Ảnh minh họa.
Mục tiêu của Kế hoạch là thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực là không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam.
Chúng ta đã và đang chứng kiến công nghệ số và dữ liệu số từng bước trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực; từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.
Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, là con đường góp phần đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng. Năm 2024, Việt Nam đã có nhiều cố gắng phát triển kinh tế số với các trụ cột là: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; kinh tế số các ngành; quản trị số; dữ liệu số.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2024. Vì vậy, năm 2025 sẽ là năm phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo ra các kết quả thiết thực hơn, toàn diện hơn cho người dân, theo kế hoạch hành động.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là thành tựu chung của trí tuệ nhân loại. Thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ, trên tất cả các lĩnh vực. Những năm qua, Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh bậc nhất thế giới và dự báo tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về tốc tốc độ tăng trưởng kinh tế số giai đoạn 2022 - 2026. Tuy thị trường số của Việt Nam chưa quá lớn, nhưng Việt Nam có tiềm năng phát triển quy mô thị trường, khi tổng dân số đang xếp thứ 15 toàn cầu. Chỉ riêng lĩnh vực thanh toán và giải trí kỹ thuật số trong đời sống đã cho thấy kinh tế số ở nước ta đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trả tiền bằng chuyển khoản và quét mã QR đã và đang trở thành một thói quen, thành “văn hóa”. Trong nhiều ngành kinh tế Việt Nam, việc áp dụng công nghệ số đã và đang tạo ra đột phá, thúc đẩy tăng trưởng, giảm chi phí logistics.
Cùng với những thực tế đã trải qua, chúng ta tin rằng Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 nhất định sẽ đạt được các mục tiêu.
Ngô Đức Hành