Hiệu quả các dự án liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế

Hiệu quả các dự án liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế
12 giờ trướcBài gốc
Vẫn còn nguyên niềm vui được mùa, được giá dong riềng anh Pờ Văn Sơn ở bản Vàng Bâu, xã Mường So phấn khởi cho biết: Tháng 12/2023 gia đình tôi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 600kg giống dong riềng lai. Quá trình trồng được hỗ trợ thêm phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Loại cây trồng này cho củ to, đẹp nên rất được các thương lái ưa chuộng thu mua. Không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác trên địa bàn cứ thu tới đâu có người tới cân mua tới đó. Trồng dong riềng không mất nhiều công sức, kinh phí chăm bón mà giá trị kinh tế lại cao gấp đôi so với lúa, ngô. Vừa rồi nhà tôi thắng lớn khi trồng gần 1ha dong riềng đã thu về gần 100 triệu đồng; sau thu hoạch, gia đình đã để giống cho vụ tiếp theo.
Gia đình anh Pờ Văn Sơn ở bản Vàng Bâu, xã Mường So thu hoạch dong riềng bán cho thương lái.
Gia đình anh Sơn là một trong 13 hộ của xã Mường So được hỗ trợ triển khai trồng dong riềng theo mô hình chuỗi liên kết do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai theo Nguồn 1719. Theo ông Lò Văn Biên – Phó Chủ tịch UBND xã Mường So, với diện tích 4,7ha, 13 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, thậm chí còn được kết nối bao tiêu sản phẩm nên người dân đăng ký triển khai mô hình rất yên tâm và tích cực chăm sóc. Với thành công từ mô hình mang lại bà con mong muốn được mở rộng mô hình để tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Được biết, từ năm 2023 đến nay, thông qua Nguồn 1719, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai hỗ trợ 4 mô hình chuỗi liên kết trồng các loại cây như: khoai sọ, dong riềng và cây ăn quả tập trung: mít, lê. Cụ thể, chuỗi liên kết trồng cây khoai sọ thực hiện trên địa bàn 5 xã gồm: Hoang Thèn, Bản Lang, Sin Suối Hồ, Ma Li Pho, Huổi Luông, với tổng diện tích hỗ trợ là 104,68ha, 278 hộ tham gia; cây dong riềng thực hiện trên địa bàn 7 xã: Lản Nhì Thàng, Mường So, Mù Sang, Sin Suối Hồ, Nậm Xe, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, tổng diện tích hỗ trợ là 139,65ha với 185 hộ tham gia; trồng mít tại 2 xã: Mường So, Vàng Ma Chải, tổng diện tích hỗ trợ là 8,7ha với 33 hộ tham gia; trồng lê tại 2 xã: Sin Suối Hồ, Dào San với tổng 16ha, 33 hộ tham gia, tổng kinh phí 9 tỷ 384 triệu đồng.
Người dân xã Ma Li Pho chăm sóc khoai sọ.
Ông Vương Mạnh Công – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Tham gia mô hình chuỗi liên kết theo Nguồn 1719 nông dân tham gia được hỗ trợ 100% giống, vật tư, phân bón. Trong quá trình thực hiện Trung tâm đã giao nhiệm vụ cho cán bộ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc. Qua kiểm tra, đánh giá, dong riềng cho năng suất bình quân 40-50 tấn/ha, giá trị kinh tế khoảng 120 triệu đồng /ha, so với lúa năng suất, giá trị dong riềng cao hơn khoảng 10 lần (lúa khoảng 60 triệu đồng/ha). Đối với mô hình khoai sọ năng suất đạt 8-10 tấn/ha, nhưng giá trị cao khoảng 8-12 nghìn đồng/ha thu về khoảng 100 triệu đồng. Các cây mít, lê đang sinh trưởng phát triển tốt.
Triển khai các mô hình theo chuỗi liên kết trên địa bàn huyện Phong Thổ theo Nguồn 1719 là việc làm thiết thực, phù hợp giúp tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện để mở rộng diện tích hỗ trợ các mô hình chuỗi liên kết theo Nguồn 1719 và một số nguồn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, tạo nguồn lực để bà con phát triển kinh tế hộ gia đình.
Vương Trang
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-c%C3%A1c-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-li%C3%AAn-k%E1%BA%BFt-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF