi giảng giải cho tín đồ hướng đến tâm thiện, chứ không phải lập đàn tế lễ hoàng tráng. Phật thương ai cũng như nhau" - Đại đức Thích Đạo Tâm cho biết thêm.
Thay vì chi tiền vào những nghi lễ không có cơ sở khoa học, mỗi người nên tự tạo phúc cho mình bằng việc sống lương thiện, giúp đỡ người khác và làm nhiều điều thiện. Đó chính là cách để chúng ta "giải hạn" một cách bền vững nhất.
Đỗ Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/hieu-dung-ve-le-cau-an-dang-sao-giai-han-dau-nam-301954.htm