Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp ứng phó sau khi Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng với các nước. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Thuế đối ứng, công cụ phản ứng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế
Giải thích về khái niệm này, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, cho biết: Trong thương mại quốc tế, “thuế đối ứng” (tiếng Anh là retaliatory tariff) là loại thuế một quốc gia áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia khác nhằm đáp trả các hành động thương mại bị coi là không công bằng, như trợ cấp vượt mức, bán phá giá hoặc áp đặt hàng rào kỹ thuật gây bất lợi.
“Đây không phải là biện pháp được sử dụng thường xuyên, nhưng trong một số tình huống cần thiết, nó có thể được vận dụng hợp pháp, miễn là có đủ chứng cứ về thiệt hại và tuân thủ quy trình của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”, ông Phương chia sẻ.
Theo công bố chính thức từ phía Hoa Kỳ, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng chiến lược như thép, nhôm và thiết bị công nghệ cao nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và đáp trả những chính sách bị đánh giá là trợ cấp không công bằng từ một số đối tác thương mại lớn.
Tiến sĩ Lê Quốc Phương nhận định: “Việc một quốc gia điều chỉnh thuế để bảo vệ sản xuất trong nước là quyền hợp pháp nếu thực hiện minh bạch, có bằng chứng rõ ràng và tuân thủ quy định quốc tế. Vấn đề nằm ở cách các quốc gia ứng xử sau đó là đối thoại hay đối đầu. Đối với Việt Nam, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thể hiện thiện chí hợp tác, xây dựng”.
Trong thương mại quốc tế, “thuế đối ứng” (tiếng Anh là retaliatory tariff) là loại thuế một quốc gia áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia khác nhằm đáp trả các hành động thương mại bị coi là không công bằng, như trợ cấp vượt mức, bán phá giá hoặc áp đặt hàng rào kỹ thuật gây bất lợi.
Đây không phải là biện pháp được sử dụng thường xuyên, nhưng trong một số tình huống cần thiết, nó có thể được vận dụng hợp pháp, miễn là có đủ chứng cứ về thiệt hại và tuân thủ quy trình của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có nằm trong diện bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế mới này, từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng với Việt Nam trong 90 ngày kể từ 10/4/2025 và áp dụng mức thuế chung 10% trong thời gian đàm phán. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đan xen, chúng ta cần chủ động vì những ảnh hưởng gián tiếp có thể xảy ra”.
Ông Dũng dẫn chứng, nếu một quốc gia bị áp thuế cao đối với ô-tô điện, mặt hàng mà Việt Nam cung cấp linh kiện, nguyên liệu thì sự sụt giảm nhu cầu từ quốc gia đó có thể khiến đơn hàng từ Việt Nam giảm theo. Do đó, việc nắm bắt diễn biến thị trường, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất-kinh doanh là rất cần thiết.
Ngay trong ngày 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để tiếp tục đánh giá, cập nhật diễn biến tình hình, đề ra các giải pháp ứng phó sau khi Hoa Kỳ vừa tuyên bố hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày với các nước, đối tác, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá chúng ta đã nắm tình hình, phản ứng chính sách, thực thi chính sách đến thời điểm này kịp thời, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh; không cầu toàn, không nóng vội; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm, có hiệu quả.
Tiếp theo Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đồng ý tuyên bố đàm phán thỏa thuận với Việt Nam với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại hai nước theo hướng cân bằng, bền vững, lâu dài.
Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp tổng thể, vừa kịp thời trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Những giải pháp này bảo đảm tuân thủ nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ; thúc đẩy đối thoại, hợp tác, tránh làm gia tăng căng thẳng; lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt, hiệu quả; đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam.
Các kênh trao đổi chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đang được duy trì nhằm tìm kiếm giải pháp cân bằng lợi ích, hướng tới môi trường thương mại ổn định, công bằng và bền vững.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, sự chuẩn bị chủ động cũng là yếu tố quyết định. Luật sư Nguyễn Xuân Dũng khuyến nghị: “Doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật các quy định mới về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế để không bị rơi vào tình trạng bị áp thuế do không minh bạch về nguồn gốc hoặc vi phạm quy định kỹ thuật”, ông Dũng nêu quan điểm.
Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng
Không chỉ các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng củng cố năng lực thích ứng để không bị động trước những thay đổi mang tính hệ thống. Từ góc độ hoạch định chính sách, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, chuyên gia chính sách công và hội nhập kinh tế, cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, cục diện thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Doanh nghiệp Việt Nam cần kích hoạt cơ chế quản trị rủi ro, tăng cường năng lực thích ứng trong mọi tình huống”.
Một số giải pháp doanh nghiệp nên triển khai gồm: đa dạng hóa thị trường, ngoài thị trường truyền thống, cần mở rộng xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi, Nam Á, hoặc các nước trong khu vực ASEAN, những thị trường có tiềm năng nhưng ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới; doanh nghiệp nên tối ưu chi phí logistics, bảo hiểm, quản lý và đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm giá thành sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế. Nên cân nhắc hợp tác sâu hơn với các đối tác Hoa Kỳ hoặc thông qua nước thứ ba nhằm chia sẻ rủi ro, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn; tận dụng các ngành xuất khẩu mới. Ngoài hàng hóa, Việt Nam có tiềm năng trong các lĩnh vực như xuất khẩu tín chỉ carbon, dịch vụ công nghệ xanh, giải pháp số hóa…
“Cần coi đây là giai đoạn củng cố nội lực. Tăng khả năng thích ứng chính là cách để doanh nghiệp đứng vững, không chỉ vượt qua thách thức mà còn mở ra hướng phát triển bền vững hơn”, ông Minh nhấn mạnh.
Trong thương mại quốc tế, sự điều chỉnh chính sách là điều thường thấy. Điều quan trọng là cách tiếp cận thông minh, bình tĩnh và linh hoạt. Với định hướng rõ ràng từ Chính phủ, cùng tinh thần chủ động, cầu thị của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Việt Nam có đủ bản lĩnh để vượt qua thử thách, duy trì đà phát triển và khẳng định vai trò tích cực trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
MAI ANH-THÙY LINH