Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm (GQVL) theo Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND tỉnh Nam Định (quy định về chính sách tín dụng ưu đãi GQVL bền vững trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2030) đang dần phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những chính sách quan trọng thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Giao dịch giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng GQVL giai đoạn 2024-2030, giao Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thực hiện. Chính sách mới cho phép người lao động, học sinh, sinh viên (HSSV) tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để học nghề, tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp hoặc xuất khẩu lao động. Các gói vay có mức lãi suất thấp (tối đa 6,9%), thời hạn linh hoạt đến 10 năm, không yêu cầu tài sản đảm bảo. Nguồn vốn thực hiện được bảo đảm từ ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, từ đầu năm 2025, tổng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chuyển sang cho vay theo Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 68 tỷ đồng; trong đó, đa phần chuyển sang cho vay GQVL 57 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu lao động 10 tỷ đồng, cho vay HSSV đi học, đào tạo nghề 1 tỷ đồng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nhanh chóng phân bổ cho các huyện, thành phố đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn GQVL của các địa phương. Đến hết ngày 13/4/2025, tổng số tiền đã giải ngân theo Nghị quyết 142/2024/NQ-HĐND đạt 56,92 tỷ đồng, trong đó, có 586 khách hàng vay vốn GQVL với số tiền giải ngân 56,87 tỷ đồng, 1 khách hàng vay vốn xuất khẩu lao động với mức 50 triệu đồng.
Tại huyện Nghĩa Hưng, ngay sau khi tiếp nhận nguồn vốn phân bổ từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh, phòng giao dịch đã nhanh chóng giải ngân vốn kịp thời đến các đối tượng có nhu cầu vay vốn. Theo đó, tổng vốn phân bổ cho vay theo Nghị quyết số 142 là 7,2 tỷ đồng. Đến hết ngày 13/4/2025, NHCSXH huyện Nghĩa Hưng đã giải ngân được 6 tỷ đồng theo chương trình vay GQVL cho 60 khách hàng. Từ nguồn vốn chương trình cho vay GQVL theo Nghị quyết 142, các hộ vay đã tích cực mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới cho nhiều lao động từ địa phương, thúc đẩy an sinh xã hội địa phương.
Chị Lương Thị Phượng, ở tổ dân phố số 10, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ có 3-4 máy may công nghiệp để may gia công áo bảo hộ lao động, quy mô sản xuất nhỏ. Với sự cần cù, chăm chỉ, xưởng ngày càng được các khách hàng tin tưởng giao thêm nhiều đơn hàng mới, nên cần vốn để mở rộng quy mô xưởng lẫn máy móc nhằm đáp ứng các đơn hàng lớn. Rất may, đầu năm 2025, gia đình tôi đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi GQVL theo Nghị quyết số 142 để đầu tư các loại máy may, máy cắt, máy là mới... đồng thời, tuyển dụng thêm lao động để tăng năng lực sản xuất của xưởng. Số vốn vay 100 triệu đồng tuy không nhiều, nhưng là động lực lớn để gia đình tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô xưởng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người lao động”. Hiện tại, xưởng may của chị Phương tạo việc làm cho 22 lao động địa phương và hơn chục lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng người tháng, đảm bảo trả nợ, gốc lãi đầy đủ cho tổng vốn đã vay. Tính đến ngày 14/4/2025, tổng dư nợ cho vay chương trình GQVL trên địa bàn thị trấn Quỹ Nhất đạt hơn 9,7 tỷ đồng với 118 hộ còn dư nợ. Riêng nguồn vốn vay GQVL theo Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND, thị trấn đã nhanh chóng giải ngân được cho 3 hộ thụ hưởng với số tiền 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, hàng năm, nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhất là tại những khu vực nông thôn, những hộ gia đình có mức sống trung bình, hộ có diện tích đất bị thu hồi do giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án... Một số hạn chế như dư nợ cho vay còn thấp, thiếu gắn kết giữa tín dụng và chuyển giao kỹ thuật khiến hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.
Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND để người dân nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận vay vốn. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để người lao động, HSSV có nhu cầu vay vốn được tiếp cận vốn nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch. Phấn đấu mỗi năm hỗ trợ đưa 500 người lao động, HSSV đi làm việc, học tập, đào tạo nghề có thời hạn ở nước ngoài, trong đó ưu tiên lao động, HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, thân nhân người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ phải thu hồi đất nông nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả cao. Phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người vay vốn tiếp cận với các mô hình sản xuất mới có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 1,5% trong giai đoạn 2024-2025 và các năm tiếp theo.
Bài và ảnh: Đức Toàn